THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:15

Giáo viên không bao giờ được dùng các biện pháp bạo lực

Trường Tiểu học An Đông nơi xảy ra vụ việc cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.

*Lớp mất trật tự: cô giáo phạt học sinh quỳ;  Học sinh nói chuyện: phạt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng; Cô giáo phạt học sinh không giảng bài trong nhiều tháng. Ông đánh giá như thế nào về những vụ bạo hành học sinh thời gian qua?

 Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam.


- Ông Đặng Hoa Nam: Theo đánh giá của chúng tôi, những bạo lực trẻ em trong trường học thời gian qua có diễn biến mới. Ghi nhận những hình thức xâm hại thể xác và tinh thần mới, có những hình thức hiếm xảy ra nên xã hội không nhận thức rõ đó là hành vi bạo lực xâm hại trẻ em theo các quy định của Luật Trẻ em. Ví dụ như hành vi giáo viên dùng hình phạt bắt học sinh uống nước giặt dẻ lau bảng xảy ra ở Hải Phòng. Rõ ràng đây là bạo lực trẻ em. Hành vi này của giáo viên đã hạ nhục và gây tổn thương tinh thần cho trẻ em. Những hành vi vừa qua cô giáo bắt học sinh quỳ trong giờ học, trường học cũng là sai. Hay trường hợp cô giáo lên lớp giữ im lặng không giảng bài mà viết lên bảng đều gây tổn hại các em, các hành vi này là bạo lực trẻ em. Bất luận một hành động nào của giáo viên trừng phạt học sinh như báo chí phản ánh là đều bạo lực trẻ em theo đúng Luật Trẻ em. Nhìn nhận ở góc độ bảo vệ trẻ em, đây là hành vi bạo lực trẻ em cần lên án và xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng.

 

- Bà Ninh Thị Hồng: Tất cả những hình thức phạt đó của cô giáo là hành vi bạo lực tinh thần đối với học sinh, vi phạm Luật trẻ em và các quy định của ngành giáo dục. Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT đã có những quy định về khen thưởng, xử  lý vi phạm khi học sinh mất trật tự hoặc biểu hiện không tốt người.

Bản thân tôi cũng nghĩ rằng các tập huấn của ngành giáo dục về xử phạt học sinh mắc lỗi cũng không ai đưa ra các hình thức xử phạt như vừa rồi. Có thể phạt học sinh đứng góc lớp hoặc sau khi các bạn về thì học sinh đó phải ở lại trực nhật. Còn với những hình phạt như vừa rồi báo chí nêu, nhất là phạt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng rất là mất vệ sinh xâm hại tinh thần học sinh, mang tính chất nhục mạ. Những hình phạt này không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục. Học sinh chịu hình phạt này sẽ thấy rất xấu hổ. Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam rất bất bình và kịch liệt lên án những hình phạt này.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh là trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ mà trẻ em là một người chưa phát triển toàn diện nên các em không thể như người lớn có những điều các em làm mà không biết mình làm sai nên nhất là học sinh nhỏ như lớp 3 các thầy cô vừa dạy, vừa phải dỗ bằng tình thương, tình cảm để các em nhận thấy những việc làm sai của mình.

 

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con".

 

- TS Nguyễn Thụy Anh: Các hành động như bắt quỳ, cho học sinh “súc miệng bằng nước giặt giẻ” đều là những "nhục hình" mang thông điệp hạ thấp giá trị đứa trẻ. Đó là điều tối kỵ trong giáo dục. 

Chưa kể đến những vấn đề của lứa tuổi khủng hoảng, trẻ con tuổi mới lớn thường nhạy cảm, đôi khi thái quá và cực đoan, nghi ngờ giá trị của chính mình, từ hình thức đến nội tâm. Chính vì thế mới có hiện tượng trẻ tự tử vì những chuyện cãi vã và đồn đại, hiểu nhầm không đâu...

Giáo viên - những người được học về tâm lý lứa tuổi, có phương pháp giáo dục - mà vẫn lười nhác không thể tìm cách tiếp cận khác? Nếu họ không có gì hơn việc đe nẹt, hạ nhục hoặc xâm phạm thân thể của trẻ, đó là những giáo viên kém chuyên môn, không có lòng tin vào chính mình, thiếu hiểu biết về đứa trẻ, không màng đến tự trọng của người.

* Hầu hết các vụ việc xảy ra rơi đều vào giáo viên trẻ. Vậy đây có phải là sản phẩm giáo do lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến kiến thức, ít quan tâm đến đạo đức?

- Bà Ninh Thị Hồng: Bản chất của giáo dục không chỉ cung cấp tri thức mà còn hình thành nhân cách và phát triển nhân cách. Vì thế bên cạnh việc truyền đạt tri thức thì giáo viên phải hỗ trợ cho học sinh để các em hình thành giá trị tích cực, đó mới là vấn đề cốt lõi. Vì vậy giáo viên giảng dạy không bao giờ được dùng các biện pháp bạo lực.

Tôi cũng đã băn khoăn không biết trong giáo trình của các trường sư phạm có môn đạo đức nghề giáo không, có đào tạo kỹ năng giáo viên phải ứng xử ra sao khi gặp học sinh cá biệt, học sinh hư, học sinh cãi lại…Trẻ em không phải là những người đủ 18 tuổi trở lên học ở các trường Đại học. Nếu người lớn nói chuyện với nhau thì khi đó hai người và đã ý thức đầy đủ những cái gì mình nên làm và không nên làm. Còn với học sinh nhất là lứa tuổi cấp 1, 2 rất phải chú ý tâm lý lứa tuổi, các tình huống sư phạm và các kỹ năng giải quyết tình huống.

Bên cạnh nguyên nhân đào tạo trong các trường sư phạm, theo tôi còn có cả yếu tố xã hội. Có thể các cô giáo ấy đã ở trong môi trường gia đình hoặc những môi trường xã hội chưa được quan tâm đúng mức đối với trẻ em nên các cô có những thói quen không tốt. Hình thành nhân cách của con người ngoài giáo dục từ gia đình nhà trường mà còn có cả yếu tố xã hội. Ngày nay, các cô giáo trẻ có thể giỏi chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc ứng xử, kỹ năng sư phạm của các cô bằng thế hệ giáo viên ngày xưa.

 

Nữ sinh lên tiếng vụ cô giáo dạy Toán 3 tháng không giảng bài.


 *Nhiều người cho rằng, sở dĩ các em bị đánh, bị mắng vì bấy lâu nay chúng ta vẫn còn quan niệm “yêu cho roi cho vọt” ?

-Bà Ninh Thị Hồng: Trẻ em bị bạo hành, đau đớn về thể xác, tinh thần sẽ tạo ra sự thù hận trong lòng nhưng vì nhỏ nên không làm gì được. Không có cái gì từ thù hận mà trở thành tốt đẹp được nên lời quát mắng không thể mạnh hơn lời yêu thương được. Chúng tôi nghiên cứu thấy những em bé bị bạo lực liên tục cũng sẽ đối xử với người khác bằng bạo lực. Vì vậy quan niệm yêu cho roi cho vọt không thể tồn tại được. Ngày xưa, giáo viên là người cung cấp kiến thức, tri thức nên học sinh buộc phải học và biện pháp đòn roi là biện pháp trừng phạt nhưng bây giờ bản chất của giáo dục là hướng đến yếu tố tích cực do đó sẽ không có chỗ cho những biện pháp tiêu cực.

- TS Nguyễn Thụy Anh: Đó không phải phương pháp giáo dục. Ở thời đại văn minh này, ai còn cho rằng roi vọt là phương pháp thì đó là phương pháp tồi. Những đứa trẻ hôm nay phải chịu đựng các hình phạt hạ nhục lớn lên cũng lại có lúc đổ lỗi cho hoàn cảnh để đánh đổi lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh làm người mà quỳ gối, bởi ngay ở trên ghế nhà trường, người ta đã không dạy chúng tôn trọng chính mình.

- Ông Đặng Hoa Nam: Những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian qua rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm. Tuy nhiên, một số luồng dư luận lại cho rằng, trẻ em ngày này có nhiều quyền nên rất khó dạy. Ngày xưa, trẻ em bị mắng, bị đánh lớn lên vẫn thành người tử tế! Chúng tôi phản đối quan điểm này vì đây là những hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần các em. Rất mong các thầy cô áp dụng những kỷ luật không nước mắt. Khi xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, các cơ quan quản lý giáo dục, công an cần vào cuộc vào cuộc xử lý theo Luật viên chức; Theo Luật xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em về tội hạ nhục nhân phẩm danh dự các em. Cục Trẻ em xây dựng thông điệp “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.

 * Vậy tại sao khi học sinh lên tiếng phản đối những hành vi sai trái của thầy, cô, các em lại bị cô lập?

-Bà Ninh Thị Hồng: Phải nói là chúng ta chưa làm tốt môi trường nên dẫn đến việc em nói đúng nhưng các bạn của em lại không đồng tình đấy là chúng ta đã thiếu sót. Hơn nữa trong gia đình và nhà trường vẫn chưa quen với việc học sinh lên tiếng cứ xuôi chiều thầy cô nói là đúng, người lớn nói là đúng nhưng chưa chắc. Các em có cái nhìn nhận của các em và phải biết lắng nghe các em nói và khi các em nói sai thì chúng ta phải giải thích tại sao em nói chưa đúng chứ không phải  áp đặt. Cái này chúng ta chưa thành thói quen. Vì thế khi các em lên tiếng bày tỏ chính  kiến dễ bị cô lập.

TS Nguyễn Thụy Anh: Việc học sinh không dám lên tiếng và khi lên tiếng thì có nguy cơ gặp rắc rối ở nhà trường - hiện tượng này là hệ quả của hiện tượng kia. Điều này cho thấy, ứng xử học đường của chúng ta chưa theo kịp với sự phát triển của tâm lý thanh thiếu niên thời đại mới. Nếu tiếp xúc bên ngoài thì ta thấy, phần lớn các em đều có tư duy độc lập, năng động, dám nói ra chính kiến của mình, kể cả đúng hay chưa đúng, tích cực hay tiêu cực. Các bạn trẻ bây giờ có nguồn thông tin dồi dào hơn thế hệ trước, vì thế, cho dù ở trường các em không nói ra, các em sẽ tìm cách lên tiếng ở đâu đó bên ngoài, cụ thể trong trường hợp này là một diễn đàn hay trên mạng xã hội. Nếu thầy cô, nhà trường không thay đổi tư duy: vẫn giữ cách ứng xử với học sinh theo kiểu hình thức, "che chắn", giữ "an toàn" cho danh tiếng của trường, của người lớn mà không đoái hoài đến cảm xúc của trẻ; mỗi khi có sự vụ gì xảy ra lại loay hoay tìm cách biện minh sao cho hợp lý, ít ảnh hưởng đến tập thể nhất, không đặt quyền lợi của từng cá nhân học sinh lên làm đầu - thì đó là cách tư duy đi ngược lại sự phát triển xã hội.

Nhà trường, thầy cô... lúc ấy đang đứng tách ra khỏi những đứa trẻ, vô hình trung tạo nên "hai chiến tuyến" đấu tranh đối phó lẫn nhau! Giáo dục không phải là tạo môi trường thuận lợi cho nhà trường dễ dàng điều khiển trẻ theo mục tiêu của mình mà ngược lại, phải tạo môi trường thuận lợi cho trẻ được bộc lộ bản thân, kể cả những suy nghĩ và hành vi chuẩn hay chưa chuẩn (người ta hay dùng từ "lệch chuẩn", nghe cũng là một sự "dán nhãn" không thân thiện!), từ đó hướng dẫn trẻ một phương pháp tư duy hợp lý để lựa chọn cho mình một thái độ sống tích cực hơn. Có nghĩa là, học sinh cần được THỂ HIỆN - BỘC LỘ mình, rồi mới đến sự uốn nắn của thầy cô, nhưng cuối cùng vẫn là sự LỰA CHỌN một cách nghĩ, cách sống thông qua sự tiếp nhận thông điệp phản hồi của người lớn. Những đe nẹt, áp đặt, các loại kỷ luật răn đe không đếm xỉa đến các hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, những chia sẻ riêng tư với trẻ... đều là nguyên do sâu xa dẫn đến những bất cập trong quan hệ thầy-trò; giáo viên-phụ huynh.

Ở đây có sự góp phần của cả truyền thông và dư luận xã hội. Những tranh cãi vội vàng trên mặt báo, trên mạng xã hội... mà chưa có thông tin chính xác; những lời phát biểu bất cẩn, không đếm xỉa đến những hệ lụy kèm theo, ảnh hưởng tiêu cực đến từng cá nhân, đặc biệt là những đứa trẻ - càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa nhà trường và gia đình, thầy và trò.

Nói điều này ra, tôi biết chắc thể nào cũng vấp phải sự phản ứng của không ít nhà quản lý giáo dục, những người vẫn thấy cần áp kỷ luật lên học trò, coi chúng như những "sản phẩm" của một cơ sở giáo dục nào đó. Những con người, lại còn là những con người của thế hệ hiện đại, văn minh này khó có thể bị nhào nặn theo khuôn mẫu. Họ có thể giữ im lặng để tránh rắc rối nhưng nhất định sẽ có cách lên tiếng hoặc thậm chí, "bùng nổ" ở một môi trường khác bên ngoài. Và bấy giờ, như ta thấy, mọi việc sẽ đi theo chiều hướng xấu hơn nhiều và nhà trường cũng chẳng kiểm soát nổi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng và cũng hy vọng rằng, không phải tất cả những người lớn, các thầy cô đều giữ cách ứng xử như vậy ở nhà trường. Vẫn có nhiều thầy cô yêu nghề yêu trẻ, thật lòng nghĩ đến cảm xúc và quyền lợi của học sinh trong mỗi sự kiện, mỗi tình huống sư phạm xảy ra hàng ngày. Nếu không, họ đã không theo học sư phạm và chọn nghề giáo!.

Ông Đặng Hoa Nam: Các em mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi bạo lực của giáo viên lẽ ra phải được tuyên dương nhưng ngược lại các em lại bị các thầy cô, bạn bè xa lánh bởi chúng ta chưa nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Nhiều người cho rằng, tố cáo những vị tham nhũng, những vụ buôn bán ma túy hay tội phạm giết người mới đáng được tuyên dương mà quên đi rằng, dám đứng lên tố cáo cái sai, tố cáo những hành vi xâm hại bạo lực trẻ em cũng rất đáng được tuyên dương. Bấy lâu nay, chúng ta chưa dạy trẻ cần đánh giá cao những người tố cáo các hành vi ngược đãi, bạo lực hay xâm hại trẻ em.

* Vậy làm cách nào để các em có thể dũng cảm lên tiếng trước những hành vi sai trái của người khác ?

Ông Đặng Hoa Nam: Chúng ta đang sống trong xã hội trẻ em có quyền lên tiếng tố cáo những hành vi tiêu cực không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các em mà gây tổn hại cho bạn bè, người xung quanh. Hiến pháp và pháp luật đều thừa nhận quyền lên tiếng tố cáo những hành vi sai của các em. Vì thế, tất cả chúng ta cần thay đổi lối nghĩ và trẻ em cũng có quyền lên tiếng tố cáo những hành vi tiêu cực.

- Bà Ninh Thị Hồng: Tôi cho rằng, để các em có thể dũng cảm lên tiếng, chúng ta cần truyền thông để tạo thói quen người lớn lắng nghe các em nói và các em mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình. Lắng nghe các em nói để biết được các em đang nghĩ gì. Có thể các em nói ra những cái rất sai nhưng các em nói ra người lớn mới biết các em đang nghĩ gì thì lúc đó chúng ta mới uốn nắn được. Nếu không khuyến khích các em nói thì làm sao chúng ta biết được em ấy nói đúng hay sai mà nguy hiểm nhất là em nghĩ một đằng làm một nẻo mà chúng ta không biết được.

Luật trẻ em đưa ra quan điểm mới phải lắng nghe trẻ em nói. Ngay cả đại biểu HĐND cũng còn phải nghe xem là trẻ em đánh giá gì về môi trường các em đang sống. Ngay cả bố mẹ phải lắng nghe con xem đánh giá gì về cách ứng xử của bố, mẹ với nhau, hàng xóm với con để biết cái gì được chưa được cái gì cần góp ý. Hãy tập thói quen lắng nghe mới phát huy được phát biểu của trẻ em.

*Có ý kiến rằng, các cơ quan chức năng, chính quyền cấp xã/phường lúng túng khi lên tiếng bảo vệ trẻ em?

- Ông Đặng Hoa Nam: Với những quy định trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trẻ em có đầy đủ quy trình, biện pháp để xử lý khi vụ việc xâm hại, bạo lực xảy ra đối với trẻ em. Theo đó, khi có vụ việc xảy ra bất luận ở đâu thì những người có trách nhiệm với trẻ như: cha mẹ, thầy cô giáo, thầy thuốc, những người có trách nhiệm giám hộ, chăm sóc trẻ em phải phát hiện và tố cáo các những hành vi bạo lực xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, những vụ việc đã xảy ra cho thấy, quy trình xử lý những vụ việc này ở nhà trường, địa phương còn lúng túng, chậm trễ khi phát hiện vụ việc cũng như xử lý vụ việc khi đã phát hiện. Chỉ khi báo chí nêu lên thì nhà trường mới vào cuộc kiểm tra vụ việc và rất chậm trễ khi xử lý các vụ việc. Thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em chưa tốt. Qua theo dõi những vụ bạo lực trẻ em vừa qua cho thấy, các cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời để bảo vệ trẻ em.

Theo quy định của Luật Trẻ em, khi phát hiện những vụ việc bạo lực trẻ em cần phải báo cáo ngay cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải kết nối để bảo vệ trẻ em. Có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, báo công an hoặc UBND các phường xã nơi xảy ra những vụ bạo lực xâm hại để phối hợp xử lý can thiệp.Những vụ việc vừa qua cho thấy, cơ quan LĐ-TB&XH địa phương không nhân được thông báo và các vụ việc không được xử lý theo quy trình. Các em bị chính giáo viên bạo lực nhưng chưa được kiểm tra sang chấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý phù hợp dù Luật Trẻ em và Nghị định 56 đã quy định rõ.       

Ví dụ như việc cô giáo không giảng bài suốt thời gian dài nhưng nhà trường không phát hiện ra, chỉ đến khi học sinh lên tiếng trong một diễn đàn đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT thì mọi người mới hay biết.Trong buổi họp khẩn của UBND TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngành giáo dục xử lý quá chậm trong sự việc này. Việc lên lớp không giảng bài của cô Châu kéo dài 3 tháng là hành vi nghiêm trọng bạo hành, khủng bố tinh thần học trò. Lẽ ra khi xác minh sự việc là có thật, cần đình chỉ ngay việc lên lớp của cô Châu rồi tìm hiểu, xác minh.

*Sau những vụ xảy ra, Cục Trẻ em đã có những hỗ trợ gì cho các em?

-Ông Đặng Hoa Nam: Trước bất kỳ vụ việc nào về bạo lực, xâm hại trẻ em nhân viên tư vấn Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em) đều tìm cách liên hệ với các bên liên quan có thông tin để hướng dẫn các quy trình bảo vệ trẻ em theo Nghị định 56.

Cục Trẻ em theo dõi sự vào cuộc của các bên lên quan: Cơ quan địa phương giải quyết các vấn đề về trẻ em đặc biệt những vụ bạo lực xâm hại trẻ em. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về trẻ em, trước những vấn đề mới nảy sinh, Cục Trẻ em tham mưu lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH có công văn gửi chính quyền địa phương theo dõi xử lý vụ việc theo đúng pháp luật quy định. Đồng thời, theo dõi phản ứng của dư luận, trả lời báo chí để định hướng dư luận để bảo đảm quyền trẻ em, bảo vệ các em có nguy cơ xâm hại, bạo lực.

Hướng xử lý tất cả các vụ việc phải đúng pháp luật và lấy trẻ em làm trung tâm, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em và theo đúng tâm tư nguyện vọng của các em cũng như gia đình.

 

 Luật hình sự 2015

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 - 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên; Đối với 2 người trở lên.

 

 Luật Trẻ em 2016

Điều 4 quy định: Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác. Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Điều 76. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác: Tạo Điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm; Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em….

NGUYỄN SÍU - VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh