THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:52

Giang Ơi bàn chuyện nam sinh mặc áo dài

Giang Ơi bàn chuyện nam sinh mặc áo dài - Ảnh 1.

Thông tin về việc đề xuất nam sinh mặc áo dài vào thứ 2 đầu tuần từ nghệ sĩ Kim Xuân được Giang Ơi biết đến qua một bài báo. Ảnh: Giang Ơi.

Trong chương trình truyền cảm hứng về áo dài tại trường THPT Marie Curie (TP.HCM) sáng ngày 2/11, nghệ sĩ Kim Xuân có đề xuất: "Tôi mong rằng đề nghị nam sinh mặc áo dài chào cờ sáng thứ 2 sẽ được thực hiện vào năm sau". Đáp lại đề nghị của nghệ sĩ Kim Xuân, một số thầy giáo đưa ra ý kiến phản đối, theo bài báo "Nghệ sĩ đề xuất nam sinh mặc áo dài ở TP.HCM" đăng trên báo điện tử Vietnamnet ngày 5/11 và được trang BáoMới dẫn lại.

Tuy nhiên, cô nàng Giang Ơi không đồng tình với cách lập luận để phản đối của hai thầy giáo được trích dẫn trong bài báo. Cô cũng nhấn mạnh bản thân không tham gia ý kiến vào việc liệu nam sinh có nên mặc áo dài để chào cờ vào sáng thứ 2 hay không, theo video đăng trên kênh YouTube Giang Ơi ngày 10/11.

Ở phần đầu video, Giang Ơi đọc nguyên văn đoạn trích lời phản đối của thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du với đề xuất nam sinh mặc áo dài: "Lâu nay, giáo viên cũng đã mặc áo dài lên lớp. Tuy nhiên, thời tiết hiện nay rất khắc nghiệt và diễn biến phức tạp. Tại các trường học, mật độ cây xanh che phủ không còn nhiều, trong khi đó, nhiệt độ ngoài trời đang nóng lên, nhiệt độ trung bình ở TP.HCM là khoảng 30 độ C. Bên cạnh đó, không phải trường học nào cũng có máy lạnh. Do đó, chỉ nên phát động mặc áo dài ở các cơ quan cho phái nữ, có thể một tuần 2-3 buổi".

Quan điểm này của thầy Phú khiến Giang, trên cương vị là một nữ sinh từng mặc áo dài và là mẹ của một học sinh chưa biết là nữ hay nam trong tương lai, không đồng tình. "Thầy ơi thầy, chúng em cũng nóng mà thầy. Chúng em cũng biết nóng, chúng em cũng vận động, chúng em cũng học thể dục, chúng em cũng đạp xe đi học mà thầy", cô nói.

Giang Ơi bàn chuyện nam sinh mặc áo dài - Ảnh 3.

Giang Ơi đọc lại lập luận phản đối của thầy Phú được trích dẫn trực tiếp trong bài báo. Ảnh: Giang Ơi.

"Còn đối với nam sinh, yêu cầu mặc áo dài cho các em rất khó. Mặt khác, các em nhỏ người và năng động, luôn chạy giỡn hoặc chơi thể dục thể thao. Nếu mặc áo dài cả buổi, các em sẽ bị hạn chế và làm ảnh hưởng tới các hoạt động của nhà trường. Còn nếu chỉ mặc để chào cờ sáng thứ hai rồi thay ra thì quá lỉnh kỉnh, không cần thiết", Giang Ơi tiếp tục đọc lập luận của thầy Phú.

"Nếu mà các nam sinh mặc áo dài sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động của nhà trường thì các hoạt động này con gái có được tham gia không thầy", cô nàng đặt ra câu hỏi. Theo quan điểm của Giang, việc thầy Phú cho rằng nam sinh chỉ mặc áo dài để chào cờ sáng thứ 2 rồi thay ra là "lỉnh kỉnh, không cần thiết" là không thỏa đáng bởi khi đi học, lượng đồ dùng cũng như sách vở mà nam sinh hay nữ sinh phải mang đi là như nhau. Cô cho rằng không thể nói nam sinh nếu đem thêm áo dài là lỉnh kỉnh trong khi coi việc nữ sinh mang áo dài là chuyện đơn nhiên.

Tiếp đến, Giang đề cập tới bình luận của thầy Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng trường THPT Marie Curie. Trong bài báo, thầy Khoa cho rằng đề xuất của nghệ sĩ Kim Xuân rất khó thực hiện. "Thứ nhất, nếu thêm nam sinh mặc áo dài là tốn kém cho phụ huynh", Giang Ơi đọc nguyên văn quan điểm của thầy Khoa được bài báo trích dẫn trong ngoặc kép.

Theo Giang, ngoài tiền mua áo dài nữ cho con, phụ huynh của các nữ sinh còn chu cấp thêm tiền mua các sản phẩm khác dành riêng cho con gái. Do đó, Giang Ơi phản đối quan điểm của thầy Khoa khi thầy cho rằng nam sinh mặc áo dài là tốn kém. "Phát ngôn này theo em là không có tế nhị với các phụ huynh của các em nữ", Giang bày tỏ ý kiến.

Với phân tích thứ hai của thầy Khoa rằng "áo dài để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ với các đường nét quyến rũ chứ nam sinh thì không", Giang cũng không đồng tình. "Cái lời nhận xét đó nó có rất nhiều vấn đề mà em tin rằng các nữ sinh và các phụ huynh của các nữ sinh cũng sẽ đồng tình với em khi mà nghe thầy nói như vậy ở trong cái bối cảnh này", Giang chia sẻ.

Giang Ơi đồng ý rằng đặc tính cơ thể nam và nữ là khác nhau, nhưng nhìn từ góc độ bình đẳng giới, cô khẳng định phụ nữ phải có quyền được lựa chọn trang phục và có quyền lựa chọn có phô ra vẻ đẹp hình thể của mình qua bộ áo dài hay không.

Vì vậy, theo Giang, việc thầy Khoa dùng phân tích "áo dài để tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ với các đường nét quyến rũ" để thể hiện sự không đồng tình với đề xuất nam sinh mặc áo dài là "không phù hợp trong môi trường giáo dục phổ thông", "không công bằng với phái nữ" và "không đứng đắn".

Giang Ơi bàn chuyện nam sinh mặc áo dài - Ảnh 4.

Quan điểm của thầy giáo thứ 2 cũng khiến Giang Ơi không đồng tình. Ảnh: Giang Ơi.

Với kết luận của thầy Khoa rằng "học sinh nam cứ áo trắng với quần, sơ vin vào là đẹp và lịch sự", Giang Ơi cho hay cô rất đồng tình với ý "cứ áo trắng với quần, sơ vin vào là đẹp và lịch sự". Tuy nhiên, Giang Ơi cho rằng điều này không nên chỉ áp dụng cho học sinh nam bởi "học sinh nữ cũng cực kì đẹp khi mặc áo trắng với quần và sơ vin".

Kết thúc video, Giang bày tỏ: "Mình mong là quyết định cuối cùng về việc đề xuất mặc áo dài sẽ dựa trên yếu tố bình đẳng đối với hai giới, quyết định đó sẽ phải được áp dụng theo một cách tế nhị và cân nhắc có sự quan tâm với cả phái nam và phái nữ chứ nó không thể hiện cái sự coi thường phụ nữ". Khẳng định video của cô không nhằm mục đích tấn công ai hay quan điểm của người nào, Giang Ơi cũng kỳ vọng mọi người sẽ tiếp tục cùng cô thảo luận chủ đề này theo hướng xây dựng và cùng nhau học hỏi.

Những chia sẻ của Giang Ơi nhận được rất nhiều sự đồng tình của người xem YouTube. "Đúng 10 năm trước em đã viết 1 bài luận bằng tiếng Anh đưa ra ý kiến hoặc là nam sinh cũng cần phải mặc áo dài như nữ sinh để cùng giữ gìn truyền thống, hoặc là miễn trừ việc mặc áo dài cho cả hai phái để tạo ra sự công bằng, bình đẳng. Ý kiến đó đã bị phản đối một cách kịch liệt. Không ngờ hôm nay được biết chị Giang cũng cùng chung ý kiến", tài khoản GameXinh cho biết.

"Không biết kết quả cuối cùng như thế nào nhưng em hy vọng sẽ được nhìn thấy các nam sinh mặc áo dài màu đen", tài khoản No Jams bình luận.

Hạ Mi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh