THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:43

Từng bước giảm dần các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tiến tới tự chủ

Tích cực chỉ đạo, hoàn thành các nhiệm vụ ngay những tháng đầu năm:

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngay từ những ngày đầu năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các đồng chí Lãnh đạo Bộ, các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành rà soát hộ gia đình người có công (NCC) với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... để chuẩn bị kế hoạch thăm hỏi, tặng quà trong dịp tết Nguyên đán; rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động (NLĐ). Vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống NLĐ, nhất là lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất do điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê ăn Tết. Trong dịp Tết các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt nam anh hùng, gia đình NCC với các mạng, các đối tượng chính sách, NLĐ...Nhìn chung, người dân cả nước, nhất là các đối tượng yếu thế đều được quan tâm, chăm lo, đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng báo cáo hoạt động của ngành tại hội nghị

Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 đến nay, trong tổng số 117 nhiệm vụ được giao, Bộ đã hoàn thành 7 nhiệm vụ đúng thời hạn; các nhiệm vụ còn lại đều đang được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện, không để quá thời gian quy định.

Công tác giải quyết việc làm có nhiều khởi sắc. Ước thực hiện 3 tháng đầu năm cả nước giải quyết việc làm cho trên 357 nghìn lao động, trong đó: Tạo việc làm trong nước cho 330 nghìn người (bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa khoảng 27 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Tiếp tục các giải pháp thúc đẩy đào tạo gắn với doanh nghiệp; tìm kiếm giải pháp để cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết hiệu quả với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo. Ước tuyển sinh 3 tháng đầu năm là 86.600 người, đạt 4% kế hoạch  (trong đó, cao đẳng, trung cấp: 21.600 người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác: 65.200 người, bao gồm 7.600 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề). Ban hành Kế hoạch tổ chức Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2018. Theo dõi, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tập trung thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống NCC với cách mạng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Phân bổ kinh phí thu được từ việc bán đấu giá áo thi đấu và bóng có đầy đủ chữ ký của các cầu thủ Đội tuyển U23 Việt Nam tặng Thủ tướng Chính phủ làm quà tặng cho 20 huyện nghèo để thực hiện hỗ trợ xây mới 500 căn nhà cho hộ gia đình NCC với cách mạng và hộ gia đình nghèo. Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng, bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp.

Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; bảo đảm an toàn thực phẩm cho trẻ em. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 đến 15/12 năm 2018. Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy; xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở cai nghiện và đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn tập thể, phá hoại cơ sở vật chất, gây mất ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương.

Tại hội nghị, các ý kiến ở các địa phương đều nhất trí cao với kết quả đạt được của toàn ngành LĐ-TB&XH trong 3 tháng đầu năm 2018. Các ý kiến đề xuất với Bộ xung quanh vấn đề cần bổ sung thêm một số cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế hiện nay. Như nâng mức trợ cấp ưu đãi cho đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Các vướng mắc xung quanh việc giải quyết hồ sơ chính sách tồn đọng. Chưa có cơ chế chính sách để xử lý doanh nghiệp bỏ trốn, nên vừa qua tỉnh Đồng Nai phải trích ngân sách gần 10 tỷ đồng để xử lý việc chi trả lương, bảo hiểm thất nghiệp cho hàng ngàn công nhân khi các doanh nghiệp bỏ trốn.

Lãnh đạo 32 Sở LĐ-TB&XH phía Nam từ Thừa Thiên-Huế trở vào tham dụ hội nghị

Từng bước giảm dần các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tăng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục  

Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, các Cục, vụ thuộc Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo nhiều vấn đề trọng tâm mà các địa phương phải tập trung giải quyết theo kế hoạch, Nghị quyết của Trung ương đã đề ra. Đó là, đối vơi lĩnh vực NCC phải tập trung giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408 của Bộ LĐ-TB&XH đến năm 2020 phải hoàn thành ở 3 nhóm đối tượng là liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Các quy trình phải vận dụng để giải quyết linh hoạt nhưng phải đảm bảo đúng đối tượng, có cơ sở pháp lý. Đảm bảo nguồn lực hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ thiếu thông tin.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2018 theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện, triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở GDNN công lập theo lộ trình; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng chuẩn đầu ra các trình độ đào tạo theo quy định của Luật GDNN và khung trình độ quốc gia; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Từ nay đến năm 2021 giảm 10% các trường công lập, 10% về biên chế và đạt tỷ lệ 10% các trường công lập tự chủ. Đến năm 2025 giảm tiếp để đạt mục tiêu 30% là trường công lập và 70% là trường tư thục. Cơ cấu lại ngành nghề, tinh giản để các trường hoạt động chất lượng, hiệu quả.

Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra ở lĩnh vực lao động-việc làm trong năm 2018. Trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60% (trong đó, có bằng/chứng chỉ là 23 - 23,5%); Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5% (trong đó, các huyện nghèo giảm 4%); qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp các địa phương tập trung thực hiện tốt từ đây đến cuối năm 2018 là: Tiếp tục phát triển thị trường lao động, thực hiện tự do chuyển dịch lao động, bảo đảm tính linh hoạt và thống nhất của thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp; làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động, thu thập, cập nhật, phân tích dữ liệu thị trường lao động; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Thực hiện hiệu quả chương trình đề án, chính sách về giải quyết việc làm, đảm bảo việc làm ổn định cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ trên 35 tuổi làm việc tại các khu công nghiệp. Thực hiện các giải pháp ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nhất là thị trường xuất khẩu lao động với các nghề yêu cầu có kỹ năng nghề cao; quản lý chặt chẽ, bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động: Hướng dẫn, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động - tiền lương; sắp xếp lại lao động trong các doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của NLĐ. Tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. trình ban hành đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giao cho địa phương. Thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Triển khai tổ chức các hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Đối thoại định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tập trung thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực chất, hạn chế tái nghèo. Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách giảm nghèo. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bạo hành, xâm hại trẻ em.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma tuý: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm. Tổng kết, đánh giá và có các giải pháp hiệu quả đối với mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; làm tốt công tác xác minh, bảo vệ và trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhận mạnh nhiệm vụ hết sức quan trọng là đẩy  mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ. Tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ; bãi bỏ và đơn giản hóa tối thiểu 50% số thủ tục hành chính trong toàn ngành.

NGỌC MINH-TIẾN SƠN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh