CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:52

Giám sát tài sản cán bộ, quan chức thế nào?

 

Dãy nhà được cho là của một số quan chức tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

“Hòa cả làng” dẫn đến liên minh che chắn nhau

* Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa kết luận Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh vi phạm quy định trong kê khai tài sản, dù trước đó họ đều nói, việc kê khai được thực hiện đầy đủ hằng năm. Phải chăng, thực tế này càng chứng minh, việc kê khai tài sản còn hình thức, chưa thực chất, nên khi vào cuộc kiểm tra là phát hiện ngay vi phạm?

Trong thời gian dài, vấn đề kê khai tài sản luôn được đặt ra. Tuy nhiên, có những điều dư luận luôn nghi ngờ là việc kê khai tài sản còn rất hình thức và điều này hoàn toàn có cơ sở. Đầu tiên, chính bản thân người kê khai tài sản không đủ, không đúng, thậm chí còn giấu giếm. Khi cán bộ lãnh đạo không trung thực từ kê khai tài sản, người ta sẽ đặt ra vấn đề là, việc này mà còn không trung thực thì việc điều hành, đặc biệt về xử lý cán bộ, con người của cá nhân lãnh đạo đó sẽ như thế nào?

Bản thân cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ lẽ ra phải xác minh, nhưng họ lại không làm vậy. Người kê khai tài sản không trung thực và bị phát giác sẽ bị xử lý, nhưng các cơ quan quản lý cán bộ sai phạm lại không bị làm sao cả, không ai xử lý được. Người đứng đầu không chịu trách nhiệm, bộ phận tham mưu cũng không chịu trách nhiệm, tóm lại là hòa cả làng. Chính vì thế mới dẫn đến sự làm ngơ “tôi không động đến anh, anh không động đến tôi”. Từ đó mới hình thành lên những liên minh, ngầm bảo vệ nhau, che chắn cho nhau.

* Để việc kê khai tài sản được giám sát hiệu quả, sau khi kê khai theo ông có cần phải công khai để người dân giám sát? Những khối tài sản kếch xù, những biệt phủ, biệt thự như cung điện mọc lên giữa vùng quê nghèo, người dân cần được biết đó là của ai, được hình thành thế nào, quan điểm của ông ra sao?

Rõ ràng sự công khai và mức độ công khai tài sản cần được xem xét. Tôi không nói phải công khai toàn bộ, nhưng ít nhất cũng phải công khai trong phạm vi nào đó. Chính vì công khai còn hạn chế mới dẫn đến hiệu quả, hiệu lực chưa cao. Ai là người giám sát? Lấy gì để giám sát? Chính vì thế mà người ta mới gọi là “giám sát mò”.

Nghĩa là việc giám sát ông A có cái nhà ở chỗ này, nhưng hình như ông ấy còn mấy nghìn mét vuông đất ở chỗ kia; Hình như vợ ông này còn có công ty nọ, hình như con gái ông kia có cái xe rất đẹp… cũng là giám sát mò, và báo chí cũng chỉ lần theo dấu vết ấy. Chúng ta thường nói, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng dân không biết thì lấy gì mà bàn?

Tất nhiên, công khai toàn bộ thì khó, thậm chí còn nguy hiểm, vì vấn đề này còn liên quan đến câu chuyện an ninh, bí mật đời tư. Nhưng cần phải quy định, xem những đối tượng nào cần phải biết. Người bầu cần được biết tài sản ra sao, và người được bầu có trung thực hay không? Nếu không trung thực, có nhưng không công khai thì tôi đánh giá ông không xứng đáng được bầu vào vị trí nào đó. Ngoài ra, theo tôi bản kê khai tài sản trong hồ sơ cán bộ cũng không nên coi là mật. Hồ sơ cán bộ là mật nhưng không có nghĩa các loại giấy tờ đi kèm đều là mật cả.

 

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

 

Không ai “phiên dịch” được tiếng gà, lợn

* Gần đây nổi lên câu chuyện khi bị lộ khối tài sản khủng, nhiều quan chức lý giải nguồn gốc tài sản được hình thành từ nuôi lợn, nuôi gà, rồi từng phải vật lộn, vất vả đi bán chổi đót, lao động thối móng tay… Ông thấy cách giải thích như vậy có thuyết phục?

Đầu tiên, nếu người nào đó giàu lên từ nuôi lợn, nuôi gà thực sự thì phải xác nhận cho họ. Song bản thân tôi cũng nghe và biết dư luận rất khó tin điều này. Bởi những việc ấy người dân làm nhiều lắm. Ai cũng nuôi lợn, nuôi gà được. Thậm chí có người dân còn làm nhiều hơn thế và có khi còn bị nghèo đi. Như vừa qua, cử tri ở tỉnh Bến Tre phản ánh, có những nhà nuôi lợn không được giải cứu, mất toi vài trăm triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với một hộ gia đình nông dân.

Trở nên giàu có từ nuôi lợn, nuôi gà có khả năng đúng nhưng ít lắm, may ra được 0,1%. Nhưng nếu có thì phải xác nhận cho người ta, thậm chí nhân rộng điển hình, đưa gương người tốt việc tốt. Ai lại để 0,1% này tồn tại ở một góc khuất như vậy được. Còn lại 99,9% kia, có lẽ người ta không đặt lòng tin vào những thổ lộ ấy. Giải trình như thế không thuyết phục, dư luận không đồng tình. Lần thứ nhất không trung thực về kê khai, lần thứ hai không trung thực khi giải trình, như vậy là không trung thực “kép”.

* Phải chăng vì tài sản lớn quá, nhiều quá không biết phân tán đi đâu, không biết giải trình từ đâu nên có quan chức mới lý giải nó cấu thành toàn bộ từ con gà, con lợn?

Về việc này, tôi cũng đưa ra một bình luận trên Facebook là “gà lợn” thành “gợn là”. Bởi vì những con này chỉ biết kêu éc éc, kêu ò ó o, không ai “phiên dịch” được.

* Trước thực tế việc kê khai tài sản không trung thực, gây nhiều nghi ngờ trong dư luận, đã có ý kiến đề xuất cần giám sát việc kê khai tài sản. Quan điểm của ông về việc này ra sao?

Nếu giám sát toàn bộ thì rất mông lung. Người ta nói nước xa không cứu được lửa gần. Anh ở Trung ương sao đủ nhân lực, sao phình được bộ máy đi đủ 63 tỉnh thành? Hơn nữa chúng ta đang thực hiện phân cấp mạnh. Câu chuyện tin hay không tin địa phương thì chúng ta phải xem xét, chứ không phải vì không tin địa phương nên trung ương ôm tất cả.

Đề xuất trên chỉ đúng một phần, ở chỗ cán bộ tầm Trung ương quản lý và đối với những vụ tham nhũng lớn, có dấu hiệu tham nhũng lớn. Những trường hợp nhỏ nên để tầng thứ hai xử lý, như vậy sẽ hiệu quả hơn.

Cảm ơn ông!


“Nếu người nào đó giàu lên từ nuôi lợn, nuôi gà thực sự thì phải xác nhận cho họ. Song bản thân tôi cũng nghe và biết dư luận rất khó tin điều này. Bởi những việc ấy người dân làm nhiều lắm. Ai cũng nuôi lợn, nuôi gà được. Thậm chí có người dân còn làm nhiều hơn thế và có khi còn bị nghèo đi”

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh