Giọt nước mắt giữa thời bình
- Y học 360
- 17:43 - 08/07/2016
Vẫn vui tươi nô đùa với chúng bạn, nhưng thỉnh thoảng cô con gái út 5 tuổi của Thiếu tá phi công- chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 Nguyễn Văn Chính liên tục hỏi: “Bố đâu, bố đâu rồi, sao bố chưa về cho con ngủ, cho con ăn vậy…?” khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Con gái Thiếu tá phi công Nguyễn Văn Chính (bên phải) vẫn vui đùa, không biết bố sẽ không bao giờ về nữa
Căn nhà cấp 4 của anh ở đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội) cho đến những ngày này vẫn còn anh em, bạn bè, hàng xóm và cả những người chỉ nghe tên anh Chính qua lại thăm hỏi, động viên.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người thân của gia đình thiếu tá Nguyễn Văn Chính giờ vẫn không tin rằng anh đã ra đi. Gia đình vẫn tin rằng, anh chỉ đang bay, đang đi làm xa như mọi lần anh vẫn vắng nhà. Nỗi đau này đối với những người ở lại quá lớn.
Theo người thân của anh Chính, từ khi nghe tin anh hy sinh thì bố đẻ của anh – ông Nguyễn Văn Chiến và bố vợ của anh là ông Trần Mậu Giao đều gần 80 tuổi, sưc khỏe đã yếu sẵn lại càng suy sụp. Tuy nhiên, hai người cha già vẫn gắng gượng để tiếp người thân, bà con lối xóm, đồng đội của anh đến thăm hỏi, chia buồn. Hai ông cứ lầm lũi đi ra rồi lại đi vào. Mẹ của anh Chính, bà Khống Thị Sính (67 tuổi) theo tin ở quê cho biết là bị sốc nặng, mấy ngày nay bà không gượng dậy nổi, cứ nằm ở giường mong chờ phép màu, mong chờ con sẽ trở về như mọi lần.
Bố vợ của anh là ông Trần Mậu Giao - một lão tướng đặc công từng kinh qua bao trận đánh thời kháng chiến chống Pháp, ngồi rít thuốc, nhấp nước chè, bình thản nói với tôi: "Sống chết là quy luật ở đời. Người lính phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, chỉ là đi trước, đi sau mà thôi. Chính về làm rể trong nhà được hơn chục năm nay nhưng chẳng mấy khi bố con có điều kiện ngồi trò chuyện, tâm sự với nhau được lâu. Lúc nào cũng thấy nó bận công việc, một năm về nhà được đôi ba ngày dịp Tết. Chính là đứa chu đáo, tình cảm, ít nói nhưng thương vợ, thương con".
Dù đau buồn, nhưng trong ánh mắt sâu thẳm của người cha, ông Chiến vẫn tự hào khi kể về con mình. "Tôi cũng từng một thời chiến đấu vì hòa bình của Tổ quốc. Chính là đứa con ngoan, yêu thương mọi người và có trách nhiệm với công việc được giao. Dù đau lòng lắm nhưng chúng tôi phải nén đau thương trước sự hy sinh của con mình”.
Còn người vợ trẻ của anh Chính là Trần Thị Huyền từ hôm nghe tin chồng mất tích đã thất thần và khi nhận được tin anh hy sinh, chị gần như suy sụp hoàn toàn, nằm liệt giường, không muốn gặp ai cả.
Đôi mắt của chị đã trũng sâu, thâm quầng, do nhiều đêm mất ngủ chờ tin chồng. Chỉ trong vài ngày mà khuôn mặt chị gầy sọp đi trông thấy. Nỗi đau về sự ra đi của anh đến quá đột ngột khiến đôi mắt người phụ nữ này đờ đẫn mà không thể khóc được. Chị Trần Thị Hảo kể rằng: “ Có những đêm chị Huyền ngồi một mình nhìn lên ảnh cưới của hai vợ chồng mâm mê từng mép tường mà khóc. Nhìn những cảnh đó ai mà không chảy nước mắt!”
Chị Huyền– vợ thiếu tá Chính bần thần: “ Mới vài tuần trước đây thôi, anh còn tranh thủ ghé về qua nhà, chở vợ con đi chơi một lúc. Trước khi đi, anh lại bế con, thơm nựng con là bố đi công tác. Anh còn dặn chị sau khi bố đi công tác về thì sẽ cho mẹ con đi du lịch biển một chuyến. Anh ấy là người rất tâm lý hàng năm vẫn đưa cho vợ con đi du lịch biển. Chị cũng nghĩ như bao chuyến công tác khác của anh, nào ngờ…Anh Chính là trụ cột về cả vật chất và tinh thần cho hai mẹ con. Anh ra đi là nỗi đau quá lớn với mẹ con tôi”. Nói đến đây, gương mặt chị Huyền lại nhòa nước, tiếng nấc nghẹn nơi sâu thẳm dội về.
Ảnh cưới của Thiếu tá Nguyễn Văn Chính và chị Trần Thị Huyền
Theo một số nguồn thông tin mà chúng tôi có được, chị Huyền cũng không có nghề nghiệp ổn định, làm lao động tự do, lương ba cọc ba đồng. Tất cả mọi thu nhập đều trông mong vào anh Chính.
Với những người thân trong gia đình, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính là người con, người chồng, người anh trai giản dị, trách nhiệm.
Là em họ bên vợ của anh Chính, vừa mới từ Hải Phòng lên chia sẻ nỗi buồn với gia đình, anh Đặng Trần Trung cho biết: “Tôi có rất nhiều kỉ niệm với anh Chính. Anh ấy là người sống tình cảm với họ hàng. Anh ấy là người khéo tay cần cù, nấu ăn rất ngon. Mỗi lần tôi lên Hà Nội, khi không phải đi công tác, anh ấy đều đưa đón cẩn thận đàng hoàng. Tôi còn nhớ, có lần hai anh em còn đi chợ hoa trên phố Hoàng Hoa Thám, anh ấy tâm sự rằng, anh có ước mơ làm phi công từ nhỏ, đối với anh bầu trời Tổ quốc như người mẹ thứ hai sinh ra anh. Ngoài ra, anh còn thú chơi cây cảnh để thư giãn sau mỗi chuyến bay”.
Trước khi chào bước chân ra về, đập vào mắt tôi và có thể là nổi bật nhất trên tường là bức tranh máy bay tuần thám CASA số hiệu 8983, lướt trên mặt đại dương như con cá voi quẫy trên sóng nước. Bức tranh ấy chỉ có hai màu xanh và trắng - màu của cánh sóng, của trời, của biển và của chiếc CASA. Tôi chợt nghĩ, hẳn anh phải tự hào về nghề và yêu quý bức tranh ấy lắm.