THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:03

Giải thoát khối u khổng lồ “đeo” trên mặt bệnh nhân hơn 40 năm

Sau hơn 40 năm “đeo” khối u khổng lồ trên mặt, mới đây, một bệnh nhân 67 tuổi đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 “giải thoát” khỏi khối u, trả lại khuôn mặt cân đối và phục hồi các chức năng bình thường vùng hàm mặt cho bệnh nhân.

TS.BS. Nguyễn Quang Đức, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình – Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, trường hợp hy hữu trên là ông N.Đ.C., 67 tuổi (ở xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, Nam Định), bị u men xương hàm dưới từ hơn 40 năm nay. Đây cũng là bệnh nhân có khối u men lớn nhất được chẩn đoán và điều trị tại Bệnh viện TƯQĐ 108. Được biết, trước đó, bệnh nhân này cũng đã được chẩn đoán và điều trị cắt một phần khối u tại bệnh viện địa phương nhưng không giải quyết được bệnh.

Bệnh nhân N.Đ.C. trước và sau khi phẫu thuật cắt u và tái tạo lại xương hàm dưới.

Bệnh nhân nhập viện tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện TƯQĐ 108 ngày 18/5 trong tình trạng khó thở, không nhai nuốt được, chỉ ăn được cháo và các chất dinh dưỡng lỏng. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định đây là một khối u lành tính nhưng vì quá to nên nếu không phẫu thuật cắt bỏ thì khối u sẽ gây chèn ép lớn vùng cổ và sàn miệng, gây ảnh hưởng chức năng hô hấp, bệnh nhân bị khó thở, biến dạng vùng hàm mặt, suy giảm chức năng ăn nhai, nói ngọng.

Hình ảnh khối u trên phim chụp trước và sau khi mổ.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân được tiến hành vào ngày 20/5, trong vòng 7 giờ, các bác sĩ đã cắt toàn bộ khối u và gần hết xương hàm dưới, đồng thời vi phẫu tạo hình lại xương hàm bằng vạt da xương mác tự do cho bệnh nhân. Quá trình gây mê và phẫu thuật cho bệnh nhân khá phức tạp, do khối u to gây chèn ép đường hô hấp trên, kỹ thuật đặt ống nội khí quản thông thường không thực hiện được. Các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản dưới hướng dẫn của nội soi ống mềm để gây mê cho bệnh nhân, thời gian gây mê mất khoảng hơn 1 giờ. Tiếp đó, các phẫu thuật viên chia thành 2 kíp đồng thời phẫu thuật cắt u và mổ lấy xương mác từ chân bệnh nhân. Kíp thứ nhất do TS.BS. Vũ Ngọc Lâm, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình phụ trách tiến hành mổ lấy toàn bộ khối u và gần hết xương hàm dưới cho bệnh nhân. Kíp thứ hai do TS.BS. Nguyễn Quang Đức phụ trách tiến hành lấy xương mác và mạch máu nuôi dưỡng ở chân bệnh nhân để chuẩn bị tạo hình xương hàm dưới ngay sau khi khối u được cắt bỏ. Trong quá trình phẫu thuật, do khối u to nên khi cắt, bệnh nhân bị chảy máu nhiều. Các bác sĩ gây mê phải kiểm soát bằng cách hạ huyết áp tối đa xuống dưới 75mmHg để giảm mất máu. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn phải truyền 1,5 lít hồng cầu và huyết tương tươi mới cân bằng được huyết động, đảm bảo cho cuộc mổ kéo dài. Ca phẫu thuật kết thúc thành công, khối u được lấy ra có kích thước 19x13x12cm.

Đến ngày 3/6, sau 16 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện trong tình trạng khỏe mạnh, các chỉ số bình thường. Trong đợt điều trị tiếp theo, bệnh nhân sẽ được phục hồi răng hàm dưới bằng cấy ghép implant để giúp bệnh nhân hoàn thiện chức năng ăn nhai, nói và thẩm mỹ.

Bệnh nhân C. chụp chung với TS. Lâm và TS. Đức trước khi ra viện.

TS.BS. Nguyễn Quang Đức cho biết, u men là khối u có nguồn gốc do răng, nằm trong nhóm các rối loạn phát triển phôi không giới hạn, yếu tố cơ bản của u là tế bào tạo men non. Nguyên nhân gây bệnh do những yếu tố kích thích chưa được biết, có thể xuất phát từ những tế bào biểu mô của cơ quan tạo men của lá răng, của những mảnh vụn tế bào biểu mô malassez của liên bào nang quanh thân răng hoặc có thể ở những tế bào đáy của lợi… 80% các trường hợp u men khu trú ở xương hàm dưới, hiếm gặp hơn ở xương hàm trên hoặc cả 2 xương hàm có thể cùng bị. Độ tuổi trung bình phát hiện ra u men thường khoảng 30 tuổi.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân thường không có dấu hiệu bệnh, tuy nhiên có thể nghĩ đến khi chụp Xquang phát hiện khối u lan rộng. Những người chậm mọc răng khôn hoặc răng hàm nhỏ cũng cần khám xét tỉ mỉ xương bao quanh để phát hiện hình ảnh nang đa buồng nhỏ. Giai đoạn tiếp theo, vùng mặt có khối u ngày càng sưng phồng, không đau, thường ở vùng góc hàm. Bề mặt u không đều, gồ ghề, có nơi cứng. Bờ xương ổ răng bị giãn rộng, răng có thể bị xô lệch do u, đi kèm với các dấu hiệu như đau răng, răng lung lay….Những khối u phát triển to sẽ gây chèn ép, đè đẩy vào vùng sàn miệng, vùng cổ ảnh hưởng đến các chức năng sống quan trọng như nhai, nuốt, nói, thở…

U men thể ác tính thường biểu hiện với khối u to nhanh, thậm chí xâm lấn vào nền sọ và có thể không phẫu thuật được. U men thể lành tính cũng có thể trở thành ác tính do thoái hóa sau những can thiệp bảo tồn liên tục, lặp lại nhiều lần hoặc điều trị tia xạ.

Việc điều trị u men dự phòng bằng theo dõi Xquang các răng ngầm, lấy bỏ hoàn toàn các thành nang và các túi quanh thân răng ngầm. Phẫu thuật triệt để bằng cắt toàn bộ u bảo tồn xương hàm hoặc cắt bỏ đoạn xương hàm mang khối u, tỉ lệ tái phát sau điều trị bảo tổn là khoảng 15%.

Được biết ở Việt Nam, kỹ thuật tạo hình xương bằng vạt xương mác tự do nhằm phục hình lại các biến dạng vùng hàm mặt ở những bệnh nhân có tổn khuyết lớn xương vùng hàm mặt sau phẫu thuật cắt những khối u lớn, bị hoại tử xương được thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện TƯQĐ 108 từ năm 1991 và càng phát triển hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bệnh viện đã thực hiện thành công cho gần 100 ca tạo hình lại xương hàm giúp bệnh nhân khôi phục lại hình dáng khuôn mặt, phục hồi các chức năng đã mất. Phần xương và da của bệnh nhân được sử dụng để tạo hình thường là da xương mác hoặc da xương mào chậu. Các phần tổ chức này được lấy kèm với mạch máu nuôi dưỡng chúng để đưa lên nối vi phẫu với các mạch máu vùng mặt. Những phần da và xương này có rất ít chức năng nên sau mổ gần như không để lại di chứng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động của bệnh nhân.

Báo Sức khỏe và Đời sống

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh