THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:29

Giải pháp tạo sinh kế cho người mất việc làm vì Covid-19

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, các Sở, ngành của TP. Đà Nẵng đã giải quyết kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần tích cực hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề…  giúp người lao động sớm tìm được việc làm mới, để ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm chuyển sang tự tạo việc làm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm mới cho người lao động được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đà Nẵng xác định để giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho những lao động phi chính thức này cách tốt nhất, nhanh nhất vẫn là tạo “cần câu” chứ không “trao mẻ cá”. Các lớp đào tạo nghề các dự án sản xuất, dịch vụ kết nối cung - cầu lao động được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập và việc làm cho lao động địa phương. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng. Đồng thời, mở rộng các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín và chất lượng tổ chức hỗ trợ học nghề cho người lao động; tư vấn cho lao động thất nghiệp đủ điều kiện, sức khỏe, học vấn tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… giúp họ nhanh chóng tìm được việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng sẽ tăng cường kết nối, tiếp cận với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời việc tuyển dụng lao động, cung cấp thông tin để kết nối cung - cầu lao động, tư vấn cho người lao động về việc làm; nâng cao năng lực cho sàn giao dịch việc làm, mở rộng nhiều kênh cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối người lao động với doanh nghiệp.

Theo bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) cho biết: Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tìm việc làm ngay trên địa bàn huyện, trong tỉnh. Cùng với đó, sẽ tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, trong đó quan tâm đến người người lao động từ vùng dịch trở về địa phương. Bởi vì, phải có tay nghề thì người lao động mới có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các công ty, doanh nghiệp, các hợp tác xã. Theo đó chỉ đạo các xã, tăng cường rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, các gia đình có lao động từ vùng dịch trở về, để từ đó có căn cứ bố trí nguồn vốn vay, tạo việc làm cho bà con ngay tại quê hương mình.

Theo thống kê, hiện trên địa bản tỉnh Lào Cai vẫn còn gần 3.000 lao động trở về từ vùng dịch chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm cần ưu tiên giúp họ ổn định cuộc sống. Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai, Sở đã báo cáo với tỉnh xây dựng phương án điều tra, khảo sát toàn bộ lao động từ vùng dịch trở về, trên cơ sở đó phân loại ai có nhu cầu tìm việc làm tại chỗ, ai có nhu cầu học nghề để tìm kiếm việc làm mới. Từ đó, sẽ tiếp tục mở các lớp học nghề cũng như bố trí hỗ trợ bà con vay vốn phát triển sản xuất. Tỉnh phấn đấu, năm 2022, sẽ giải quyết tất cả nhu cầu người lao động vùng dịch trở về.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, để đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm và sinh kế cho người dân, các địa phương cần có sự kết nối doanh nghiệp và người lao động. Theo ông Huân, đến giai đoạn hiện nay, thị trường lao động của chúng ta đã phát triển kha khá. Cho nên nhu cầu kết nối rất đa dạng: Có thể là doanh nghiệp trực tiếp kết nối rồi thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, thông qua các trang web tuyển dụng linh hoạt. Cho nên, tôi nghĩ các địa phương phải nắm được nhu cầu khi người dân về quê, bộ phận nào họ muốn ở lại quê, họ xây dựng kinh tế ở đại phương. Còn bộ phận nào có thể tìm việc ở khu vực gần nhà. Còn bộ phận nào muốn quay lại thì chúng ta phải tìm cách kết nối với các tỉnh, thành phía Nam. Các doanh nghiệp phía Nam rất khát khao, mong muốn, mong chờ người lao động quay trở lại để chuỗi sản xuất hồi phục và không bị đứt gãy nữa.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Khóa 14 cho rằng, một trong những giải pháp tốt nhất là các chính sách khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành đầu tháng 7 vừa qua; đặc biệt là Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-CP, của Chính phủ đã rất quan tâm chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp và việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một bước đi đúng đắn của Chính phủ về mặt chủ trương, chính sách, và cần được khẩn trương triển khai vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

TS. Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận, nếu chính quyền các địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, nhất là việc chủ động xây dựng các kịch bản, dự báo trong cả dài hạn và ngằn hạn thì đó sẽ là cơ hội vừa để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo việc làm. Khắc phục những vấn đề tồn tại tiềm ẩn mang tính dài hạn ở cả phía cung lẫn phía cầu lao động, đặc biệt những tác động do dịch bệnh gây ra như hiện nay. “Để phục hồi và phát triển kinh tế, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động cần được theo dõi, đánh giá và có phương án xử lý thấu đáo, bảo đảm cơ sở vững chắc để nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất ngay khi dịch được khống chế. Ngoài những chính sách đã ban hành đang được thúc đẩy triển khai thực hiện, đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ thực hiện 3 trụ cột: y tế, kinh tế và xã hội, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thu hút nguồn lực tập trung bao phủ tiêm vaccine cho toàn dân và các giải pháp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn khôi phục phát triển”, TS. Bùi Sỹ Lợi kiến nghị.

PV
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh