Giao lưu trực tuyến cùng nữ nhà văn Pyun Hye Young
- Văn hóa - Giải trí
- 14:56 - 28/09/2022
“Hố đen sâu thẳm” – tấm màn dị thường được dệt nên từ chất liệu đời sống thường ngày
“Hố đen sâu thẳm” là một tiểu thuyết tâm lý rùng rợn. Câu chuyện mở ra với cảnh Ogi, một giáo sư Địa lý tại trường đại học, tỉnh dậy do hôn mê sau một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của vợ anh. Ogi tuy sống sót nhưng bị liệt toàn thân, chỉ có thể giao tiếp bằng cách chớp mắt, cuộc sống giờ đây phải hoàn toàn dựa dẫm vào người mẹ vợ xa lạ và kỳ quái.
Từ một cuộc sống đủ đầy, sự nghiệp xán lạn, bạn bè đề huề giờ cả thế giới của Ogi thu nhỏ lại thành một chiếc giường nằm trong căn phòng nhỏ và những hồi tưởng miên man về quá khứ. Theo dòng ký ức của Ogi, người đọc dần dần được hé lộ từng mảnh ghép cuộc đời anh: mẹ tự tử khi anh còn nhỏ, cha anh cũng mất sớm vì bệnh ung thư; anh và vợ gặp nhau ở trường đại học, cô tham vọng trở thành một nhà báo nổi tiếng còn anh chỉ theo đuổi cô mà không có bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, cuối cùng sự nghiệp của vợ anh lỡ làng trong khi Ogi đã trở thành một giáo sư, sự nghiệp ổn định, còn mua được một căn nhà có sân vườn.
Tuy nhiên, không phải mọi ký ức của Ogi đều tươi đẹp, khi trút bỏ hết lớp vỏ bọc hào quang do quá khứ khoác lên, người đọc bắt đầu cảm nhận được những bất thường ở cuộc hôn nhân của Ogi (vợ chồng anh ngày càng xa cách, anh thậm chí đã ngoại tình với đồng nghiệp dạy cùng trường) và buộc phải nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện được kể qua điểm nhìn của anh. Đặc biệt, sự bất thường này ngày một rõ ràng hơn với sự hiện diện áp đảo của mẹ vợ Ogi. Ngay khi từ bệnh viện trở về, bà bỏ mặc Ogi, tìm mọi cách để sỉ nhục anh trước mặt người khác (cho anh đi tiểu, thay đồ cho anh trước mặt khách), và kinh hoàng nhất là khi Ogi phát hiện mẹ vợ đang nhổ đi đám cây mà vợ anh trồng trong khu vườn và ra sức đào xới. Và khi được hỏi đến, bà ấy chỉ nói rằng bà đang cố kết thúc những gì mà cô con gái quá cố đã bắt đầu.
Một cái hố để trồng cây? Một cái hố để làm bể cá? Hay một cái hố… dành cho kẻ liệt giường?
Qua câu chuyện có phần kịch tính như phim truyền hình Hàn Quốc này, ta nhận thấy Pyun Hye Young đã dệt nên một tấm lưới dị thường bao phủ tác phẩm của mình từ chính những chất liệu bình thường nhất của đời sống – và có lẽ cũng chính bởi vậy mà nó càng đáng sợ và rợn người hơn bao giờ hết.
Phỏng vấn nhà văn Pyun Hye Young
Xin tác giả cho biết đã viết tác phẩm “Hố đen sâu thẳm” như thế nào?
Nhà văn Pyun Hye Young: Khi viết một tiểu thuyết, chủ đích của tôi ban đầu không phải là truyền tải thông điệp, mà muốn mô tả chân thật nhất mối quan hệ và cảm xúc của nhân vật chính. Tôi đặc biệt tập trung vào mối quan hệ giữa Ogi với vợ và mẹ vợ. Theo tôi nghĩ, nhân vật này dù đáng phê phán, nhưng có hai mặt đối lập: Một mặt, anh ta có nhiều điểm tiêu cực, mặt khác, cuộc sống của anh ta cũng có sự thiếu thốn. Thông qua nhân vật này, tôi muốn chia sẻ thông điệp đó. Nhiều độc giả cảm thấy rất đồng cảm với việc anh ta đã phải chịu đau khổ sau tai nạn và gặp khó khăn như vậy, nhưng một phần nào đó thì cũng có độc giả cho thấy cần phải phê phán thái độ sống của Ogi. Thông qua các nhân vật như thế này, người đọc có thể rút ra rằng cần phải đón nhận, phải nhận diện những mặt bất an trong lòng, để hướng đến một cuộc sống ổn định về mặt tinh thần và cảm xúc.
Một số người nói rằng tiêu đề “Hố đen sâu thẳm” có một ý nghĩa tiềm ẩn và có thể được hiểu là một vết nứt hoặc một vùng trống. Cô nghĩ gì về điều này?
Nhà văn Pyun Hye Young: Quý vị độc giả khi đọc cuốn sách này có thể đoán được ý nghĩa của nó, đó là luôn có một vùng trống trong cuộc đời mỗi người. Có những điều ở người khác mà ta không thể hiểu được được, và cũng có những điều người khác không biết được về con người mình. Trước khi giác ngộ ra được sự thật đó, chúng ta cần có những trải nghiệm, và trong tác phẩm này tôi muốn đưa ra những góc nhìn như vậy, những khoảng trống để quý vị độc giả có thể hiểu được. Tựa sách “Hố đen sâu thẳm” trong tiếng Hàn có một chữ mang ý nghĩa “một mình”. Có nhiều người cho rằng điều này có nghĩa là nhân vật Ogi đến cuối sẽ bị bỏ lại một mình. Tôi thường tìm kiếm phản ứng của độc giả sau khi sách được xuất bản, do vậy nên đây là một tựa đề mở, để cho quý vị độc giả có thể tưởng tượng và mở rộng ra theo ý hiểu của mình.
Nhiều độc giả ở độ tuổi 40 cảm thấy đồng cảm sau khi đọc cuốn sách. Cô có thể cho chúng tôi biết ý nghĩa của tuổi 40 mà cô đã cố gắng định nghĩa thông qua nhân vật chính “Ogi”, cũng như suy nghĩ của chính cô về độ tuổi này?
Nhà văn Pyun Hye Young: Tôi cũng là một người đã qua độ tuổi này, nên trong quá trình viết sách, tôi đặc biệt chìm đắm vào nó. Nhân vật Ogi trong sách là một người đã đạt được một vị trí nhất định trong xã hội, và tôi nghĩ rằng anh là người có thể dễ dàng đưa ra những lựa chọn hợm hĩnh và trần tục trong khi bằng lòng với cái vị trí của mình ở độ tuổi 40. Tuy nhiên, khi bản thân vừa bước qua tuổi 40 thì tôi nhận ra rằng đây không phải là một điểm đặc biệt chỉ giới hạn ở độ tuổi này. Đây là nỗi bất an về cuộc sống mà tôi muốn mô tả, và tôi nghĩ điều đó cũng đúng với mọi đối tượng, ở mọi lứa tuổi.
Pyun Hye Young sinh năm 1972 tại Seoul. Cô hoàn thành bằng cử nhân Sáng tác và thạc sĩ Văn học Hàn Quốc tại Đại học Hanyang, hiện đang giảng dạy môn Sáng tác tại Đại học Myongji. Cô có hai tiểu thuyết đã được xuất bản tại Việt Nam, là “Tro tàn sắc đỏ” và “Hố đen sâu thẳm”.