Giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, khó thoát “bẫy” thu nhập trung bình
- Bài thuốc hay
- 13:58 - 03/11/2019
- Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
- Hôm nay 23/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Nhân dân và xã hội quan tâm
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng đã giải trình, làm rõ, hiện nay nếu giảm giờ làm từ 48h xuống 44h, xuất khẩu sẽ ngay lập tức giảm 20 tỷ đô/ năm, và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%.
Giảm năng lực cạnh tranh quốc gia
Về quy định giờ làm việc bình thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định người lao động làm việc theo chế độ 44h/tuần. Một số ý kiến đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như hiện hành, tức là 48h làm việc mỗi tuần.
Chia sẻ về đề nghị giảm giờ làm việc xuống 44h mỗi tuần theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các doanh nghiệp đồng loạt cho rằng, đề xuất này cần được cân nhắc cẩn trọng, tránh khiến gia tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc quan ngại, việc rút ngắn thời gian làm việc bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng, khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Theo ông Lộc, đề xuất giảm giờ làm ở thời điểm hiện nay từ 48h/tuần xuống 44h/tuần là không phù hợp. Tính ra như vậy giảm đến 220h/năm. Cùng với đó, trần quy định giờ làm thêm không quá 400h/năm, đặc biệt tiền lương giờ làm thêm được tính theo lương luỹ tiến.
"Thủ tướng luôn nhắc, đất nước này muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì phải tăng trưởng trên 7% GDP. Các quốc gia là "con rồng châu Á" đã làm việc cật lực không kể thời gian. Do đó, thời điểm này, đất nước này đang dấn lên để tăng trưởng GDP, thì không thể giảm 4h làm/tuần", ông Lộc khẳng định.
Lấy ví dụ, ngay đến doanh nghiệp Nhật Bản còn cho biết không tuyển được lao động bù đắp do việc giảm giờ làm, Chủ tịch VCCI khẳng định: "Hạn chế hay bó buộc doanh nghiệp trong thời gian làm thêm hay tăng quá mức chi phí với thời gian làm thêm đó, lập tức sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành sử dụng nhiều lao động và ngành liên quan nông nghiệp nông thôn, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu, tức là ảnh hưởng tới GDP".
Chưa hết than thở về khó khăn của toàn ngành là khó tuyển và giữ lao động dệt may, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Cty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công lại thở dài về đề xuất giảm giờ làm xuống 44h/tuần/lao động theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ông Tuấn cho hay, nửa đầu năm 2019, cứ 100 lao động tại Thành Công thì có 14 người nghỉ việc. Con số này cao hơn 4 người so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Tuấn ước tính, bình quân cả năm, tỷ lệ nghỉ việc của Cty sẽ ở mức ít nhất 26% và tỷ lệ biến động này chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới.
"Xu thế chung của các nước trên thế giới giảm giờ làm để giảm áp lực cuộc sống cho người lao động, nhưng thực tế tại Việt Nam, chỉ mới thoát nghèo, năng suất, GDP bình quân cũng thấp..., nếu giảm giờ làm việc, đồng nghĩa tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp", ông Tuấn nói và nhấn mạnh, ngành dệt may Việt Nam đang có thêm cơ hội khi đơn hàng đặt từ Trung Quốc dần dịch chuyển sang nhà sản xuất Việt Nam, do đó, chi phí lao động là yếu tố rất quan trọng để đón nhận cơ hội này.
Các quốc gia cạnh tranh lao động với Việt Nam đều 48h/tuần
Chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN, phân tích: Lương tối thiểu và chi phí lao động của Việt Nam hiện đã cao hơn Bangladesh và Ấn Độ. Trong khi đó, các quốc gia này đều có thế mạnh về dệt may xuất khẩu. Nếu giảm giờ làm trong tuần, doanh nghiệp sẽ giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cũng cho hay, nếu giảm giờ làm, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đời sống của người lao động với "trần" giờ làm việc 44h/tuần sẽ khác với "trần" 48h.
Không đồng tình với việc giảm giờ làm trong tuần, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dẫn chứng một cách thuyết phục về việc Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, "thì không có lý do gì để Việt Nam phải cắt giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44h", bà Huyền nói.
Thêm nữa, bà Huyền thông tin: "Hiện nay, tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào đều là 48h/tuần".
Thông tin này cũng được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đồng thuận, ông cho biết, hầu hết các quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều quy định thời gian làm việc là 48h/tuần. "Với điều kiện nước ta hiện nay thì việc áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp", ông Lộc nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, ông Lộc nhấn mạnh, việc giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, gây chi phí doanh nghiệp tăng, "giảm sự cạnh tranh dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, và nhiều lao động sẽ mất việc làm", vị Chủ tịch VCCI quan ngại.
Chưa thích hợp để giảm giờ làm
Về thời gian làm việc bình thường theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nên giữ 48h/ tuần, chưa thích hợp để giảm giờ làm.
Ông Tiến cho hay, qua nghiên cứu báo cáo, và qua đánh giá tác động, đây là vấn đề được sự quan tâm của xã hội; tác động đến người sử dụng lao động, người lao động, và toàn xã hội.
Do đó, việc giảm giờ làm từ 48h xuống 44h/tuần theo ông Tiến, có tác động, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, và giảm giờ làm việc chưa thực sự phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, nhất là khi năng suất lao động của chúng ta chưa cao so với nhiều nước trong khu vực.
Vì vậy ông Tiến nhất trí đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, là làm việc không quá 48h/tuần, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động giảm giờ làm việc hàng tuần, quy định như Bộ Luật Lao động (sửa đổi) như vậy là phù hợp và chặt chẽ.
Tại Quốc hội, giải trình, làm rõ sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, liên quan đến thời gian làm việc bình thường, Ủy ban thường vụ quốc hội đã có báo cáo rất đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này.
Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, việc giảm giờ làm việc bình thường là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan, như người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, Nhà nước và cũng tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, "nên cần phải nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa cụ thể".
Theo Luật hiện hành, thời gian làm việc của chúng ta hiện nay là 48h/ tuần và trong luật cũng quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40h. Và theo báo cáo đánh giá, hiện nay có 89,6% doanh nghiệp đang thực hiện 48h; 3,6% doanh nghiệp thực hiện 44h; 6,8% doanh nghiệp thực hiện 40h.
Ngay như trong 10 nước ASEAN, có đến 8 nước làm việc 48h/tuần như Việt Nam, chỉ có hai nước thấp hơn là Singapore và Indonesia, thì trong đó Singapore có thu nhập bình quân đầu người năm 2018 gấp 12 lần Việt Nam.
"Chúng ta đang nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp mà theo các chuyên gia, nếu muốn không rơi vào bẫy này thì Việt Nam phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần phải có đánh giá kỹ lưỡng", Bộ trưởng nói và đề nghị với Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, "để đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc".