THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:01

"Giàu bất thường" làm sao phát hiện?

Đây là một trong những biện pháp nhằm thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khởi xướng, đã và đang được triển khai quyết liệt, mang lại rất nhiều kết quả tích cực.

Việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Có điều, kết quả mà biện pháp này mang lại không được như kỳ vọng. Năm ngoái, trong hơn 1 triệu cán bộ thuộc diện kê khai, chỉ 10 trường hợp bị phát hiện là "có vi phạm", trong đó 8 người bị kỷ luật. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc từng nói: "Cán bộ của ta không nói là nghèo nhưng theo kê khai rất nghèo".

Người Việt Nam xưa nay vốn có khái niệm "của chìm, của nổi", để chỉ những khoản tài sản lớn luôn bị giấu kín, không mấy người có thể thấy. Thậm chí, có những người làm trong cơ quan Nhà nước còn phải "giả nghèo giả khổ" để khỏi bị mọi người... để ý. Người viết từng quen một người ở TP. Hồ Chí Minh, trước đây khi còn làm ở một doanh nghiệp thì rất "xông xênh", lúc nào cũng đi chơi bằng ô tô sang trọng trị giá nhiều tỷ (người này sở hữu), hay ít ra cũng cưỡi chiếc mô tô có giá bằng vài ba chục... con trâu. Thế nhưng từ khi chuyển sang làm việc tại một cơ quan Nhà nước, trở thành công chức, anh này phải "giấu kỹ" những chiếc ô tô đắt tiền, mô tô cũng được... trùm mền. Hằng ngày, anh đi làm việc bằng chiếc xe máy cũ kỹ, cọc cạch.

Không bàn chuyện nguồn gốc những tài sản của người này là chính đáng hay bất chính, chỉ riêng việc anh phải "giả nghèo giả khổ" cũng đã là một... "vấn đề".

Một người quen khác làm việc trong lĩnh vực kinh doanh đất nghĩa trang cho hay, "sản phẩm" mà công ty anh ấy tung ra thị trường luôn "cháy hàng", trong đó có những khoảnh đất rộng hàng nghìn m2, giá bán dăm bảy chục tỷ đồng, mới vừa xong hạ tầng đã có người "hốt", sau đó được tôn tạo lộng lẫy như những lâu đài dù chưa ai đến đó... nằm. Trong số khách hàng của anh, không ít người là người nhà của cán bộ, công chức.

Chỉ riêng khoản mồ mả mà chi tới chừng đó tiền thì đủ hiểu những chủ nhân giàu có đến mức nào!

Cán bộ có quyền là người giàu nhưng cán bộ không được làm giàu nhờ vào vị trí công tác của mình - đó là nguyên tắc. Từ sau Đại hội XII, nỗ lực phòng chống tham nhũng được thể chế hóa qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi (2018) và Nghị định 130 mới ban hành cuối năm ngoái, đáng chú ý là quy định cán bộ minh bạch về nguồn gốc tài sản của mình và người thân. Cuộc "tổng điều tra" tài sản vào cuối tháng này là một trong những biện pháp để thực thi quy định trên. Nhưng liệu những người đang sở hữu những chiếc xe bạc tỷ được giấu kỹ hay những khoảnh đất mồ mả trị giá mấy chục tỷ đồng ấy có đưa chúng vào bản kê khai hay không? Cơ quan chức năng làm sao xác định được?

Việc kiểm kê tài sản là cần thiết bởi khi được thực hiện nghiêm túc, dữ liệu bản kê khai sẽ là cơ sở mang tính nền tảng để giám sát cán bộ. Nếu khai báo không trung thực, thông tin do cán bộ tự cung cấp sẽ làm bằng chứng chống lại chính họ khi có những bất nhất bị phát hiện. Vì thế, việc tổng hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu tài sản cán bộ rất quan trọng. Quan trọng hơn, kiểm kê phải đi liền với kiểm tra và giám sát, mà vai trò giám sát của người dân là rất quan trọng.

Người dân có thể trở thành tai mắt của cơ quan chức năng để chỉ ra những "sự giàu có bất thường".

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh