THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:07

Giới trẻ và hệ lụy từ “nghiện” mạng xã hội

Sống cùng mạng ảo

Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội. Có thể nói, ở Việt Nam mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là facebook, với khoảng 18 triệu người sử dụng, bên cạnh hàng trăm mạng, diễn đàn xã hội khác.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những nhóm bạn đi chơi, uống cà phê với nhau trong cùng một không gian, mỗi người cầm trên tay một chiếc smart phone và làm những việc như “check in”, up ảnh, lướt facebook… Thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì giới trẻ lại tập trung vào thế giới ảo đó. Ngay cả trong mỗi gia đình,  mọi thành viên nhà cả ngày đi làm, đi học tối về vội vàng ăn cùng nhau bữa cơm tối, rồi lại mỗi người lại ngồi ôm khư chiếc điện thoại lên facebook với những mối quan tâm riêng bên ngoài, mà ít khi có cuộc trò chuyện với nhau.

Đối với nhiều bạn trẻ nhất là giới sinh viên hiện nay, lên facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội” hàng ngày. Tuy nhiên, sự đam mê ấy lại trở thành tiêu cực, có nhiều bạn mải mê facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành. Nhiều bạn sau khi quay lại bàn học vẫn "lưu luyến" với "ảnh face" mà không thể tập trung. Nguyễn Trang Nhung (xã Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên) cho hay: “Mới đầu trong lớp chỉ có vài bạn tham gia mạng xã hội facebook, nhưng sau khi lập trang chung của lớp, nên bọn em cùng rủ nhau lập facebook, để kết nối một số bạn bè và trao đổi với nhau thông tin, nhưng sau dần lại thành thói quen. Mỗi lần bật máy tính mà không vào facebook tán gẫu lại cảm thấy bứt rứt không yên. Đôi khi vào facebook chỉ là viết những điều không đâu, hay đăng những bức ảnh “tự sướng”, rồi ngồi chờ like hay comment mãi không dứt ra được...”

 Anh Nguyễn Sáng, nhân viên văn phòng một công ty cho biết: Công việc thường xuyên tiếp xúc với máy tính có kết nối mạng nên anh cũng thường online facebook. Thường thì cứ mỗi buổi sáng đến công ty, việc đầu tiên của anh là lướt một vòng facebook, vừa là để trả lời những comment từ hôm trước, like các trạng thái, hình ảnh, liên kết mà bạn bè mới đưa lên, rồi mới yên tâm làm việc. Nói là yên tâm, nhưng hễ có chuông báo là lại vào facebook để “chém gió” tiếp. Vì mải mê facebook, công việc sếp giao không hoàn thành đúng tiến độ, anh bị nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không bỏ được “phây”...

Ảnh minh họa.

“Bùng nổ” bệnh vô cảm

Tốn quá nhiều thời gian đối với mạng xã hội là điều có thể nhìn thấy ngay lúc này. Thế giới ảo gây nghiện cho người ta khi nào chẳng ai rõ. Đối với nhiều người, thật khó để kiềm chế không mở facebook, Youtube,… mỗi khi ngồi trước máy tính có kết nối internet. Giờ đây, khoảng thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí, sau mỗi giờ làm việc nhất là với giới trẻ và dân công sở chỉ dành cho mạng xã hội. Như vậy, vô hình chung, giới trẻ đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân và bạn bè trở nên xa cách. Và nguy hiểm hơn, giới trẻ mất dần kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.

Không chỉ vậy, việc tiếp xúc với những thông tin; hình ảnh không lành mạnh là điều không tránh khỏi. Việc kiểm soát chất lượng và nội dung thông tin trên các trang mạng xã hội luôn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Sẽ không quá khó khăn nếu người dùng muốn tìm những tấm hình nhạy cảm hay những đoạn clip “nóng” trên facebook, Youtube... Hơn thế mạng xã hội còn là “cầu nối” cho tội phạm. Sự phát triển rầm rộ của những phần mềm gián điệp tinh vi thường “ẩn náu” trong “ảo” mạng xã hội.

Đặc biệt, mạng xã hội tác động mạnh tới tâm lý phát triển và nhân cách của giới trẻ. Khi tham gia mạng xã hội, rất nhiều người trẻ không lường trước nổi hậu quả ảnh hưởng của nó trong đời thực khi bị nhiều kẻ xấu “ném đá giấu mặt” ở trên mạng xã hội với ý đồ xúc phạm, nhục mạ người khác đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhất là tình yêu “ảo” qua mạng xã hội, họ chia sẻ, lắng nghe nhau nói, an ủi nhau qua những tin nhắn, rồi dần nảy sinh tình cảm, nhưng đến khi gặp nhau ngoài đời thực không ít đối tượng thất vọng.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động “cực lớn” của mạng xã hội trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè. Dùng mạng xã hội, mọi người có thể có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng. Nhưng vì sống trong thế giới “phẳng” và “ảo” nên rất nhiều bạn trẻ cư xử thiếu văn hóa trên facebook và các trang mạng xã hội khác. Thật nghịch lý khi những hình ảnh phản cảm lại “câu” được nhiều “like” của người xem, kèm theo là các dòng “comment” gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa.

 Là lứa tuổi dễ bị kích động, dễ bắt chước, không ít những bạn trẻ tự làm hại mình khi sử dụng không kiểm soát các tiến bộ của công nghệ. Hơn nữa, nếu phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội, thay vì đến với nhau ngoài đời thực để thăm hỏi, nói chuyện với nhau thì giới trẻ chỉ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để nói chuyện, trao đổi, “vui chơi” trên mạng xã hội… Dần dần họ sẽ mất các kĩ năng sống, kĩ năng xử lí tính huống.

Theo các chuyên gia tâm lí học, mạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến không gian giao tiếp công cộng của giới trẻ. Giao tiếp của sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung đang chuyển từ truyền thông liên cá nhân sang truyền thông đại chúng, mạng xã hội là tác nhân gây ra tình trạng giảm giao tiếp trong không gian thực giữa con người với nhau. Nghiện mạng xã hội thực chất là một kiểu lạm dụng, sử dụng mạng thành thói quen một cách có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc vào mạng. Đây cũng là một dạng bệnh lý về tâm thần. Công nghệ thông tin ở các thành phố lớn phát triển, việc vào mạng một cách dễ dàng như hiện nay là “chất xúc tác” cho sinh viên - những người nắm công nghệ thông tin, dễ vướng vào tình trạng nghiện rất khó dứt bỏ và bên cạnh những ưu điểm, cũng có không ít hệ lụy…      

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh