THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:22

Giáp Tết

 

 

Thoảng hoặc tiếng vịt trời kiếm ăn về muộn, thả vào thinh không, nghe gai cả người. Người làng Yên chết đưa ra nghĩa địa đều phải đi qua cánh đồng năn. Bốn mùa, đồng năn lác ăm ắp nước. Ngày xưa, chôn người chết phải dùng thuyền chở, còn bây giờ thì khiêng, khiêng theo con đường mới đắp dọc giữa cánh đồng năn. Thời trước bao cấp túng thiếu, nhiều việc làng việc họ bỏ. Nay thời kinh tế thị trường, làm ăn thông thoáng, cởi mở, đời sống khá dần lên, người ta lại nghĩ đến việc phục hồi tục lệ, hội hè, đình đám, việc họ trở lại. Sự hay nhiều mà sự dở cũng không ít. Ở cái làng Yên quê tôi, làm bất cứ việc gì cũng bị chê. Sợ bị chê mà không làm thì chẳng bao giờ làm nổi việc gì.

Nhưng đã làm rồi thì làm đến cùng và đua nhau làm, chỉ sợ người ta hơn mình.

Nghĩ vừa giận lại vừa thương những người nông dân chân lấm tay bùn ở quê.

Một đám đông nghìn nghịt ở đầu làng, cứ như là đang đánh nhau. Tiễn ông Táo lên giời rồi về đánh nhau à? Thì ra đánh nhau thật! Chuyện là: Anh cu Bần đánh vợ.

Vợ cu Bần đẻ một thôi một hồi bốn đứa con gái, cu Bần buồn uống rượu suốt ngày. Nhà nghèo túng lắm. Cu Bần đi ăn cỗ làng toàn bị người ta kê kích: "Thôi, cu Bần mặc váy ngồi chiếu dưới với mẹ con nhà đĩ cho đủ mâm". "Khổ quá! Nhà tôi phải đóng dững bẩy suất đinh. Cứ như nhà cu Bần đóng mỗi một suất. Sướng nhé!". "Cu Bần khôn thật! Đẻ toàn thị mẹt, chúng nó đi lấy chồng hết, chẳng phải lo nhà cửa gì sất nhẩy”.

Đại loại toàn lời lẽ khích bác như thế nghe nghịch nhĩ không chịu được.

Bây giờ cu Bần đang mặt đỏ bừng bừng một tay cầm cút rượu, một tay nắm tóc vợ. Vợ cu Bần hai tay nắm chặt túm tóc mình chỉ sợ chồng giật mạnh, giật mạnh có mà tróc cả mảng da đầu, đau bỏ bà. Mọi người xông vào gỡ mãi mới ra được. Vợ Bần sểu sớn khóc. Nguyên do là trong họ có người thương nhà cu Bần nghèo, bảo cho miễn đóng tiền xây mộ cụ tổ. Cu Bần nghĩ người ta coi thường mình bần hàn, nhà một lũ vịt giời, tức chửi đứa nào khinh tao nghèo. Tao nghèo thì tao ăn xin chứ đóng góp xây mộ cụ tổ dứt khoát không xin thằng nào con nào. Cu Bần bắt vợ dốc bồ còn hai tạ lúa bán nốt, đóng hẳn bằng thằng chủ thầu con nhà Ngoã cho chúng nó biết mặt cu Bần - đinh họ Hoàng to nhất làng. Vợ cu Bần tiếc của, hai tạ thóc phải đun riu xúc tép, bán rau răm, rau cần đến bao giờ cho đủ, lời qua tiếng lại sinh cãi nhau. Cãi thì cãi, ở cái làng Yên này chồng biểu thì vợ phải nghe nên vợ Bần vẫn phải xúc thóc đi chợ bán lấy tiền đóng góp xây mộ tổ. Chỉ có điều cái sự bán thóc của vợ Bần khác người lắm. Sáng nay, hai ba tháng Chạp, người ta đi chợ mua cá chép cho ông Táo đi lên giời thì vợ Bần đi bán thóc. Vợ Bần bắt bốn đứa con gái đội thóc trên đầu, đứa lớn đội thúng lớn, đứa nhầng nhầng đội thúng nhỡ, đứa bé đội thúng con...; còn vợ Bần quẩy quang gánh đi sau cùng. Gặp người làng, vợ Bần bảo cả bốn đứa cùng đồng thanh chào thật to. “Bác ạ!” hoặc “Cụ ạ!”.

Cả bốn đứa con gái chào trước, vợ Bần chào sau.

- Mấy mẹ con nhà vịt giời đi đâu? Nghênh ngang chật cả đường.

- Chả dám giấu gì cụ, nhà cháu đi bán thóc.

- Sao đang lúc năm hết tết đến lại đi bán thóc thì lấy gì đổ vào mồm?

- Chả giấu gì cụ, nhà cháu thiếu tiền góp xây mộ cụ tổ.

Cả bốn đứa con gái cũng đồng thanh:

- Nhà cháu bán thóc góp tiền xây mộ cụ tổ ạ.

Cụ già người trong họ cười khà khà, vuốt chòm râu bạc như bông lau, khen:

- Thế hả? Dâu hiền rể thảo là phải thế! Vậy mà chúng nó thối mồm bảo nhà mày keo bo bủn xỉn cơ đấy.

- Cụ tính, nhà cháu được bốn mụn con gái sài đẹn này cũng nhờ phúc đức cụ tổ để lại. Thôi thì, nhà cháu bớt ăn bớt mặc đi để mộ cụ họ ta to đẹp hơn mộ cụ tổ các họ khác là nhà cháu mừng đấy ạ.

- Mẹ con nhà này láo! Thế ra mày bảo bớt mồm bớt miệng là vì mộ cụ à?

- Dạ, nhà cháu không dám ạ.

Cứ như thế, vợ Bần rêu rao khắp làng khắp chợ huyện. Anh cu Bần nghe người ta nói lại, gọi vợ về dạy bảo bằng nắm đấm và đạp chân. Ở suối vàng, hẳn giờ này cụ tổ đang rầu lòng lắm.

Ánh đèn hoe hoắt hắt một vệt dài từ cửa ra sân. Anh cả tôi đang ngồi trầm ngâm bên cút rượu. Chị dâu ghé tai tôi thì thào:

- Chú về chậm. Lễ khánh thành mộ cụ tổ xong lúc bốn giờ chiều rồi. Khổ, cứ như là động làng. Hơn chục suất đinh chưa đóng đồng nào, mấy nhà ấy nghèo quá. Còn lại người nào cũng cố, năm mươi ngàn đồng là hơn hai thùng thóc, bằng mười gánh rau răm của tôi. Chả biết tính toán thế nào, xây to quá.

- Đàn bà biết cái gì - Anh cả tôi quát - Chú đừng có nghe đàn bà. Họ Phạm có năm chục suất đinh, người ta xây mộ cụ tổ to như cái đống rạ, họ Trần xây cả tường bao rộng mười thước. Họ Hoàng nhà ta to nhất làng mà chịu thua các họ chỉ có mấy chục suất đinh ấy à. Trước lúc về nhà, chú đã viếng mộ cụ tổ chưa?

- Rồi ạ! Đi qua đồng năn ra nghĩa địa, em không tưởng tượng được. Nghĩa địa Mã Giáng cứ như thành phố của người đã chết. Mộ lớn mộ bé, nhà mồ toàn bê tông cốt thép, bôi xanh đỏ tím vàng loè loẹt, sặc sỡ quá. Hoá ra, làng ta người chết ở nhà đẹp hơn người sống?

- Chú cứ nói thế.

- Mộ cụ tổ họ mình có tường bao quanh, có nhà mái cong che mưa che nắng cho cái bia ghi công đức... Em thấy mộ cụ tổ to, đẹp nhất thành phố của những người đã chết.

Được lời như cởi tấm lòng, anh cả say sưa trình bày. Nào là bản vẽ thuê kiến trúc sư, hiệp thợ thuê dưới Yên Nhân, nào là đá bia mua từ Thanh Hoá, hai con nghê đá phục, hai con rồng đá chầu là tác phẩm của các nghệ nhân làng đá Ninh Vân do thằng chủ thầu con nhà Ngoã mua về cúng tiến...

 

 

Đêm.

Tôi đang gờ gờ ngủ thì mưa. Mưa rơi lắc rắc. Mưa mà vẫn có trăng. Và hơi lạnh. Một người đàn ông đội nón mê, mặc áo tơi, đang lóp ngóp đun riu tép trên đồng năn. Mưa to dần và người đàn ông vác riu lên bờ, đến lại gần tôi, bảo:

- Cho ta tránh ướt. Ta rét quá.

Tôi dịch lui vào một chút. Một luồng hơi lạnh thoảng qua và có mùi tử khí. Cái riu đun tép vứt chỏng trơ dưới mưa và bắt lửa xanh. Tôi khẽ rùng mình. Người đàn ông quen quen, hình như tôi đã gặp ở đâu rồi. Tôi hỏi:

- Thưa cụ! Con cháu đâu mà cụ vất vả thế này?

Cụ già xuýt xoa, đẩy cái rét ra ngoài, bảo:

- Con cháu có việc của con cháu, ta có việc của ta.

- Nhưng cái việc để cụ đun riu gặp trời mưa rét là không nên chút nào ạ!

Cụ già thở dài:

- Bố mẹ nuôi được mười con, chứ mười con không nuôi được bố mẹ. Lẽ đời xưa nay vẫn thế và còn mãi thế.

- Thưa cụ! Đành rằng vậy, người lên lão như cụ là có quyền an dưỡng tuổi già.

Trách nhiệm của cháu con là không để cho người già ra đường.

Cụ già lặng người, ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

- Chúng nó có lòng như thế, ta đã không phải vác riu đun tép lúc mưa gió thế này. Nghĩ đi thì vậy, nghĩ lại thì chúng cũng không đến nỗi tệ bạc lắm đâu. Chỉ có điều chúng nó không hiểu ý nghĩ người già. Lúc sống đã không hiểu, lúc chết rồi, âm dương cách trở càng không hiểu. Cái ta cần thì chúng không biết. Cái chúng muốn thì ta không cần. Ta cứ làm theo ý thích của ta; còn chúng cứ làm theo ý thích của chúng.

- Cụ nói thế có nghĩa thế nào ạ?

- Con cháu hiếu nghĩa thì nên biếu miếng sống miếng chín cho ông bà, cha mẹ khi còn sống; chứ khi chết rồi, làm mâm cao cỗ đầy chỉ tổ cho ruồi nó bâu. Tích sự gì? Người già chúng ta chỉ mong sống lâu để nhìn thấy con đàn cháu đống, làm ăn tấn tới là chúng ta mát lòng mát dạ lắm. Xây nhà mồ to như cái đống rạ cho ta ấy à? Không cần đâu! Mấy chục đời đã qua, xương cốt ta đã thành đất rồi. Linh hồn ta chỉ cần một nấm đất xanh cỏ để trú ngụ, hàng năm chăm chỉ tảo mộ là đủ.

- Dù sao thì con cháu cũng có tấm lòng thành xây nhà mồ cho cụ. Cụ vui lòng ở tạm vậy. Mưa gió thế này bỏ đi lang thang tội nghiệp lắm.

- Ta không ở được. Cách lé, nhiêu khê, ngượng mặt quá!

- Thưa cụ! Có điều gì không ổn ạ?

Cụ già đưa bàn tay gầy khô khẳng lau nước mắt. Nước mắt khô, không hề có một tí nước nào. Cụ than thở:

- Lúc sống, ta vốn là nông phu. Khi về cõi âm, ta quen ở trong một nấm mộ đất, cỏ ngút xanh. Ta quen tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng lúc mưa rét, tiếng dế lúc đêm hôm sương đọng. Nay cháu chắt xây mộ bằng bê tông cốt thép cho ta,... ta không ở nổi. Khốn nạn! Thời ta sống, ta đâu biết bê tông cốt thép của các người bây giờ. Nó nặng nề quá, sùm sụp đè lên ta cứ tưởng oằn cả sống lưng và móp cả xương sọ. Ta thấy tù túng, ngột ngạt khó thở lắm... 

Sự lạ và bí ẩn cuốn tôi vào câu chuyện. Tôi quên cả sợ hãi khi nói chuyện với người cõi âm. Chỉ thấy cụ già nỗi niềm quá. Tôi chưa kịp hỏi tiếp thì cụ già đưa hai bàn tay gầy như que củi lên bưng mặt và khóc hu hu:

- Người âm bảo ta một bước từ dân đen thành vua chúa. Vua chúa mới được cháu chắt xây lăng tẩm, mồ mả to lớn thế. Vua chúa mới có quân hầu, lính gác, nghê quỳ rồng chầu hổ phục. Khốn nạn! Cái thân ta là nông phu chỉ đi cày, đánh dậm, đun riu thì cần đếch gì đến rồng chầu hổ phục trước mộ? Bàn dân thiên hạ dưới cõi âm dần dần xa lánh ta. Ta đơn độc. Ta không có hàng xóm láng giềng. Ta ngượng quá! Ta bỏ đi phiêu du. Ta đã nhìn thấy cháu chắt ta đang đắc ý, mãn nguyện, hãnh diện. Chúng xây mộ ta cho chúng, chứ đâu phải xây mộ ta cho ta.

Tôi ngơ ngác, định thần một lát rồi xăm xắm bước đến chỗ cái riu vác lên vai:

- Thưa cụ! Mưa gió thế này, cụ lang thang mãi ngoài đồng là không ổn. Cụ là ai? Nhà cụ ở đâu? Để cháu đưa về nhà cho!

Cụ già khoát đôi tay xương xẩu, bảo:

- Ta là cụ tổ mày đây. Chết thật! Đến cháu chắt còn không nhận ra cụ tổ. À mà phải! Làm sao chúng bay nhận được cụ tổ. Mấy chục đời rồi, xa dần là phải. Cũng phải ghi nhận tấm lòng chúng bay đối với cụ. Thôi cụ đi phiêu du đây. À, không, cụ đi đun riu đây.

Tôi hốt hoảng kêu to:

- Cụ ơi! Cụ ơi! Thế nhà mồ cháu chắt xây cho cụ, cụ bỏ trống không à?

Không có tiếng trả lời, chỉ thấy một luồng gió lạnh ào qua. Cụ tổ mất hút, chẳng còn bóng hình đâu.

Hoá ra là một giấc mơ. Tôi tỉnh giấc hoàn toàn. Mồ hôi ra vũ vã. Tôi gọi anh cả dậy kể lại giấc mơ vừa chợt đến. Anh cả tôi không tin, bảo:

- Chú phịa. Đừng hòng qua mắt tôi. Nếu chú không thoải mái về cái sự đóng góp xây mộ cụ tổ thì để vợ chồng tôi kham nốt. Tôi bảo chị bán thêm tạ thóc là thừa tiền đóng góp cho cả ba bố con nhà chú.

Quyền huynh thế phụ, làm mất lòng anh cả thì mang tiếng bất nghĩa; sẽ coi như không còn đường về quê, không còn sợi dây liên hệ với nơi mình đã ra đi. Tôi đành im như thóc. Biết nói thế nào nữa. Nằm vắt tay lên trán không sao ngủ được, tôi nghĩ toàn chuyện làng xóm.

Canh ba.

Lại đến lượt anh cả gọi tôi dậy. Vai, lưng áo đẫm mồ hôi, mặt anh đỏ như bị sốt. Anh hốt hoảng, bảo:

- Chú chả ra làm sao cả. Tự nhiên, chú đem chuyện giấc mơ ra kể làm tôi mộng mị lây. Tôi cũng thấy cụ tổ vác riu đun tép về nhà mình. Cụ không nói gì mới lạ chứ, chỉ nhìn tôi và thở dài. Chả lẽ cụ tổ về thật, hay tôi bị giấc mơ của chú ám?

Tôi bảo:

- Không khéo cụ sẽ vác riu đi khắp các nhà trong họ, cho mà xem.

- Chú nói thế nghĩa là làm sao?

- Em nói, anh lại giận. Thôi chẳng nói nữa.

- Cái chú này, ăn nói chấp chưởng chấp chưởng. Chán bỏ xừ.

Tôi im thin thít. Còn anh tôi lẩm bẩm:

- Không thể tin được. Lạ quá! Không thể tin được...

Nói rồi anh cả lại nằm xuống giường, đầu gối lên khúc gốc tre được đẽo nhẵn nhụi làm gối kê đầu. Một chốc đã thấy anh tôi ngáy khò khò...

Sáng hôm sau.

Tôi thức dậy thì vợ chồng anh cả đã dậy từ lâu rồi. Chị dâu lúi húi lội dưới ao cạn hái rau răm. Anh cả ngồi trên bờ bó từng bó rau bỏ vào quang gánh. Anh chị tôi lúc ẩn lúc hiện trong sương bay lập lềnh.

Chị dâu bảo:

- Tôi đã buộc nửa bì khoai lang lên xe máy; gọi là quà nhà quê. Của một đồng công một nén, nhưng mà thím ấy thích cái món này. Chú chịu khó chở ra cho thím mừng.

- Chị chu đáo quá. Cho chúng em xin.

Lần nào tôi về quê chị dâu cũng vậy. Lúc chị gói cho bơ đậu xanh, khi chị bứt cho cháu mấy quả ổi, lần thì bắt cho con gà trống choai. Không nhận là chị làm mặt giận, chẳng lần nào từ chối được. Lòng tôi nao nao. Tấm lòng chị dâu thơm thảo quá.

Anh cả tịnh như không nhắc đến giấc mơ nửa đêm về sáng nữa, bảo:

- Về muộn một tí, nhưng chú thím đóng góp như thế, tôi cũng mát mặt với họ với làng. Không thằng nào con nào khinh được nhà mình.

Tôi lặng im không nói, nghĩ đến giấc mơ đêm hôm qua gặp cụ tổ, lại nghĩ đến chuyện làng quê, dòng họ thời nay. Tôi nhìn anh cả: Gầy gò. Hom hem. Và già nua. Thời gian, sóng gió cuộc đời in hằn thành bao nhiêu nếp nhăn trên khuôn mặt anh tôi. Vậy mà, tôi vẫn nhận ra gương mặt anh có vẻ mãn nguyện, hãnh diện lắm.Tôi dắt xe máy ra khỏi cổng thì chị dâu tôi cũng gánh rau răm đi chợ Bút. Một gánh rau răm những một trăm bó, một bó chỉ bán được năm mươi đồng, mười gánh rau răm mới đủ tiền cho một suất đinh đóng góp xây mộ tổ. Nhà anh tôi: tám thằng con trai cộng với anh nữa là chín suất đinh; ba đứa lớn lấy vợ rồi đưa nhau vào ở tít trong Tây Nguyên, còn năm đứa vẫn lông nhông ở nhà. Bao giờ chị dâu mới gánh đủ chín mươi gánh rau răm đi chợ?

Trời mờ mờ hơi sương.

Tôi cầm tay lái cho xe chạy chầm chậm ra khỏi làng. Làng xao xác tiếng gà gáy. Tiếng lộc cộc đập móng trâu đòi ra khỏi chuồng lẫn tiếng người đi chợ sớm nói khao khao trong sương đục. Làng tôi lam lũ nhọc nhằn quá.

Trên đồng năn.

Tôi bỗng thấy một bóng người đang lóp ngóp trên đồng năn. Đồng rộng mênh mông mà bóng người thì nhỏ. Nhìn kỹ, hoá ra là anh cu Bần, tôi dừng xe lại hỏi:

- Anh cu Bần! Tết đến nơi rồi. Mới sớm ra, làm gì mà đến nỗi lam lũ thế?Cu Bần gếch riu lên bờ, cười giả lả:

- Đun riu. Tôi đang đi đun hai tạ thóc đây. Anh Sang đừng cười tôi hôm qua say rượu nhá.

Tôi định bảo: Đúng là sĩ diện hão làm tội cái thân, song kìm lại được. Tết nhất sắp đến rồi! Người ta đi chợ sắm lá dong gói bánh chưng, chọn mua gà trống cúng giao thừa; mua đào, mua quất mừng xuân mới, anh cu Bần lại đi đun riu. Thương quá! Những người nông dân lam lũ ở làng tôi.

Trời mờ mờ hơi sương.

Làng phía sau tôi cứ xa dần, xa dần. Anh cu Bần vẫn bì bọp, bì bọp lội đun riu trên cánh đồng năn. 

Truyện ngắn của Nguyễn Nhật Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh