CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:01

Giật mình vì trực tràng cháu bé chằng chịt u nhọt

Bé 10 tuổi có 30 polyp tiêu hóa

Cháu B. T. L. Ph. (10 tuổi, ở Yên Hòa, Yên Môn, Ninh Bình) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán đa polyp trực tràng. Theo lời chị N.T.M, khoảng 1 năm trước, cháu B.T.L.Ph bắt đầu xuất hiện triệu chứng chán ăn, hay bị đau bụng âm ỉ và sút cân không rõ nguyên nhân. Lúc đó, cháu Ph. đang học lớp 4 trường Tiểu học Yên Hòa, Yên Môn, Ninh Bình. Sốt ruột, bố mẹ đã cho con đi khám khắp nơi mà không tìm ra bệnh. Từ một cô bé phổng phao, cân nặng 37 kg, đến nay cháu chỉ còn 24 kg, xanh xao và ốm yếu.

Ảnh minh họa

Các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành nội soi tiêu hóa và phát hiện cháu Ph. bị polyp hồi tràng và đa polyp đại trực tràng. Nội soi đại tràng cho thấy hồi tràng có polyp kích thước 0,6 cm. Dọc đại trực tràng có nhiều polyp cuống to kích thước 0,5 - 3 cm. Đây là một trường hợp tương đối đặc biệt. Bệnh nhân có nhiều polyp to nên khó thực hiện và chi phí phẫu thuật tốn kém, gia đình cháu lại rất khó khăn. Tuy nhiên, để kịp thời cứu chữa cho cháu, các bác sỹ đã tích cực tìm nguồn tài trợ và tiến hành cắt các polyp qua nội soi.

Nếu không xử lý kịp thời, các polyp sẽ tiếp tục phát triển to dần, khiến cháu bé ngày càng còi cọc, sụt cân và không thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Hơn nữa, nếu để lâu sẽ dẫn đến các nguy cơ khác như rối loạn tiêu hóa kiểu ỉa chảy, chảy máu tiêu hóa, thậm chí có thể bị ung thư hóa. Bệnh nhân có nhiều polyp cuống to nên sợ nhất là vấn đề cầm máu trong khi làm thủ thuật. Các bác sỹ đã phải dùng 06 kẹp clip và 02 thòng lọng endoloop để cầm máu cho bệnh nhân.

Ngồi chăm con bên giường bệnh, chị M. vui mừng khi ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi của các bác sỹ và gia đình: 30 chiếc polyp đã được cắt bỏ khỏi hồi tràng và trực tràng của bệnh nhân. Tình hình sức khỏe của cháu đã ổn định và đang hồi phục tốt. Chỉ cần theo dõi thêm một vài ngày nữa là cháu Ph. sẽ được xuất viện, trở về với mái nhà thân yêu và tới trường học cùng thầy cô và các bạn.

Hình ảnh bệnh nhân Ph. được bác sĩ cắt polyp tại BV Bạch Mai

Đại tràng chằng chịt u nhọt

Polyp đại tràng là tổn thương nhỏ lành tính có hình dạng như khối u. Phần lớn các polyp ở dạng lành tính. Nhưng trong một số trường hợp chúng phát triển thành ác tính gây bệnh ung thư.

Bác sĩ Đặng Thế Căn - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết ông gắn liền với chuyên khoa giải phẫu bệnh và những trường hợp bệnh nhân bị đa polyp tiêu hóa phải cắt bỏ 2 mét ruột già rất nhiều. Có trường hợp bác sĩ Căn giải phẫu cả đoạn ruột già chằng chịt các khối polyp.

Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Th. trú tại Bắc Ninh cũng tương tự. Th. bị polyp đại trực tràng đã cắt rất nhiều lần nhưng lại tái phát. Gia đình của Th. đã đưa em đi nội soi cắt bỏ nhưng không ăn thua. Căn bệnh khiến Th. còi cọc và tự ti. 25 tuổi em vẫn chưa dám yêu ai. Sau khi được bác sĩ tư vấn, Th. đã quyết định cắt bỏ hết đại tràng để phòng tránh ung thư.

Bác sĩ Căn cho biết polyp đại tràng đa phần ở dạng lành tính và không phải tất cả chúng đều là ung thư. Tuy nhiên một trong số trường hợp chúng có thể phát triển thành ung thư. Đa polyp có yếu tố gia đình nên các chuyên gia tiêu hóa và ung thư đều khuyên những người có người thân bị ung thư đại trực tràng, đa polyp cần được theo dõi thường xuyên để phát hiện và tầm soát ung thư đại trực tràng. Việc loại bỏ các polyp dựa vào quá trình nội soi đại tràng, xét nghiệm này sử dụng để kiểm tra các polyp đại tràng.

Polyp đại tràng thường không có triệu chứng gì. Theo Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch – nguyên trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, khi thấy các triệu chứng như chảy máu từ hậu môn cần đi khám ngay vì có thể đó là bệnh polyp. Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần. Trong phân có máu, máu có thể làm phân đen hoặc có thể hiển thị như là vệt màu đỏ trong phân.



CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh