Giảm tỷ lệ đóng BHXH, người lao động có bị ảnh hưởng?
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 23:40 - 27/11/2016
Ảnh minh họa.
Đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là gánh nặng tài chính lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Để giảm gánh nặng này, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH 1%. Sau thời gian này, sẽ tiếp tục cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ để tiếp tục cân nhắc điều chỉnh tỷ lệ đóng trong một vài năm tới.
Giảm 5.400 tỉ đồng tiền đóng BHXH mỗi năm
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra ngày 29/10/2016, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đưa ra đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH vào hai quỹ là quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mỗi quỹ giảm 0,5%.
Cụ thể, giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, tương ứng với số tiền giảm khoảng 2.400 tỉ đồng/năm. Giảm tỷ lệ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống 0,5%, tương ứng với số tiền giảm khoảng 3.000 tỉ đồng/năm.
Như vậy, nếu đề xuất này được Chính phủ chấp thuận thì việc này sẽ tiết kiệm được cho doanh nghiệp một khoản tương đối lớn, khoảng 5.400 tỉ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên, cho biết mỗi năm công ty của ông đóng khoảng 100 tỉ đồng tiền BHXH, nếu được giảm tỷ lệ đóng vào hai quỹ như trên thì mỗi năm doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 2 tỉ đồng để đầu tư cải tiến trang thiết bị, giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao (văn phòng tổng giám đốc) Công ty Canon Việt Nam, cho hay đây là đề xuất kịp thời trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với suy thoái và bất ổn kinh tế thế giới, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có khách hàng trên khắp thế giới. Đồng thời, việc giảm 1% tỷ lệ đóng vào hai quỹ trên sẽ góp phần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi đầu năm 2017 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu mới.
Doanh nghiệp lo cái lớn hơn
Hiện nay, hàng tháng, mỗi doanh nghiệp phải đóng cho người lao động mức 22% tiền lương vào ba quỹ là quỹ BHXH (18%), bảo hiểm y tế (3%), bảo hiểm thất nghiệp (1%). Ngoài ra, người lao động phải cùng đóng vào ba quỹ trên 10,5% tiền lương. 18% tiền lương mà doanh nghiệp đóng vào quỹ BHXH được chia thành ba loại quỹ là quỹ ốm đau và thai sản (3%), quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (1%); quỹ hưu trí và tử tuất (14%).
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hiện nay, thiết kế mức lương hưu của Việt Nam quá cao, mức trần tới 75% trung bình tổng thời gian đóng, gấp đôi ở Thái Lan, trong khi, GDP bình quân của Việt Nam chỉ bằng một phần ba của Thái Lan. Đây là một điều bất hợp lý. “Chính việc phải để dành quá lớn khi đang làm việc đã trở thành gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp”, ông Dương nói. Ông đề xuất: Nếu việc nâng tuổi nghỉ hưu được thông qua thì Chính phủ nên cân nhắc giảm tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất xuống.
Còn theo bà Đào Thị Thu Huyền, từ đầu năm 2018, đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương cùng với phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như vậy, việc giảm 1% tỷ lệ đóng BHXH sẽ không thể bù đắp được việc nền đóng BHXH tăng lên kể từ năm 2018. Chưa kể, quy định đóng BHXH trên tổng thu nhập còn phát sinh chi phí nhân sự và thủ tục hành chính để thực hiện công tác thống kê tổng thu nhập của người lao động do số tiền này thường biến động theo năng suất, sản lượng của người lao động hàng tháng.
Bà Huyền cho hay Canon cũng như Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ nên xem xét giãn lộ trình áp dụng đóng BHXH trên tổng thu nhập, đồng thời cải tiến hoạt động của BHXH Việt Nam để tiết giảm chi phí quản lý, tránh thất thoát để làm thế nào giảm tỷ lệ đóng BHXH trong thời gian tới.
Giảm thêm được không?
Báo cáo đánh giá tỷ lệ đóng, hưởng quỹ BHXH cho thấy có ba quỹ được cân đối trong ngắn hạn là quỹ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, hai quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp luôn có kết dư hàng năm lớn.
Theo số liệu thống kê thu, chi quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tỷ lệ số chi/thu những năm gần đây đều chưa tới 10% và không có biến động trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến hết năm 2015, số kết dư quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là khoảng 26.000 tỉ đồng, bằng gần 60 lần số chi quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2015.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng vậy. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ chi/thu tuy có xu hướng tăng từng năm nhưng đến năm 2015 tỷ lệ chi/thu là 51%. Đến hết năm 2015, số kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là gần 49.000 tỉ đồng. Với tốc độ tăng thu, chi như giai đoạn vừa qua, nếu không có nội dung tăng chi đột biến thì trong một số năm tới, số thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm vẫn đảm bảo số chi trong năm và có kết dư.
Do đó, đây là hai quỹ mà Bộ LĐ-TB&XH, sau khi tính toán kỹ, thấy rằng việc giảm tỷ lệ đóng 0,5% mỗi quỹ sẽ không ảnh hưởng tới cân đối quỹ trong những năm tới.
Quỹ ốm đau và thai sản, tuy cũng là quỹ có cân đối ngắn hạn nhưng tỷ lệ thu, chi rất sát nhau, xấp xỉ 90%, số kết dư là không nhiều. Đồng thời, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho người lao động. Chính vì vậy, sẽ không thể giảm tỷ lệ đóng của quỹ này xuống.
Riêng quỹ hưu trí, tử tuất được cân đối trong dài hạn. Số kết dư quỹ này đến hết năm 2015 tương đối lớn, khoảng 340.000 tỉ đồng. Song, khi xây dựng Luật BHXH năm 2014, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành (trước năm 2016) thì đến năm 2021, thu trong năm của quỹ hưu trí và tử tuất sẽ không đủ chi trong năm, để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Do đó, khó có khả năng giảm tỷ lệ đóng quỹ hưu trí và tử tuất xuống.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, kinh nghiệm thế giới cho thấy, quỹ hưu trí và tử tuất là quỹ cân đối trong dài hạn. Tỷ lệ đóng hưởng của quỹ này thường ổn định trong khoảng thời gian nhất định; việc điều chỉnh chỉ thực hiện khi mà các nhóm nhân tố tác động đến quỹ như nhân tố nhân khẩu (tỷ lệ sinh, chết; tuổi thọ...), nhân tố kinh tế (cơ cấu kinh tế, lạm phát, tốc độ tăng trưởng...) có sự thay đổi lớn so với dự báo làm mất đi sự cân đối đóng hưởng được thiết lập trước đó.
Nói về ý kiến tỷ lệ đóng BHYT ở Việt Nam cao, ông Phạm Minh Huân cho rằng nếu chỉ đánh giá độc lập (riêng) tỷ lệ đóng BHXH thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao trong khu vực, nhưng cũng có một số nước có tỷ lệ đóng BHXH cao hơn Việt Nam, như Singapore (36%, chưa tính đến bảo hiểm ốm đau thai sản, tai nạn lao động là do người sử dụng lao động tự chi trả cho người lao động), Trung Quốc (33%), Ấn Độ (35%).
Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng BHXH ở Việt Nam có thể nói là cao nhất trong khu vực, thậm chí là cao nhất thế giới. Tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% trong khi đó tỷ lệ hưởng lương hưu của các nước chỉ khoảng 35-50%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu như đề xuất giảm tỷ lệ đóng BHXH này được thông qua, sau một thời gian áp dụng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nghiên cứu giữa đóng và hưởng để tiếp tục điều chỉnh tiếp trong những năm tới. Các nước trên thế giới cũng làm như vậy.