Rùng mình với nhà vệ sinh bệnh viện
- Sức khỏe
- 17:46 - 09/07/2016
Tuy nhiên, lâu nay dường như vấn đề này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, bởi ở nhiều nơi chỉ đứng từ xa đã ngửi thấy mùi. Nếu bắt buộc phải vào thì ai cũng trong cảnh tay bịt mũi, chân đi nhón và nháo nhác tìm giấy…
Tiền tăng mà chất chưa tương xứng
Từ 1/3, gần 1.900 dịch vụ y tế chính thức được điều chỉnh với mức tăng trung bình 30%. Tháng 8 tới đây, giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình từ địa phương có tỷ lệ đóng bảo hiểm cao đến thấp. Như vậy, về cơ bản, giá viện phí được tính đúng, tính đủ và người bệnh là người chi trả trực tiếp mọi chi phí liên quan, trong đó có lương của nhân viên y tế và khấu hao trang thiết bị.
Theo quy định, các cơ sở y tế phải dành tối thiểu 5% từ nguồn thu để nâng cấp, cải tạo cơ sở khám chữa bệnh, tăng giường bệnh. Mua bổ sung, thay mới chăn ga, gối đệm, quạt... để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Theo kết quả kiểm tra về chất lượng dịch vụ y tế sau khi tăng viện phí của Bộ Y tế, chất lượng tại một số bệnh viện đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra như vụ sập trần ở Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tình trạng nhân viên y tế nhận phong bì của người bệnh, “nấu cháo” điện thoại trong giờ hành chính vẫn tồn tại và được người dân phản ánh.
Tại một số bệnh viện tuyến cuối, tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Quá tải từ lúc xếp hàng chờ lấy số thứ tự, đến lúc khám và cả khi nằm viện.
Một trong những bức xúc của nhiều người bệnh là tình trạng nhếch nhác ở khu vực vệ sinh. Bệnh viện quá tải nên nhu cầu sử dụng càng cao nhưng thực tế ở nhiều bệnh viện cho thấy khu vực này có nhân viên phụ trách nhưng vẫn bẩn, thậm chí có nơi hết ngày mới có người đến dọn…
Theo đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về vấn đề vệ sinh tại hơn 250 bệnh viện cho thấy, nhiều nhà vệ sinh của các bệnh viện không đạt tiêu chuẩn, không có xà phòng, xả rác bừa bãi, sử dụng ga giường bệnh cũ…
Chỉ gần 23% bệnh viện bảo đảm các phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng; gần 53% bệnh viện có buồng vệ sinh với bồn rửa tay có nước sạch, xà phòng, khăn lau tay… Thậm chí ở phòng điều trị theo yêu cầu, bệnh viện thu tiền triệu/ngày nhưng vẫn rất mất vệ sinh.
Bao giờ tương xứng với đầu tư?
Nhà vệ sinh đạt là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã được Bộ Y tế ban hành. Theo quy định này, nhà vệ sinh phải có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, xà phòng (nước rửa tay), dung dịch sát khuẩn, có gương, không có mùi, đảm bảo 7 - 11 giường bệnh phải có 1 nhà vệ sinh. Nhưng hầu như ít bệnh viện tuyến cuối đạt được số điểm tối đa cho tiêu chí nhà vệ sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Quy định thì vậy nhưng hiện chỉ có 5,2% bệnh viện đạt tiêu chí liên quan đến nhà vệ sinh như có đủ tải lau nhà ở các khu vực khác nhau riêng biệt (khu vực sạch và bẩn); 23% bệnh viện đạt các phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng. Khảo sát về cấp nước và vệ sinh trong các cơ sở y tế năm 2015 do Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) tiến hành cũng phát hiện nhiều vấn đề bất cập và hạn chế.
Nhiều nhà vệ sinh dùng cho bệnh nhân và khu vệ sinh chung còn bẩn, thiếu nước, thiếu giấy, thiếu xà phòng rửa tay, xí bị vỡ, hư hỏng không được sửa chữa, và đặc biệt là mùi hôi nặng nề không được xử lý kịp thời. Thậm chí, có nơi do không có người lau dọn nên nhà vệ sinh bị khoá lại không được dùng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận tình trạng mất vệ sinh ở nhà vệ sinh diễn ra ở nhiều cơ sở y tế. Theo Bộ trưởng Tiến, bệnh viện một số tuyến trên chưa xanh sạch đẹp. Nhiều nơi nhà vệ sinh bẩn, không có xà phòng rửa tay, trần nhà dột nát, ẩm mốc.
Bệnh viện tuyến dưới thì dùng chiếu cũ, có khả năng nhiễm khuẩn cho người bệnh, nhà vệ sinh đôi khi cách xa khu vực điều trị, không có điện thắp sáng, thiếu nước gây khó khăn cho bệnh nhân. Đây là lý do Bộ Y tế xây dựng dự án Bệnh viện vệ sinh với các tiêu chí xanh, sạch, đẹp.
Theo đó, khu nội trú phải có ghế đá, công viên cây xanh để bệnh nhân đi dạo. Khi chờ khám phải có tivi, chỗ ngồi mát mẻ để bệnh nhân đọc tài liệu tuyên truyền, xem tivi và đặc biệt nhà vệ sinh phải đảm bảo... không có mùi.
Bệnh viện là nơi khám, chữa bệnh nhưng thực tế cho thấy nhiều nơi còn bẩn, là nguồn lây nhiễm bệnh cho người đến khám, điều trị. Bệnh viện vệ sinh là điều tất yếu bởi tiền người dân bỏ ra phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng. Người dân mong chờ ngành Y tế mạnh tay hơn với cơ sở y tế lơ là việc đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh, an toàn trong bệnh viện. |