CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:19

Giải pháp đồng bộ cho ngành điều Việt Nam phát triển bền vững

 

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững năm 2016, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12/5. Theo đó mục tiêu đến năm 2020, cả nước ổn định 300.000 ha điều, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sản lượng 450.000 tấn, 4 vùng trọng điểm tổng diện tích 200.000 ha ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 2 tấn/ha.

Toàn cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay ngành điều nước ta đang phát triển khá vững chắc, năng suất và hiệu quả điều tăng, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt, công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông được đẩy mạnh, nhiều mô hình mới được triển khai đã nâng cao nhận thức cho nông dân. Nhiều nông dân đã tích cực áp dụng quy trình thâm canh, tạo ra những mô hình trồng điều tốt, cho năng suất và hiệu quả cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, để thực hiện Quy hoạch phát triển điều bền vững trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất điều. Đối với những vườn điều còn trẻ, sinh trưởng khỏe, nên tiến hành ghép cải tạo để tận dụng gốc thân sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch. Còn những vườn điều ở xa, đã già, cây sinh trưởng kém có thể cân nhắc ghép cải tạo hoặc tiến hành tái canh theo phương thức cuốn chiếu để nông dân không bị hụt thu nhập.

Bên cạnh đó, việc đổi mới cây giống, trẻ hóa vườn cây bằng giải pháp tái canh, trồng mới bằng giống tốt cũng cần được chú trọng với điều kiện các giống mới đưa vào trồng phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống có uy tín. Cần chọn tạo giống điều mới thích hợp với từng vùng sinh thái, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thiết lập mạng lưới vườn đầu dòng, vườn nhân chồi và tổ chức sản xuất cung ứng giống từ các Viện, trung tâm nghiên cứu đến các công ty giống, doanh nghiệp tại các tỉnh trồng điều, đảm bảo sản xuất đủ, đúng và đảm bảo tiêu chuẩn giống theo quy định.

Đồng tình với các giải pháp trên, ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho rằng, hiện nay một trong những nhiệm vụ cấp bách và thiết thực nhất để nâng cao năng suất, chất lượng điều ở quy mô lớn trong thời gian ngắn chính là áp dụng kỹ thuật thâm canh điều tổng hợp, bao gồm: tỉa cành, tạo tán, bón phân và bảo vệ thực vật cho cây điều. Thực tế, các mô hình thâm canh điều tổng hợp đã áp dụng tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua đã giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế từ 20 – 60%, nhận được sự tin tưởng của nông dân.

Ông Khanh cũng đề nghị Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học công nghệ, đồng thời có những quan tâm đúng mức về chính sách, nhất là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân; quy hoạch vùng trồng điều thuộc diện quản lý theo lâm nghiệp, vùng quảng canh, vùng thâm canh để có chính sách đầu tư thỏa đáng.

Đề cập đến những thuận lợi và khó khăn về chế biến và xuất khẩu điều trong năm 2016 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng, việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có thể nói là tín hiệu vui đối với ngành chế biến và xuất khẩu nhân điều Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên để tận dụng triệt để những cơ hội từ các Hiệp định mang lại, ngành điều trong nước cần phải có những giải pháp đột phá nhằm gia tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước để các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu được hưởng lợi đầy đủ các chính sách ưu đãi, đặc biệt về thuế xuất, thuế nhập khẩu (0%).

Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều thực hiện các chương trình khuyến công, cải tiến công nghệ, thiết bị chế biến, góp phần nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị hàng xuất khẩu. Đồng thời quan tâm hỗ trợ nông dân trồng điều – 1 trong 2 đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành điều và cũng rất dễ bị tổn thương trong giai đoạn hội nhập sắp tới – bằng cách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích hình thành những cánh đồng sản xuất điều mẫu lớn có sự hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân trồng điều, với sự hỗ trợ của ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, diện tích điều của cả nước là 291.959 ha, giảm 3.269 ha so với năm 2014, tập trung phần lớn ở các tỉnh Đông Nam bộ (71,2%); năng suất bình quân là 12,1 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với năm 2014; sản lượng đạt trên 345.000 tấn, tương đương năm 2014; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2014. Bốn tháng đầu năm 2016, khối lượng nhân điều xuất khẩu của cả nước đạt gần 91.000 tấn, kim ngạch đạt 688,6 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Điều Việt Nam xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ lệ tương ứng là 30%, 25% và 15%./.

Lê Hoàng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh