THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 06:16

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Sinh viên Trường đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) thực hành nghiên cứu khoa học.


Băn khoăn chất lượng

Đánh giá về chất lượng đào tạo, phần lớn các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đều tỏ rõ sự băn khoăn do chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. GS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, chất lượng đào tạo hiện nay đang có phần đi xuống. Nguyên nhân do số lượng tuyển sinh so với năng lực đào tạo của các trường không cân đối. Nhiều cơ sở đào tạo trước đây chỉ có 20 sinh viên/lớp nhưng đến nay đã có 70-80 sinh viên/lớp thì khó có thể bảo đảm chất lượng. Thí dụ tại Trường ĐH Y dược Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), có lớp học hơn 50 sinh viên đi thực tập, khiến bệnh viện khó bố trí làm việc trong quá trình thực hành, thực tập do quá đông.

Trong khi đó, theo quy định, các trường phải thực hiện “ba công khai” nhưng hiện nay chỉ là hình thức, chứ không đi vào thực chất, cho nên xã hội khó có thể giám sát và chất lượng đào tạo còn thấp. Trong khi đó, GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, phần lớn các sinh viên giỏi khi tốt nghiệp được giữ ở lại trường làm đào tạo, nghiên cứu theo thầy, dẫn đến tính phản biện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học không cao, không rõ ràng. Trong khi đó, chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, trường nào cũng giống trường nào là không hợp lý, dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế.

Đáng chú ý, GS, TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, qua công tác kiểm định cho thấy nhiều bất cập trong bảo đảm chất lượng đào tạo hiện nay. Kết quả đánh giá của 20 trường ĐH “tốp trên” ở nước ta vẫn còn thiếu giảng viên so với quy mô đào tạo, còn tình trạng giảng viên chưa đạt chuẩn. Có những nhóm ngành tỷ số lên đến 50 sinh viên/giảng viên; trung bình số giảng viên chưa đạt chuẩn (chỉ có trình độ ĐH) chiếm khoảng 16%. Các điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng về diện tích trung bình của các trường chỉ bằng khoảng 10% diện tích các trường top 200 châu Á. Trong khi đó, hằng năm có khoảng 72 nghìn sinh viên không có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng là điều đáng lo ngại.

Nhìn nhận về chất lượng đào tạo hiện nay, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chất lượng giáo dục ĐH có những bước chuyển tích cực, một số trường, ngành có đột phá (chương trình tiên tiến, chất lượng cao). Tuy nhiên, xét theo yêu cầu và trong một số trường hợp thì chất lượng chưa theo kịp nhu cầu xã hội. Những bất cập, yếu kém trong đào tạo bộc lộ ngày càng rõ gây lo ngại, thậm chí bức xúc trong dư luận xã hội, cần có giải pháp bảo đảm, nâng cao chất lượng.

Năm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo

Phân tích nguyên nhân chất lượng giáo dục ĐH còn hạn chế, PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, chi phí cho đào tạo hiện nay còn thấp chính là một rào cản nâng cao chất lượng. Thực tế, chi phí đầu vào cao chưa chắc có chất lượng đào tạo cao, nhưng chi phí đầu vào thấp thì không thể có chất lượng cao được. Trong khi đó, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong nâng cao chất lượng đào tạo là trình độ đội ngũ giảng viên còn thấp khi mới có khoảng 19% có trình độ TS.

Mặt khác, cơ sở vật chất ở tất cả trường ĐH thuộc các loại hình đều chưa bảo đảm, thiếu phòng thí nghiệm. Thậm chí, có những cơ sở đào tạo thuê lại cơ sở bỏ không của một đơn vị nào đó để trở thành khu giảng đường thì khó có chất lượng tốt. Về tài chính, ở Việt Nam hiện nay chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao, như ở Mỹ khoảng 16 nghìn USD (trường công), 36 nghìn USD (trường tư). Như vậy, về điều kiện nguồn lực tài chính giúp nâng cao chất lượng trong đào tạo hiện nay khá bất cập.

Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, để nâng cao chất lượng đào tạo, ngành giáo dục sẽ triển khai năm giải pháp cụ thể. Thứ nhất, toàn ngành tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới các trường ĐH trên toàn quốc và yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định để nâng cao chất lượng đào tạo. Sau khi kiểm định, các trường có kế hoạch để tập trung nguồn lực nâng cao những vấn đề còn hạn chế, yếu kém, để hết năm 2017 hoàn thành kiểm định trong nước, từ năm 2018 đánh giá kiểm định theo tiêu chí AUN (các trường ĐH Đông - Nam Á).

Thứ hai, tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng gồm: Xây dựng đội ngũ giảng viên trên cơ sở bảo đảm chuẩn nghề nghiệp; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kiên quyết không để tình trạng một số trường thuê lại nhà kho, khu tập thể cải tạo thành giảng đường ĐH. Trong đào tạo, mỗi trường chọn khoảng 25% số ngành nghề đào tạo theo hướng chất lượng cao để có phương án thu học phí tương xứng chất lượng, bảo đảm minh bạch, công khai.

Thứ ba, đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ. Trong đó ngành giáo dục rà soát lại các ngành đào tạo để các trường tự chủ theo hướng bám sát chỉ đạo của Chính phủ và thị trường lao động, bám sát xu hướng cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư.

Thứ tư, Bộ GD và ĐT cùng các cơ sở đào tạo rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan GDĐH để có những tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách, bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thứ năm, toàn ngành đẩy mạnh vấn đề truyền thông xây dựng thương hiệu nhằm góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục ĐH ngày một vươn lên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh