'Nhiều khi trượt đại học khó hơn đỗ đại học'
- Tây Y
- 06:35 - 25/10/2017
Thứ trưởng Lê Quân: “Chi phí đào tạo đại học cho một em sinh viên sau 3 - 4 năm học rất lớn”.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua số việc làm tạo ra mới, nhất là số lượng việc làm tạo ra ở mảng có trình độ đại học, trình độ cao không nhiều, trong khi đó nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở một số khu công nghiệp, khu kinh tế, một số lĩnh vực lại đang khan hiếm.
“Cách quản lý đầu vào đại học hiện nay đang “mở ra” hết cỡ, nhiều khi trượt đại học khó hơn đỗ đại học”, Thứ trưởng Quân nói. Người dân luôn mong muốn học xong để làm thầy, nhưng nhu cầu việc làm không nhiều, còn doanh nghiệp thì khát nhân lực.
Thêm một bất cập nữa trong đào tạo giáo dục, theo Thứ trưởng Lê Quân: “Người tốt nghiệp đại học không có việc làm, hoặc có việc làm với mức lương trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng thì mất nhiều năm mới bù lại chi phí đào tạo”.
Như vậy, phải mất rất nhiều năm đi làm thì sinh viên mới bù được khoản tiền bỏ ra cho đào tạo. Đặc biệt, ở trình độ cao học, học xong lại ở trạng thái chờ việc gây lãng phí. Nếu quay lại làm những việc phổ thông, lao động giản đơn hơn thì không phù hợp.
“Tôi cho rằng, nếu lộ trình đào tạo làm thợ mà người ta chăm chỉ, yêu lao động và chịu khó lao động thì có thể nâng nghề, dễ kiếm việc và mức thu nhập có thể nuôi được bản thân và gia đình. Phải thay đổi nhận thức của xã hội và có phân luồng mạnh hơn, đặc biệt có chỉ tiêu tuyển sinh đại học phù hợp để mỗi gia đình có định hướng học tập cho con em phù hợp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc đột phá chất lượng nguồn nhân lực đang đi chậm so với yêu cầu chung. Bên cạnh đó, ông Hiểu cho biết có tình trạng mất cân đối về trình độ đào tạo, nghề nghiệp và việc làm, công tác đào tạo nghề yếu kém, dàn trải, chắp vá và không định hình được mô hình đào tạo.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (tổ Hà Nội) cho biết, cử tri đang hết sức băn khoăn trước thực trạng những cử nhân, thạc sĩ đi làm công nhân, cử nhân sư phạm giỏi phải đi làm trái ngành; thủ khoa không có việc làm... Đây là những nghịch lý chưa bao giờ có, là cảnh báo trong công tác hoạch định chính sách giáo dục và cần phải xem xét lại.