THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:56

Giảm thời gian chờ khám và cải thiện nhà vệ sinh bệnh viện

Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi

Theo Bộ Y tế, sau 5 năm thực hiện Quyết định 1313/QĐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện, các cơ sở y tế đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường khoa phòng, khu vực khám bệnh của bệnh viện; cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; môi trường vệ sinh chung của bệnh viện cũng được cải tiến, bệnh viện được xây dựng, cải tạo khang trang, thuận tiện, tiện nghi hơn, sạch đẹp hơn.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện quy trình khám bệnh cơ bản gồm 4- 8 bước tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán, giảm hơn so với trước đây 10 – 15 bước đồng thời cắt giảm một số thủ tục hành chính như bệnh viện phải phô tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện... Nhờ đó, kết quả thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến, khám lâm sàng trung bình 66,5 phút (giảm 53,5 phút so với quy định) 

Tuy nhiên, thời gian chờ vẫn rất dài 45,4 phút. Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, giảm so với quy định 40 phút, tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút. Trung bình giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều cải tiến trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân... Tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi nhiều, tuy nhiên tại các bệnh viện tuyến Trung ương thời gian vẫn rất lâu. Bệnh nhân đi khám phải nhịn ăn từ sáng nhưng phải chờ đợi để được vào khám, sau đó chờ đợi kết quả xét nghiệm, thậm chí phải chờ từ 11h đến 12h rất mệt mỏi. Chưa kể, họ còn phải chờ đợi bác sĩ kê đơn thuốc. Có bệnh nhân phải chống nạng vẫn phải chờ lấy thuốc. 

 “Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để bệnh nhân không phải đợi quá lâu. Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian khám chữa bệnh nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 17 giờ và hẹn khám theo giờ”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

 

 

Vạ vật ngồi chờ khám tại Bệnh viện Nhi TƯ


Nhà vệ sinh sẽ là tiêu chí để chấm điểm chất lượng bệnh viện

Liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh bệnh viện, mặc dù trong thời gian qua, các bệnh viện công đã cải thiện khá nhiều về chất lượng dịch vụ và phục vụ, Bộ Y tế cũng đã có tiêu chí nhà vệ sinh được chia làm 5 mức, từ mức 1, 2 đến mức 5, tương ứng với chất lượng "rất tệ", “tệ” và cao hơn là mức “sạch sẽ”, "sạch sẽ 5 sao", nhưng khảo sát các cơ sở y tế toàn quốc trong năm 2017 cho thấy, nhà vệ sinh ở mức "5 sao" chỉ đạt 2,1%. Tỷ lệ các bệnh viện  có nhà vệ sinh chỉ ở mức 1 và 2 vẫn chiếm đến 19%, tương đương với hàng trăm bệnh viện đang có nhà vệ sinh bẩn.

Thực tế “tệ hại” của nhà vệ sinh trong bệnh viện công đã được lãnh đạo một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện thừa nhận “chỉ đạt tiêu chuẩn hạng hai” vì đúng là lâu nay còn chưa chú trọng, kinh phí chỉ tập trung cho chuyên môn mà chưa quan tâm đến nhà vệ sinh. Bộ trưởng Bộ y tế cho biết, khi đi kiểm tra các bệnh viện vẫn thấy tình trạng nhà vệ sinh của nhân viên y tế không có xà phòng rửa tay và cho rằng “chỗ rửa tay của nhân viên còn thế nói gì đến nhà vệ sinh của người bệnh, người nhà bệnh nhân.

“Khi kiểm tra chất lượng bệnh viện, đoàn kiểm tra đừng chỉ ngó, hay chụp hình ở khu vực khám dịch vụ, phòng nội trú theo yêu cầu mà phải đến tận khu vệ sinh ở khoa khám thông thường, nơi rất nhiều người phải chờ đợi, xếp hàng. Nhà vệ sinh của khu vực đó còn nhiều nơi hôi, bẩn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh khi nói về thực trạng nhiều nhà vệ sinh bẩn tồn tại trong bệnh viện công.

Nhà vệ sinh - chuyện nhỏ mà không nhỏ bởi nó thể hiện sự đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất của con người; đặc biệt trong bệnh viện thì nhà vệ sinh chính là an toàn người bệnh vì đó là nơi phát tán mầm bệnh cần phải kiểm soát; thậm chí là nơi đã gây tai nạn cho bệnh nhân và người nhà (trượt, ngã) do bị đọng nước bẩn...  Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bênh Lương Ngọc Khuê cho biết, sắp tới sẽ coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng. Nếu nhà vệ sinh ở mức 1,2, chất lượng xếp loại kém. Đồng thời chú trọng cung cấp trang thiết bị nhà vệ sinh như giấy vệ sinh, nước, xà phòng…  

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, sắp tới khi chấm điểm đánh bệnh viện cần chấm điểm cao tiêu chí về nhà vệ sinh bệnh viện và thời gian chờ khám bệnh. Bệnh viện không thể đạt được điểm chất lượng cao, nếu để nhà vệ sinh bẩn và thời gian chờ đợi khám bệnh quá lâu.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh