Thăm phố ông đồ đầu Xuân
- Văn hóa - Giải trí
- 16:17 - 20/02/2015
Nét đẹp xin chữ cổ truyền những năm gần đây đang đông vui trở lại. Người xin chữ tùy nguyện ước của mình trong năm mới, đem gửi gắm tâm tư nguyện vọng vào nét bút thầy cho.
Xin chữ giờ đây đã khác xưa nhiều lắm. Có quá nhiều thứ đã được quên đi. Xưa nay, người xin chữ ở những cung bậc bình dân nhất, bao giờ cũng mong ở ông đồ không chỉ cho chữ, mà còn là những lời khuyên của người thông thạo nho, y, lý số cho người xin chữ về vận hội một năm mới đến…
Nhà Hán Nôm học Nguyễn Văn Thuần, Câu lạc bộ UNESCO thư pháp Việt Nam
“Nếu ông đồ thấy người đến xin chữ thực cần đến may mắn, họ sẽ cho chữ May mắn…; thấy người xin chữ thiếu gì thì cho chữ đó, để năm mới họ được vẹn toàn như nguyện ước, chứ không cho đi thứ họ đã đủ rồi!”- Tiến sĩ Cung Khắc Lược, tham gia Hội chữ Xuân, một trong tứ trụ Thư pháp mỉm cười- nụ cười của một “ông già quá quắt” như ông tự nhận, nhưng người đối diện vẫn hiểu rằng, đó là nét an nhiên của người nắm được thần khí chữ “Tĩnh” (trong bộ Lập+ Thanh)…
Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược đang viết thư pháp
Nét lãng tử, chữ của Cung Khắc Lược lúc như bay, khi như có lửa, lúc diệu thủ như chính tâm hồn của ông. Với ông, gặp gỡ đầu năm không chỉ là chuyện cho chữ, mà mong gặp nhau để "Làm sao biết từng nỗi đời riêng, để yêu thêm, yêu cho nồng nàn", và trên hết là nâng niu hồn dân tộc!
Chữ “PHÚC” tài hoa của TS. Cung Khắc Lược, viết trong sớm xuân bởi một người muốn gây phúc chứ không cầu phúc! Cách viết chậm, nắn nót từng giọt mực, để di dưỡng khi thanh thản nhất, lóe sáng điều sâu thẳm nhất của kiếp người. Chữ tưạ dáng một người cao cao, thanh thanh, đang vẩy bút gây phúc xuống nhân gian... Một năm mới bình an, phúc lành đến mọi nhà!
Ông tiếp lời: “Chữ cổ bây giờ chỉ được xem như một thú chơi mà thôi. Mặc lòng, với một kẻ cũ kĩ như tôi, thì thế đã là quá quý. Nhìn dòng người du Xuân xin chữ kìa, phơi phới quá”.
Theo tay ông chỉ, người xin chữ ấm lòng khi các cô bé, cậu bé 5, 6 tuổi cũng háo hức theo bố mẹ xin chữ, rồi trải giấy xuống nền gạch đợi khô nét mực, hoặc sốt ruột quạt chữ cho khô. Sau đó mới nắn nót cuộn chữ cầm về treo tết.
Cô bé 5 tuổi háo hức chờ xin chữ ông đồ
Đành rằng, người cho chữ phải hiểu chữ và người xin chữ cũng phải hiểu chữ. Nhưng ngày nay mấy người xin và cho chữ mà hiểu chữ! Biết chữ mình cần xin, hiểu nét chữ người cho - hiểu và cảm được thì biết đường mình sẽ đi, dù dài hay ngắn, dù nhạt hay nồng…
Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...
Thôi thì, chỉ cần vẫn còn người xin chữ là vẫn còn giữ được lề xưa, vẫn còn đó thế hệ trẻ nâng niu giá trị của những gì thuộc về văn hiến…
Con dấu trong thư pháp không nhằm đóng dấu ghi tên. Nó còn là dấu ấn cá tính của nghệ sĩ. Bí mật riêng tư của họ nằm nhiều nhất ở điểm này. Việc đóng dấu ở đâu trên tấm thư pháp cũng cần phải được học công phu. Để tấm thư pháp có thể đem lại năng lượng lớn nhất giúp người xin chữ đi thẳng đến giá trị thông điệp của ngôn ngữ.
Gương mặt nết người, nét chữ nết người, chữ Nho là vậy. Người xin chữ thì cái sự xin kia là công việc của tâm linh. Lòng có thành, Đức mới sáng! Có được như vậy người cho chữ mới đáng mặt chữ, và người xin chữ mới xứng hồn chữ.
Một bạn trẻ nắn nót ghi những chữ cần xin đầu năm mới
Đến với Hội chữ Xuân, còn để thấy “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”…
“Hội chữ Xuân Ất Mùi 2015” diễn ra đến hết 8/3,tại công viên Hồ Văn, Quốc Tử Giám Hà Nội. Riêng đêm Giao thừa viết đến 2h sáng; mùng 1, mùng 2 viết đến 22h. Song song với việc viết thư pháp, phố xuân ông Đồ năm nay sẽ thêm hoạt động triển lãm thư pháp. 5 cây đại thụ của làng thư pháp Việt gồm: TS Cung Khắc Lược, nhà giáo Nguyễn Thế Anh, cụ Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu cũng vào ngồi với tư cách khách mời danh dự. |