Chuyển đổi giới tính: Không cấm nhưng không thừa nhận
- Tây Y
- 00:57 - 11/06/2015
Phức tạp về pháp luật cho người chuyển giới
Thảo luận về nội dung này, đa số đại biểu nhất trí với phương án theo hướng Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới; bởi vì, chuyển giới là vấn đề nhạy cảm, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội nên cần phải được xem xét thấu đáo.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) lại chỉ ra, theo Hiến pháp, mọi người dân đều được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, vậy tại sao có người đã chuyển giới tính trong xã hội, đã hiện hữu rồi, chúng ta lại không quy định để điều chỉnh. Đặt câu hỏi “Không cấm nhưng sao không thừa nhận, có phải đưa đối tượng này ngoài vòng pháp luật hay không?” ông Thủy cho rằng, việc không thừa nhận sẽ gây phức tạp trong xã hội.
Cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển mới hi vọng, Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này sẽ bảo đảm quyền lợi của những người yếu thế (ảnh Công Lý)
Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Nghĩa (Hải Phòng) nhấn mạnh: Quyền xác định giới tính là vấn đề dư luận rất quan tâm, đặc biệt là người chuyển giới, đồng tính và gia đình của họ.
Theo ĐB Nghĩa, thực tế chuyển giới tính đã diễn ra, đã có những người mọi hồ sơ, giấy tờ khai sinh, hộ khẩu là nam nhưng thực tế họ đã sống là nữ. Với thực tế này cần có quy định pháp luật để điều chỉnh. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật lại không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng lại quy định “Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác”, rõ ràng là có sự mâu thuẫn ở chỗ này. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do vậy, ĐB Nghĩa đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định lại tránh mâu thuẫn ngay trong luật.
ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) cũng thắc mắc: “Bộ luật có sự mâu thuẫn trong nội dung này. Điều trên thì viết cá nhân có quyền yêu cầu chuyển đổi giới tính; nhưng điều dưới lại ghi “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”. Ý tứ cuối cùng là sao, Ban soạn thảo cần giải thích”.
Bình luận, mâu thuẫn này, ĐB Trần Thanh Hải (TP.Hồ Chí Minh) nói, quy định của dự thảo Bộ luật nhằm hợp pháp hóa “sự đã rồi” cho các trường hợp đã thực hiện việc chuyển đổi giới tính có thể dẫn đến tình trạng cố tình chuyển đổi giới tính một cách vội vàng trước khi Bộ luật này có hiệu lực…
Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), những trường hợp muốn chuyển đổi giới tính thì cũng cần phải có chứng nhận khoa học nào đó để khẳng định họ là nam hay nữ thì sẽ cho họ chuyển đổi giới tính. Nếu không đồng ý cho chuyển đổi giới tính thì vô tình lại ảnh hưởng đến quyền con người. “Theo tôi đối với những trường hợp có suy nghĩ lệch lạc, hay do cách sống ảo tưởng là nữ nhưng nghĩ mình là nam, hay là nam nhưng nghĩ mình là nữ nên đòi chuyển đổi giới tính thì không nên cho phép chuyển đổi giới tính”, ông Sơn nói.
Tòa không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự?
Khoản 2 Điều 14 dự thảo Bộ luật quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Cho ý kiến về nội dung này, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) bày tỏ quan điểm, nếu không có điều luật quy định thì tòa không thể áp dụng tập quán hay lẽ công bằng để xét xử và đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật.
Ủng hộ quy định trên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi: "Buộc tòa phải xét xử những vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng thì tòa sẽ căn cứ vào điều luật nào để làm việc này?". Đại biểu đề nghị, việc sử dụng khái niệm “lẽ công bằng” tại khoản 2 Điều 6 cũng cần được xem xét thấu đáo, bởi khó định nghĩa thế nào là “lẽ công bằng".
Nêu rõ quan điểm việc giải quyết của tòa phải đúng đắn, ĐB Lê Thị Nga đề nghị, không nên quy định trong dự thảo Bộ luật những quy định dẫn đến sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cũng lưu ý: “Cần hết sức cân nhắc, kẻo dẫn đến tình trạng tùy tiện, cảm tính khi dựa vào các khái niệm “lương tâm, đạo đức, tình cảm”.
Theo ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2, Điều 14) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. “Quy định này bảo vệ quyền con người, quyền công dân về trách nhiệm của Tòa án trong việc “bảo vệ công lý,” phù hợp với Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng”, bà Thanh nhận xét. Phân tích thêm, bà Thanh cho rằng, trong các quan hệ dân sự, chỉ khi hai bên không thể thống nhất được, không thể thương lượng được với nhau thì giải pháp cuối cùng mới đề nghị Tòa án giải quyết.