CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:12

"Giam 4 năm, xin lỗi 5 phút, người bị oan bật khóc ngay tại buổi lễ"

Đại biểu (ĐB)Nguyễn Thị Thủy nói, không phải cứ người bi oan có yêu cầu bồi thường mới tổ chức xin lỗi công khai. "Mặc dù các vụ án oan chiếm tỉ lệ rất ít trên tổng số các vụ án đã giải quyết song hậu quả gây ra là rất nghiêm trọng"- bà Thủy nói- "Ai trong chúng ta cảm thấy day dứt khi nhận được thông tin lại có thêm một người bị oan và cảm thấy không yên lòng khi công tác giải quyết bồi thường oan sai còn nhiều khúc mắc".
ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu thảo luận tại hội trường 

Theo ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, trong thời gian qua mặc dù số lượng vụ án oan xảy ra chiếm tỷ lệ rất ít so với số vụ án đã giải quyết, nhưng hậu quả gây ra rất nghiêm trọng. Dẫn chứng điều này, ĐB Thuỷ nêu, như vụ một công dân ở tỉnh Bắc Ninh mang án oan suốt 46 năm; ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận mang trên mình 2 bản án oan; ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang phải ngồi tù oan suốt 10 năm.

"Qua công tác giải quyết, tôi thấy mừng vì cảm nhận được thái độ tích cực và cầu thị của các cơ quan tố tụng" - ĐB Thủy chia sẻ.

Theo ĐB Thủy, phải tổ chức xin lỗi công khai người bị oan theo dự thảo Luật, xin lỗi công khai là một khâu nằm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường. Theo đó, nếu người bị oan có yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai mới diễn ra, còn người bị oan không yêu cầu bồi thường, thì việc xin lỗi công khai không diễn ra. Như vậy, cách đặt vấn đề của Dự thảo luật là chưa phù hợp.

"Bởi gốc vấn đề  là cơ quan Nhà nước đã làm oan cho người vô tội, còn người bị oan có yêu cầu bồi thường vật chất hay không là câu chuyện khác, nhưng việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là việc mà Nhà nước phải làm, không phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu", bà Thủy nêu quan điểm.

“Có trường hợp giam oan 4 năm nhưng thời gian tổ chức xin lỗi chỉ 5 phút, khiến cho người bị làm oan bật khóc ngay sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc buổi lễ”, bà Thủy dẫn chứng.

Cùng chung ý kiến với ĐB Thủy, một số ĐBQH khác cũng cho rằng như Dự thảo luật quy định, mọi khoản thiệt hại phải có yêu cầu của người bị oan Nhà nước mới bồi thường như liệt kê trong Dự thảo luật là không phù hợp, bởi có những thiệt hại liên quan đến giam oan, tù oan, tử hình oan. Mỗi ngày bị giam oan, tù oan được tính tương ứng bằng 5 ngày lương cơ sở, tức là 275 nghìn đồng, trường hơp tử hình oan được tính bằng 360 tháng lương cơ sở.

Cũng góp ý việc xin lỗi người bị oan, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị, cần quy định ngay trong Luật quy định chi tiết trình tự, thủ tục trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và mẫu văn bản xin lỗi để bảo đảm việc phục hồi danh dự được tiến hành đúng pháp luật, việc xin lỗi phải thực tâm, chân thành và cầu thị, góp phần xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải gánh chịu.

Về việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án, tránh oan sai, theo quy định của pháp luật quá trình giải quyết vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của các cơ quan khác nhau, như Tòa chưa thể xét xử khi chưa có cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, cũng như Viện kiểm sát chưa có thể truy tố khi chưa có kết quả của Cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, Dự thảo luật đang xử lý vấn đề này, khi xảy ra án oan không phải tất cả những cơ quan liên quan đến quá trình gây oan đó phải chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết bồi thường, chỉ có cơ quan làm oan cuối cùng trong quy trình tố tụng có trách nhiệm giải quyết bồi thường và xin lỗi người oan sai.

Dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh