CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:11

Trung tướng Chu Duy Kính: Đau đớn nhất là mất phi công

 

Hình ảnh máy bay Casa lồng trên nền quốc kỳ đỏ thắm được cộng đồng mạng chia sẻ để cầu mong cho những người lính bình an trở về (Ảnh: FB)

 

Cho đến hôm nay, ngày 19/6, sau 4 ngày chiếc máy bay tuần thám Casa-212 8983 đi tìm phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải gặp nạn, tổ bay gồm 9 chiến sỹ trên chiếc Casa vẫn chưa được tìm thấy.

Đào tạo phi công có hàng nghìn giờ bay còn khó hơn kiếm tiền mua máy bay

Chia sẻ cảm xúc với chúng tôi, Trung tướng Chu Duy Kính - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Không quân rưng rưng nói:

"Tôi có nghe, theo dõi hai vụ rơi máy bay và thường được anh em ở quân chủng thông báo thông tin về tình hình qua điện thoại. Anh em cũng nói cho tôi biết ngày mai, 20/6, sẽ truy điệu đồng chí Khải lái Su - 30MK2 trong quân khu 4. Tôi buồn và thương anh em lắm.

Đối với chúng tôi, mỗi khi xảy ra một vụ tai nạn như vậy, chúng tôi đều rất tiếc. Tiếc máy bay đắt tiền đã đành, tiếc thương phi công thì nhiều vô hạn".

 

Ông Kính nói tiếp: "Đối với đất nước mình, kiếm được tiền mua máy bay Su-30MK2 cũng đã khó nhưng nó vẫn còn dễ hơn việc đào tạo một phi công đã có hàng nghìn giờ bay như thế. Việc này khó khăn và tốn kém hơn nhiều.

Để đào tạo một kỹ sư, một tiến sỹ đã mất nhiều công sức nhưng để đào tạo được phi công lái máy bay tiêm kích chiến đấu thuộc hàng hiện đại (thế hệ 4, được đánh giá là hiện đại bậc nhất Việt Nam) lại càng khó hơn.

Tôi lãnh đạo ở Quân chủng Phòng không - Không quân 30 năm kể cả trong chiến tranh, cả trong hoà bình. Lo lắng nhất, đau đớn nhất của người chỉ huy là mất phi công.

Mất một phi công đã được đào tạo và có nhiều giờ bay như thượng tá Khải thì phải mươi mười lăm năm sau mới có được".

Tìm kiếm phi công trên biển là một cuộc chiến cam go

Liên quan đến việc máy bay Casa đi tìm kiếm phi công Su-30MK2 gặp nạn cũng đã bị rơi xuống biển, ông Kính buồn bã chia sẻ: "Ở Việt Nam, đây cũng không phải là lần đầu chiếc may bay tìm kiếm phi công gặp nạn.

Từ xưa đến nay, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tìm mọi cách để tìm kiếm anh em. Ngay cả người Mỹ như vậy, họ cũng đã từng nhiều lần tìm kiếm phi công của họ. Trong không ít trường hợp, chiếc máy bay tìm kiếm phi công của họ cũng đã gặp nạn".

Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân Vận tải 918, lái chính chiếc CASA-212 số hiệu 8983 gặp nạn (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo tướng Kính, việc tìm kiếm phi công là một cuộc chiến đấu cam go bởi dù cuộc tìm kiếm Su-30Mk2 không phải trong chiến tranh nhưng lại là tìm kiếm trên biển.

Mà tìm kiếm trên biển thì khó hơn tìm kiếm trên đất liền rất nhiều dù có là rừng sâu, núi cao. Vì biển mênh mông và bay biển thì rất phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.

"Trong những người tìm kiếm phi công máy bay Su-30MK2 mất tích có người là lãnh đạo Lữ đoàn. Vậy là những người có kinh nghiệm nhất trực tiếp đi tìm kiếm chứ không phải là chỉ giao cho anh em cấp dưới.

Đáng lẽ họ có thể cử cấp dưới đi chứ không nhất thiết họ phải đi nhưng họ vẫn quyết tâm đi tìm đồng đội. Đó là điều rất đáng trân quý", ông Kính xúc động nói.

Theo vị tướng này, việc tìm kiếm phi công trên biển của Việt Nam không có nhiều kinh nghiệm. Việc tìm kiếm là một cuộc chiến đấu chứ không phải là một nhiệm vụ thông thường dù trong thời bình.

Trung tướng Kính nói: "Tôi xin chia sẻ nỗi lo với gia đình các chiến sỹ và hi vọng sẽ có điều kỳ diệu xảy ra với những người chưa được tìm thấy".

Trong không chiến thì không thể nói mạnh được

Theo Trung tướng Chu Duy Kính, vai trò của các phi công trong chiến đấu là vô cùng quan trọng. Bày tỏ lòng tự hào về những phi công của Quân đội nhân dân Việt Nam, tướng Kính chia sẻ:

"Người Việt Nam đã từng sử dụng những phương tiện vũ khí thô sơ nhất để chống với không quân địch như dùng bộc phá đánh phá sân bay, dùng súng trường, cao xạ bắn máy bay (ở Điện Biên Phủ), dùng tên lửa đánh máy bay, dùng máy bay MiG-17 đánh máy bay hiện đại.

Và đỉnh cao là dùng MiG-21 trong chiến tranh chống Mỹ. Chúng ta từng đánh rơi nhiều máy bay của địch dù đó là nhiệm vụ không đơn giản bởi họ là có không quân rất mạnh: mạnh về kỹ thuật, về nghệ thuật quân sự, kỹ thuật hàng không. Bao giờ họ cũng mạnh hơn ta.

Chưa bao giờ chúng ta ngang bằng họ nhưng chúng ta đã từng thắng họ (Tất nhiên có hy sinh nhiều nhưng vẫn tồn tại và phát triển). Bây giờ nhiều tướng lĩnh của không quân đã trưởng thành từ phi công. Có đồng chí lái bắn rơi 8-9 máy bay địch mà chưa từng bị rơi lần nào.

Trong không chiến thì không thể nói mạnh được. Nó giống như hai võ sỹ trên võ đài rút gươm đâm chém nhau chứ không có công sự gì trên bầu trời.

Mà ta thì bao giờ cũng dùng ít đánh nhiều, dùng kém hiện đại đối chọi với hiện đại hơn... Đó là những kỷ lục khó có thể có được kể từ sau cuộcchiến tranh thế giới thứ 2.

Người Việt Nam mình không những tự hào về tinh thần dũng cảm đã đánh thắng nhiều kẻ địch mạnh trên mặt đất mà còn tự hào về những chiến thắng ở trên không".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh