Xây dựng Chương trình giảm nghèo mới với tiêu chí cao hơn
- Tra cứu phẫu thuật
- 14:25 - 06/02/2015
Chiều 5/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo các Bộ: LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, Ủy ban Dân tộc... và lãnh đạo các địa phương.
*Phấn đấu đạt, vượt Nghị quyết Quốc hội giao
Báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 cho thấy: Năm 2014 công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, được ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng quà hộ dân tộc thiểu số có thành tích phát triển kinh tế, giảm nghèo
Năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương xác định phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Theo đó, mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo. Mục tiêu cụ thể là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyên, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo. Đưa thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cũng như kết quả giảm nghèo đã đạt được, từ đó đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. “Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân” - Thủ tướng khẳng định đồng thời yêu cầu cần phải nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của công tác này để làm tốt hơn trong thời gian tới. “Thoát nghèo, vào hộ cận nghèo, nếu chúng ta không tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đồng bào lại quay trở lại nghèo. Đây là điều chúng ta hết sức trăn trở” -Thủ tướng dẫn ra ví dụ về một trong những hạn chế trong chính sách đối với công tác giảm nghèo cần phải khắc phục.
Cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thay đổi mạnh nhờ chính sách giảm nghèo
Đồng thời nêu một số những hạn chế khác cần phải khắc phục. Đó là tình trạng chính sách trùng lắp, chồng chéo, khó thực hiện, hoặc có chính sách mà không cân đối được nguồn lực để thực hiện; kết quả giảm nghèo chung cả nước đáng ghi nhận nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao; tình trạng huy động nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa cao, có nơi chưa dành ưu tiên cho công tác giảm nghèo hoặc trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Trung ương.
*Lấy hiệu quả giảm nghèo làm tiêu chí đánh giá lãnh đạo
Lưu ý một số hạn chế là có nơi, có lúc nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ về công tác này chưa đúng mức, trách nhiệm chưa cao, thiếu quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Thực tế nơi nào cấp ủy, chính quyền quyết tâm, chỉ đạo là có chuyển biến, có kết quả. Đây là vấn đề mà chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận, khắc phục”.
Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu công tác giảm nghèo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu năm 2015 và những năm tiếp theo, cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm mục tiêu giảm 1-1,5% hộ nghèo, số hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm 3-4%, xuống dưới 30%. Một yêu cầu mà Thủ tướng nhấn mạnh là các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. “Đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, giảm đói nghèo là yêu cầu của phát triển bền vững đồng thời cũng là giá trị nhân văn cốt lõi của thế giới ngày nay khi mà Liên hợp quốc đã xác định là 1 trong 8 tiêu chí thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ”. Thủ tướng yêu cầu: “Phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Coi đây là một tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền”.
Thứ hai, tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo 2 hướng là hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Về hỗ trợ sản xuất, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào hỗ trợ cho nhân dân trong sản xuất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp.
Về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, Thủ tướng yêu cầu trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng.
Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thủ tướng cho biết ngân sách Trung ương sẽ cân đối để bảo đảm chi cho nhiệm vụ này đồng thời đề nghị các địa phương tiết kiệm chi để bố trí thêm. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích nỗ lực vươn lên của người nghèo, hộ nghèo. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách; đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Hộ nghèo xã Phúc Thắng, huyện Sơn Động (Bắc Giang) vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội chăn nuôi dê
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 chuẩn bị tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới./.