Giữ gìn di sản cho thế hệ sau
- Văn hóa - Giải trí
- 10:01 - 04/11/2021
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị có ý kiến bằng văn bản về 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt thuộc đồ án quy hoạch chi tiết khu Hòa Bình (TP. Đà Lạt). Theo đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh lựa chọn là phương án Hotel du Printemps, với việc nâng cao tòa nhà Dinh Tỉnh trưởng lên 28m; bên cạnh đó, xây dựng các công trình và tiện ích như: Khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế trong tổ hợp khách sạn 10 tầng...
Ngay lập tức, ý tưởng này nhận được nhiều ý kiến phản biện từ giới kiến trúc sư cho tới người dân, nhất là những người dành tình yêu lớn cho Đà Lạt. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã gửi văn bản đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và Giám đốc Sở Xây dựng với nội dung: “Vì mục đích trân trọng, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên để xây dựng thành phố di sản Đà Lạt, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND tỉnh và Sở Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, kiến trúc sư trong cả nước và không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh Tỉnh trưởng ở TP. Đà Lạt”.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, người đã dành rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về phong cách kiến trúc và quy hoạch Đà Lạt, khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng mà làm dự án địa ốc là không phù hợp, ảnh hưởng lớn đến vấn đề bản sắc và giữ gìn di sản cho Đà Lạt. Phương án tỉnh Lâm Đồng đang chọn là kém khả thi nhất.
Ông khuyến cáo thể loại kết cấu gạch, bê tông của Dinh Tỉnh trưởng đã xưa cũ, chỉ nên chỉnh trang tại chỗ, chứ không thể “nâng cao” theo kiểu bê nguyên công trình lên cao 28m. Ngoài ra, rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khu vực đồi Dinh cần được bảo tồn. Nếu làm dự án tại đây, rừng cây này sẽ không còn tồn tại...
Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng như cá nhân KTS Ngô Viết Nam Sơn. Họ cho rằng, nhiều thành phố ở các nước phát triển, như: Singapore, Malaysia hay châu Âu... đã cố gắng duy trì những phố cổ, công trình cổ, lấy đó làm điểm nhấn hút du khách khắp nơi. Những giá trị văn hóa, lịch sử không thể đo đếm bằng tiền, kể cả có nhiều tiền cũng không thể tái tạo được những di sản, nếu như bị phá bỏ hoặc làm biến dạng.
Đà Lạt là thành phố du lịch. Rất nhiều khách nước ngoài chỉ muốn đến những nơi có các di sản mà nước họ không có chứ không phải đến đó để thăm thú những khách sạn hiện đại, công trình hoành tráng - những thứ mà ở nước họ còn hiện đại hơn.
Phát triển đô thị theo hướng hiện đại là xu hướng tất yếu. Nhưng không thể vì mục đích hiện đại hóa đô thị mà phá bỏ những di sản văn hóa. Tại TP. Hồ Chí Minh, đã có lúc cả giới kiến trúc sư và người dân lên tiếng để công trình Dinh Thượng thơ ở trung tâm thành phố không bị đập bỏ. Nhưng cũng có không ít di sản, di tích bị phá bỏ trong sự tiếc nuối, xót xa của bao người...
“Một khi di sản bị can thiệp thô bạo sẽ không bao giờ phục dựng được cảnh thiên nhiên đẹp như tòa nhà Dinh Tỉnh trưởng hiện hữu. Cần mở tâm trong sáng, tầm nhìn xa hơn, rộng hơn để có thể nhận được chân giá trị của di sản Đà Lạt, không chỉ là công trình Dinh Tỉnh trưởng”, ý kiến của một trong những người đã nuôi dưỡng tình yêu mãnh liệt với Đà Lạt và cũng là mong muốn chung của rất nhiều người yêu quý các di sản văn hóa.
Giữ gìn được các di sản, hẳn thế hệ sau sẽ rất biết ơn những người hôm nay đã góp công bảo tồn, gìn giữ...