Giật mình hương nhang càng thơm càng độc
- Sức khỏe
- 15:00 - 09/02/2016
Hương nhang được tẩm hóa chất
Hiện nay, do nhu cầu sử dụng hương đậu tàn ngày càng tăng nên người làm hương liên tục cho thêm hóa chất vào.
Anh Đỗ Văn Ninh trú tại Đông Hưng, Thái Bình, người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm hương, chia sẻ: "Để các loại hương đậu tàn, người làm hương phải tẩm hóa chất để hương không bị gãy vụn.
Hóa chất ủ từ que hương lẫn nguyên liệu làm hương. Chính vì thế, nhiều người làm hương cũng không chịu được độc hại nên họ bỏ nghề".
Theo anh Mai Đức Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Hương trầm Đức Hiểu, hương truyền thống vốn không đậu được tàn và hay ẩm mốc nếu bảo quản không đúng cách.
Hương được làm từ các loại thảo mộc trong thiên nhiên nên sản phẩm này rất gần gũi, thân thiện với con người.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cho rằng phải đậu tàn mới để lại lộc nhiều nên người làm hương đã nghĩ ra tẩm hóa chất Axit photphoric vào que hương để giữ tàn, tẩm Butyl Cellosolve tránh mốc, hay chất cháy Kali nitrat để hương bắt lửa nhanh…
Thậm chí, một vài năm gần đây, họ còn tẩm nhiều loại hóa chất khác để tàn hương có nhiều mầu sắc khác nhau như đỏ, trắng...
Không chỉ nỗi lo tẩm hóa chất ở que tăm mà ngay cả bột hương cũng được sử dụng hóa chất để giảm giá thành.
Ví dụ, thay vì dùng hương liệu từ các loại thảo mộc hoa nhài, quế, cây hương liệu thì người làm hương sẽ sử dụng các loại hương liệu bằng mùi thơm hóa chất.
Nếu làm hương như kiểu truyền thống người làm không có lãi do các cơ sở khác sử dụng hóa chất, giá thành thấp hơn.
Điểm mặt các hóa chất độc hại trong hương
Cho đến nay, các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi trung ương khuyến cáo các bệnh viêm hô hấp do hương mang lại rất nhiều.
Bác sĩ Đặng Thế Căn – nguyên PGĐ Bệnh viện K thì cho hay, hương tẩm các loại hóa chất tạo mùi giá rẻ khi đốt ngửi vào sẽ thấy khó thở, buồn nôn, đầu óc quay cuồng, ngửi thường xuyên sẽ gây nhiễm độc gan, phổi.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khói hương có chứa khí CO, và CO2, Sunfua dioxide (SO2), Nitơ dioxide (NO2), benzen, hợp chất hydrocacbon…
Những chất này có thể gây ra các bệnh viêm phổi, viêm hô hấp, hen suyễn, nhất là những bệnh nhân có tiền sử bệnh hô hấp mãn tính.
Theo bác sĩ Căn nếu hít phải những khí này có thể gây đau đầu, chóng mặt, suy nhược và buồn nôn, giảm khả năng lao động, gia tăng bệnh tim mạch, gây ra bệnh hô hấp, phá hủy tế bào, gây dị sản, loạn sản, và có thể dẫn đến ung thư hoặc thậm chí là tử vong…
Bác sĩ Chu Thúy Hạnh – Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về tác hại của hương nhang tẩm hóa chất.
Tuy nhiên, khi đốt hương hóa chất, các tác hại thường thấy của việc lạm dụng hương thơm là có thể gây kích phát các cơn hen (suyễn) cấp, đặc biệt là đối với những người có tiền sử dị ứng hương liệu, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính… nhất là khi tiếp xúc với các sản phẩm có mùi thơm tổng hợp từ hóa chất.
Còn ông Đào Quốc Hương, Trưởng Phòng Hóa Hữu cơ, Viện Hóa học cho biết, hương nhang càng độc hơn ở phòng kín, bí.
Khi đốt hương, nếu hương sử dụng hóa chất axit photphoric thì khi đốt lên sẽ sinh ra khí P2O5.
Khi hít phải khí này, người dùng sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, ho hắng, điều này thể hiện rõ nhất khi chúng ta vào chùa, vào đền những ngày lễ tết, rằm, Mồng một.
Để chọn hương an toàn, anh Ninh chia sẻ nên chọn hương không đậu tàn, hương có mùi thơm nhẹ, hương có ít khói, khi đốt lửa chậm hơn.
Tăm nhang truyền thống có màu nâu đen và sự sần sùi thô mộc, còn nếu có màu vàng suộm và độ láng mịn thì chắc chắn là tăm nhang tẩm hóa chất.