THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:25

Giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch

Chia sẻ với Báo Công an nhân dân, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 25.160 công dân trong độ tuổi lao động trở về từ vùng dịch.

Trong đó, có 16.198 lao động có nhu cầu học nghề và vay vốn tạo việc làm; 9.791 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm; 1.431 lao động có nhu cầu học nghề; 342 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4.618 lao động có nhu cầu vay vốn…

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế đã làm cầu nối và trước mắt giải quyết hàng ngàn vị trí việc làm cho công dân trở về từ vùng có dịch. Trong đó, chủ yếu là làm việc trong lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông…

Giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch - Ảnh 1.

Ngành may mặc ở Thừa Thiên-Huế đã tuyển dụng hàng ngàn lao động trở về từ vùng dịch. (Ảnh: CANN).

Nhằm chia sẻ bài toán việc làm với chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ trong thời gian ngắn, có 34 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển dụng 7.669 lao động, tập trung các doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp như: Công ty May mặc Scavi Huế (tuyển 2.625 lao động); Công ty TNHH Công Nghệ Bảo Hộ Kanglongda Việt Nam (tuyển 852 lao động); Công ty CP Dệt May Phú Hòa An (tuyển 380 lao động); Chi Nhánh Huế- Công ty CP Vinatex Quốc Tế (tuyển 980 lao động); Công ty CP Dệt May Thiên An Phú (tuyển 1.125 lao động)…

Theo ông Đặng Hữu Phúc, sau khi khảo sát, nắm tâm tư nguyện vọng của lao động về từ vùng dịch, Sở LĐ-TB&XH đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ việc làm cho công dân từ vùng dịch về địa phương như tăng cường kết nối cung cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập.

Đồng thời, Sở phối hợp với ngân hàng hỗ trợ chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động; cập nhật các chương trình, chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Tương tự tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức đón hơn 6.500 người dân về quê an toàn. Từ giữa tháng 8 đến nay, tỉnh triển khai các giải pháp để bố trí việc làm, giúp người dân về từ các vùng dịch.

Chia sẻ trên VOV, gần 10 bôn ba mưu sinh ở TP.HCM, anh Nguyễn Phước Kỳ ở xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như vừa qua.

Dịch Covid-19 bùng phát, anh Kỳ và hơn 580 người dân Tam Kỳ đang sống, làm việc tại TP.HCM được tỉnh Quảng Nam đón về quê vào giữa tháng 7 vừa qua. Sau khi kết thúc thời gian cách ly theo quy định, Nguyễn Phước Kỳ được địa phương giới thiệu vào làm tại một cửa hàng mua bán và sửa chữa máy tính trên đường Hùng Vương, TP. Tam Kỳ.

Giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Phước Kỳ được TP. Tam Kỳ giới thiệu vào làm tại một cửa hàng sửa chữa máy tính. (ẢNh: VOV).

"Lần này em về là về luôn, kiếm một việc làm ổn định ở đây luôn. Cũng may mắn là được bên Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho em các hồ sơ, thủ tục và kết nối cho em có được việc làm. Em đã đi làm chính thức hơn 1 tuần rồi, em rất vui mừng", anh Kỳ cho biết.

Đến thời điểm này, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức đón hơn 580 người dân từ các vùng dịch trở về quê, trong đó 432 người về từ TP.HCM. Qua rà soát, thành phố Tam Kỳ đã nhận được thủ tục đăng ký việc làm của 59 trường hợp, bước đầu đã có 29 người dân đã được bố trí công việc phù hợp. Ông Nguyễn Hồng Lai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để giải quyết việc làm cho người về từ vùng dịch.

"Trước tiên là chúng tôi tiến hành rà soát các đối tượng, thuộc ngành nghề nào, lứa tuổi nào, phù hợp với công việc nào và nguyện vọng tìm kiếm việc làm như thế nào để chúng tôi có kế hoạch giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Qua đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để có công việc ổn định. Nếu người dân sau này có nguyện vọng vào lại TP.HCM thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện để họ quay trở lại đó làm việc", ông Lai nói.

Những kết quả ban đầu trong tìm kiếm giải pháp giúp đỡ người về từ vùng dịch ở tỉnh Quảng Nam vẫn còn khiêm tốn. Quảng Nam đã và đang nỗ lực tìm mọi cách giúp người dân trở về từ vùng dịch sớm ổn định cuộc sống. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, tỉnh đã tổ chức đón người dân từ vùng dịch về thì sẽ triển khai các giải pháp giúp bà con ổn định cuộc sống.

"Tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp, kể cả trong các nhà máy sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, trong sản xuất các sản phẩm OCOP và các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn. Nói chung là sẽ tạo điều kiện tối đa để bà con mình có thể tiếp cận công việc một cách thuận lợi nhất, bà con yên tâm để ở lại Quảng Nam nếu không muốn quay lại TP.HCM", ông Thanh nói.

XT (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh