Miệt mài gìn giữ tiếng trống chèo
- Văn hóa - Giải trí
- 18:13 - 04/02/2017
Nghệ sĩ Thanh Bình trên sân khấuẢNH: LÊ BÍCH
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Bình ngồi trên chiếc chiếu trong căn phòng chỉ khoảng hơn 20 m2 ở khu tập thể, người trống người hát. Đây cũng là nơi cặp vợ chồng nghệ sĩ này cùng nhau dạy hát chèo, dạy trống chèo. Dân làm trống chèo thường nói, nghe trống của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Bình tại nhà riêng mới hiểu hết được tinh hoa của nghề. Mà trống chèo quan trọng đến mức người xưa có câu “Phi trống bất chèo”.
Như luật của chèo, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Bình - Vũ Ngọc mở đầu vở chèo bằng điệu hát vỡ nước với sự phụ hoạ của hồi trống rung, kết bằng hát Vãn trò với trống giã đám. Và cũng đúng theo luật, khán giả được xem ông rù trống (vê dùi trên mặt trống) khi bà đang di chuyển. Ông rụp trống là lúc bà phải dừng lại. Ông cắc trống lúc khoan lúc nhặt là diễn viên đang suy nghĩ, tính toán chuẩn bị hành động... Ngoài ra, ông Vũ Ngọc cũng sử dụng trống chầu để cầm trịch buổi diễn và cả khen chê người diễn viên nữa. Đó là những ước lệ của diễn tấu trống và quy định sân khấu của chèo.
Soạn giả chèo Mai Văn Lạng vẫn thường ngợi ca bà Bình là “giọng hát thuộc tốp đỉnh của làng chèo”. Bà có một giọng chèo mẫu mực, rất gần với chuẩn mực chèo gốc Thái Bình. Đến với chèo từ năm 1971, chỉ 4 năm sau bà đã được chọn về công tác ở Nhà hát chèo. Sau này, vào 1996, bà được mời dạy chèo cổ. Ông Lạng cho biết, từ nhiều thập kỷ nay, thính giả luôn luôn có thư yêu cầu nghe lại các vai diễn cổ mẫu qua giọng hát chèo của NSƯT Thanh Bình. Nhưng bà còn được biết đến như một nghệ sĩ nổi danh về nghề trống.
“Ai muốn học, tôi dạy miễn phí”
Bà Bình có biệt tài vỗ trống cơm. Ngón nghề này được ông Vũ Ngọc chỉ bảo. Tên trống cơm đúng với nghĩa đen, tức là trước khi chơi sẽ dùng một nhúm cơm dẻo đắp vào tâm của một mặt trống, việc này giúp cho âm thanh của trống được dìm theo ý muốn. Trống Cơm có âm thanh vang nhưng mờ đục, diễn tả tốt tình cảm buồn, sâu sắc. Tùy theo chất cơm trét mặt trống, âm thanh phát ra sẽ có chất lượng tốt hay xấu tương ứng. “Bây giờ kỹ thuật vỗ trống cơm không còn được dạy tại Học viện Âm nhạc Việt Nam. Nó chỉ còn được truyền dạy theo cách cầm tay chỉ việc”, ông Ngọc nói.
Vì thế, giờ muốn theo học, người học phải tự tìm đến các nghệ sỹ chuyên nghiệp hoặc không chuyên. Trong số ít ỏi người dạy trống chèo, hiện có vợ chồng bà Bình. “Học trống cơm khó lắm, có nhiều người học chưa xong đã phải bỏ. Hơn nữa học xong cũng không còn mấy đất diễn, nhiều nhà hát bây giờ dùng đàn celo để búng thay trống cơm vì đàn có âm trầm giống trống cơm. Tuy vậy, tiếng đàn celo không hay bằng tiếng trống cơm được”, bà Bình nói.
Theo ông Ngọc, gần đây, thông qua mạng xã hội, nhiều người biết và tìm đến ông xin học trống chèo. Họ tìm đến tận nhà dù ông không treo biển bảng và mở thành lớp chính quy. “Hiện tại, hễ có học trò nào muốn học là tôi dạy miễn phí. Người nào có tố chất và đam mê tôi sẽ chỉ bảo hết kinh nghiệm của mình. Tôi cũng tham gia các buổi giao lưu biểu diễn và tại đó tôi chỉ dạy cho mọi người. Tôi tin sẽ có một ngày khán giả sẽ quay lại với âm nhạc truyền thống”, ông Ngọc chia sẻ.