Bình Thuận có thể kết thúc giải quyết hồ sơ người có công trong năm 2018
- Tây Y
- 00:45 - 13/04/2018
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận đã báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác những kết quả nổi bật của ngành LĐ-TB&XH đã đạt được tại địa phương. Ở lĩnh vực việc làm đã giải quyết việc làm cho trên 24.000 lao động trong năm 2017, đào tạo nghề cho hơn 11.300 người, đạt 113,14%, nâng tỷ lệ lao động đào tạo đạt 61% và qua đào tạo nghề chiếm 23,32%.
Quang cảnh buổi làm việc
Công tác giảm nghèo đã được địa phương quan tâm đầu tư. Ngoài nguồn vốn Trung ương đầu tư hơn 22 tỷ đồng trong năm 2017, tỉnh cũng đã trích ngân sách cho các chính sách về y tế, giáo dục cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và đầu tư 80 triệu đồng để xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững tại xã Tân Hà huyện Hàm Tân. Kết quả trong năm 2017, toàn tỉnh còn 3,67% hộ nghèo, giảm 1,06% so với năm trước.
Tỉnh cũng đã tăng cường công tác phối hợp quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 2.306 người nghiện ma túy, tăng 451 người nghiện (2.306/1855) so với cuối năm 2016. Hiện có 106/127 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có người sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 9 xã, phường, thị trấn so với cuối năm 2016. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, tuy số người nghiện ma túy có tăng nhưng không đáng kể. Toàn tỉnh đã có cơ sở để kiểm soát và giải quyết về tình hình ma túy.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc
Việc quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cũng được địa phương chú trọng thông qua việc chính quyền địa phương, đoàn thể tuyên truyền vận động gia đình, người thân giữ gìn, không mắc vào các tệ nạn xã hội va có chính sách cho hộ gia đình có người nghiện vay vốn làm ăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm cơ sở điều trị Mathedone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh
Ở lĩnh vực thực hiện chính sách người có công cho thấy, ngoài việc thực hiện thực chính sách đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân các gia đình liệt sỹ, thương binh và người có công, tỉnh Bình Thuận đã giải quyết khá tốt hồ sơ liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng, đến nay chỉ còn 02 hồ sơ. Trong khi chờ nguồn kinh phí Trung ương phân bổ, địa phương đã chủ động ứng trước các nguồn để hỗ trợ xây dựng 1.078 nhà cho gia đình chính sách có công theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách của ngành LĐ-TB&XH, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị với Bộ trưởng và đoàn công tác của ngành sớm có quy định về quản lý nhà nước đối với loại hình "kinh doanh dịch vụ tư vấn du học về giáo dục nghề nghiệp". Tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo có một số điểm chưa hợp lý, nên việc nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa sát với thực tế đề nghị Bộ sửa đổi cho phù hợp. Tỉnh cũng đề nghị Bộ quan tâm hỗ trợ cho địa phương về kinh phí để cải tạo, nâng cấp cổng Nghĩa trang liệt sỹ, xây dựng giai đoạn 2 Trung tâm điều dưỡng người có công.
Sau khi lắng nghe lãnh đạo tỉnh Bình Thuận báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ niềm vui khi chứng kiến sự phát triển bứt phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch, tạo diện mạo mới, đổi thay nhanh chóng ở Bình Thuận trong những năm gần đây. Đi đôi với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch được xem là thế mạnh của Bình Thuận, địa phương đã quan tâm chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Các lĩnh vực an sinh xã hội của tỉnh có bước phát triển tốt, đặc biệt là giảm nghèo, tỉnh xếp thứ 13 về quy mô giảm nghèo và thứ 15 về tỷ lệ hộ nghèo. Chăm sóc người có công thực hiện tốt về chính sách, cơ bản không còn hồ sơ thương binh, liệt sỹ tồn đọng. Đối với các hồ sơ về Bà mẹ VNAH, tù đày địa phương cần có giải pháp vận động gia đình giải quyết hiệu quả, nếu cần UBND cấp xã hoặc cơ quan LĐ-TB&XH đứng ra lập hồ sơ để công nhận Bà mẹ VNAH. Bình Thuận có thể đi sớm trước cả nước để kết thúc công tác giải quyết hồ sơ người có công vào năm 2018.
Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bình Thuận không được chủ quan mà cần tăng cường kiểm soát tình hình phòng chống ma túy trên địa bàn, không để gia tăng tình hình về tính chất, mức độ, quy mô, không để tình hình lan rộng. Không được đưa tất cả các người nghiện vào Trung tâm cai nghiện để gây quá tải mà phải phân loại, giải quyết từ gốc. Bình Thuận cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em đau lòng nên tỉnh cần quan tâm phòng chống xâm hại trẻ em hiệu quả.
Công tác giảm nghèo phải đi sâu vào chính sách giải quyết sinh kế cho người dân, quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn để thoát nghèo bền vững, tránh thoát nghèo lại chuyển sang cận nghèo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cần rà soát lại để tránh đào tạo nghề chồng chéo, nếu cần có thể sát nhập để một cơ sở đào tạo nghề có thể đảm nhiệm đào tạo cả 3 cấp độ nghề là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Khuyến khích việc mở rộng mạng lưới đào tạo nghề của các trường tư thục.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tiếp thu và nghiên cứu bổ sung, sửa đổi chính sách phù hợp với thực tiễn. Bộ cũng sẽ quan tâm phân bổ kinh phí theo quy định để địa phương đầu tư các hạng mục công trình phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công và an sinh xã hội.
Buổi chiều, Bộ trưởng cũng đã đến thăm hai gia đình chính sách ở Thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc
Bộ trưởng thăm và tặng quà gia đình chính sách Võ Văn Còn ở P. Xuân An-TP.Phan Thiết
Bộ trưởng thăm và tặng quà Bà mẹ VNAH Từ Thị Đinh ở TT.Phú Lâm huyện Hàm Thuận Bắc