CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 09:25

Giải pháp thu hút người lao động trở lại trong bối cảnh đại dịch

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển). Qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường, mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách “giữ chân” người lao động nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do đó, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 nghìn người.

Theo Thứ trưởng Thanh, từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường như trước thời điểm diễn ra dịch COVID-19, dự kiến sẽ thiếu hụt lao động nhưng không ở mức trầm trọng. Song song với đó, Thành phố cũng cho phép mở lại các lĩnh vực dịch vụ thương mại phục vụ cá nhân, góp phần thu hút lao động làm việc trong khu vực phi chính thức quay trở lại hoạt động.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khẳng định nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết cần thực hiện các chế độ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người lao động để người lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm "giữ chân" lao động như: chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để "giữ chân" lao động…

Để duy trì việc làm phục hồi thị trường lao động, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng các ứng dụng thu thập thông tin cung - cầu lao động có kết nối với cơ sở dữ liệu chung của quốc gia như cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký thành lập doanh nghiệp và dữ liệu thuế để nắm bắt tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, tình trạng tham gia hoạt động kinh tế của người lao động, từ đó có các chính sách ứng phó kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động.

Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Đối với tỉnh, thành phố cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp cần có thông tin dữ liệu về việc làm như: ngành, nghề có nhu cầu lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương thu nhập… Còn các tỉnh có lực lượng lao động quay trở về cần nắm bắt thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, mức độ sẵn sàng quay trở lại làm việc cũng như các yêu cầu đối với công việc. 

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, để tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trong tình hình mới, tỉnh Bình Dương triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc. Cụ thể, tỉnh triển khai việc thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua website vieclambinhduong.vn, kết nối trực tuyến người sử dụng lao động với người lao động. Doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng và cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Về phía người lao động, chỉ cần có kết nối internet trên máy tính hoặc điện thoại… là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Vẫn theo ông Tuyên, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm online rất quan trọng. Bởi việc kết nối cung - cầu lao động không chỉ trong phạm vi tỉnh, mà kết nối với tất cả các tỉnh có nguồn lao động (thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh). Người lao động ở các tỉnh có nhu cầu tìm việc làm tại Bình Dương chỉ cần truy cập vào website sẽ được tiếp cận tất cả thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm; người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận, trao đổi các thông tin liên quan đến vị trí công việc cần tuyển dụng.

Nhấn mạnh các biện pháp hỗ trợ cần kịp thời hơn, ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh cho hay, khó khăn mà doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp phải là nguồn vốn, nguồn nhân lực. Doanh nghiệp không được tạo điều kiện lưu thông về con người và dòng tiền thì mọi hoạt động đều phải dừng lại. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần phải triển khai rất tích cực vì doanh nghiệp không còn thời gian để chờ đợi sau thời gian dịch bệnh quá lâu.

Còn TS. Võ Trí Thành cho rằng, để phục hồi kinh tế, có 4 “lát cắt” cơ bản. Thứ nhất, phòng, chống dịch và nâng cao năng lực y tế (cơ sở, trang thiết bị, ...). Thứ hai, bên cạnh những chính sách hỗ trợ chung, cũng cần xem xét những gói hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực dựa trên các tiêu chí lựa chọn: Các ngành ấy có mức độ thiệt hại như thế nào, mức độ đóng góp của ngành, lĩnh vực ấy, sức lan tỏa của ngành, lĩnh vực ấy khi phục hồi?... Thứ ba, về lao động (an sinh xã hội; nhà ở xã hội; nhà ở tư nhân), đào tạo lao động. Thứ tư, về hạ tầng: Kế hoạch 5 năm đã trình Quốc hội và được thông qua, mỗi năm 500 - 600 nghìn tỉ, đầu tư đường nối các khu công nghiệp với các trục đường chính; hạ tầng giáo dục, y tế; hạ tầng số; công nghiệp, công nghệ số…

PV
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh