THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:02

Giải quyết việc làm cho 1.566 người bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển

 

Tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh sau một chuyến đánh bắt trở về neo dậu trong cửa lạch


Để triển khai hiệu quả nội dung tại Quyết định12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngày  25/5/2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 160/KH- UBND về kế hoạch thực hiện đồng bộ các giải pháp khôi phục ngư trường; khuyến khích, động viên người dân tiếp tục ra khơi, bám biển; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức tốt công tác đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm ổn định tại các doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động; thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng biển thuộc các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh.

Theo đó, kế hoạch hỗ trợ cho các địa phương trên là trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho: 12.442 người. Trong đó: Đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn: 9.387 người (chiếm 75%); trung cấp: 2.226 người (chiếm 18%); cao đẳng: 826 người (chiếm 7%). Các ngành nghề đào tạo được chia ra cụ thể gồm: Vận hành tàu thuyền và kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản: 2.061 người; nuôi trồng thủy sản: 1.538 người; chăn nuôi, thú y, trồng trọt: 2.505 người; cơ khí, may mặc, sữa chữa điện, điện tử: 1.940 người; giao thông, xây dựng: 363 người; nhà hàng, khách sạn: 776 người; các ngành nghề khác: 3.259 người.

Đặc biệt, riêng thị xã Kỳ Anh, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cố môi trường biển tại miền Trung đã tích cực đi đầu trong các thực hiện nội dung trên. Tính cho tới nay thị xã Kỳ Anh đã đào tạo nghề cho 536 lao động; giải quyết việc làm trong nước cho 1.566 người; xuất khẩu lao động cho 1.836 người.

 

Chương trình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của Formosa


Ông Trần Quang Hạnh, Phó phòng LĐ-TB&XH thị xã Kỳ Anh cho biết: Hiện tại biên chế của Phòng LĐ-TB&XH thị xã Kỳ Anh chỉ có 5 người, trong lúc đó áp lực công công việc rất lớn nên trong những năm gần đây hầu như anh chị em trong phòng không biết đến thế nào là ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Trong chương trình khắc phục sự cố môi trường biển, Phòng đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức các hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động (XKLĐ); phối hợp với các xã phường tổ chức được 13 cuộc hội nghị về tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm và XKLĐ trên cơ sở giao chỉ tiêu cho xã, đồng thời chỉ đạo các xã đăng ký thời gian tổ chức hội nghị bình quân 1 tháng từ 2 đến 3 cuộc với sự tham gia của các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề tư tư vấn, đào tạo nghề. Phối hợp các công ty tuyển dụng lao động Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng và công ty Formosa Hà Tĩnh để nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, thông báo cho người lao động nắm bắt để lựa chọn.

Được biết giai đoạn đầu thực hiện chương trình rất khó khăn, bởi một bộ phận người dân thị xã Kỳ Anh chủ yếu trông chờ, ỷ lại nhà nước. Họ xem việc chuyển đổi nghề là bất đắc dĩ do Formosa gây ra nên nhà nước phải có trách nhiệm tạo kế sinh nhai cho họ. Nhưng sau đó, người dân đã dần dần nhận thức được việc học nghề kiếm việc làm là nhu cầu cuộc sống nên nhiều người đã tự tìm đến các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm để tìm kiếm cơ hội.

Hiện nay, thị xã Kỳ Anh đang xây dựng đề án hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm và XKLĐ cho xã Kỳ Nam, một trong những xã khó khăn nhất, bởi ngoài nghề đánh bắt nhỏ toàn bộ diện tích đất trồng lúa của xã đã được thu hồi giao cho Công ty Việt Anh để nuôi trồng thủy sản. Theo đề án, việc đào tạo nghề cho người lao động xã Kỳ Nam, được thị xã Kỳ Anh phối hợp với các công ty giải quyết đầu ra, đồng thời việc hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề 100%, Và ai có nhu cầu XKLĐ thì được hỗ trợ tiền đi lại ăn học, dự kiến khoảng 10 triệu đồng cho một lao động. Ngoài ra, đề án còn thực hiện hỗ trợ nhóm đối tượng từ 15 tuổi đến 39 tuổi, dự kiến mỗi người 15 triệu đồng…

Có thể nói, thị xã Kỳ Anh - nơi có số lượng người dân tham gia nghề đánh bắt và các hoạt động kinh doanh đến biển nhiều nhất Hà Tĩnh, lại là địa phương có nhiều khu công nghiệp trọng điểm đóng trên địa bàn. Sự cố môi trường biển miền Trung đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất tinh thần của người dân, nhưng nhờ quyết tâm cao từ Đảng bộ chính quyền, trong đó có vai trò của ngành LĐ-TB& XH và đặc biệt là người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, đến nay nhìn chung nền kinh tế xã hội địa phương đang tiến triển theo chiều hướng tích cực.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh