Giai đoạn 2011- 2020: Nội dung bình đẳng giới được lồng ghép trong rất nhiều chiến lược, chính sách
- Tây Y
- 01:32 - 01/10/2020
Ngày 30/9, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tập trung thảo luận về Tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh điều hành Phiên họp.
Được triển khai khá đồng bộ
Cho biết tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011 - 2020, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân.
Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Nội dung bình đẳng giới đã được lồng ghép trong rất nhiều chiến lược, chương trình, chính sách đã ban hành trong 10 năm qua.
Các cấp, các ngành đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác bình đẳng giới. Các cơ quan chức năng đã chú trọng thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, nâng cao năng lực về bình đẳng giới từ cấp trung ương đến cấp cơ sở.
Đặc biệt, công tác thống kê số liệu có tách biệt giới tính đã được quan tâm triển khai.
Trên cơ sở tổng hợp các số liệu của các Bộ, ngành và địa phương, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược trong năm 2019 và ước thực hiện của giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nêu, có 04/22 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra.
Bao gồm: Tỷ số giới tính khi sinh giảm xuống 111,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca trên 100.000 trẻ đẻ sống; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc HIV năm 2019 đạt 52%; Tỷ số phá thai của toàn quốc là 13,8/100 trẻ đẻ sống.
Đáng chú ý, trong các chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, có tỷ lệ lao động nữ có việc làm tính đến hết quý III/2019 đạt 47,7% và quý II/2020 đạt 47,04%;
100% hồ sơ đề nghị vay vốn của phụ nữ thuộc vùng nông thôn nghèo, dân tộc thiểu số thuộc đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội và đủ điều kiện vay vốn đều được đáp ứng đủ nhu cầu vay và giải ngân kịp thời…
Thiết kế các mục tiêu, chỉ tiêu 2021 - 2030 cụ thể, rõ ràng
Về định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, trên cơ sở rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011-2020 và trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có tác động tới lĩnh vực bình đẳng giới, Bộ Lao động – TB&XH đang chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó xác định các lĩnh vực cần tiếp tục ưu tiên giải quyết nhằm thu hẹp khoảng cách giới, bao gồm các lĩnh vực: giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học; kinh tế, lao động, việc làm; y tế; chính trị; trong đời sống gia đình; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới và quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Từ thực tiễn kinh nghiệm triển khai Chiến lược 2011-2020, việc thiết kế các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược 2021-2030 phải cụ thể, rõ ràng về khái niệm, đo lường được và có thể đạt được trong một thời hạn nhất định.
"Ngoài ra, nhằm đảm bảo việc phân bổ kinh phí thích đáng để thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công, cần thiết có một dự án riêng về "Thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo"" Thứ trưởng nói.
Để mục tiêu BĐG đạt tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế
Cũng tại Phiên họp, đa số các đại biểu đánh giá cao công tác bình đẳng giới trong thời gian qua.
Đề cập đến nội dung trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng: tạm thời giai đoạn tói vẫn cứ để 22 chỉ tiêu về bình đẳng giới để các địa phương thực hiện và phấn đấu đạt được, nhưng cũng phải đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu mang tính đột phá để các thực hiện.
Đồng thuận với quan điểm trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến: Khi các Bộ ngành, địa phương đưa ra những chỉ tiêu bình đẳng giới thì phải lượng hóa được cái nào thực hiện được hay không, cũng như cần ưu tiên những mục tiêu có thể thực hiện được.
Đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, tại Phiên họp, các đại biểu, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đóng góp vào việc cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới tới các tầng lớp nhân dân, đề cao quyền lực của phụ nữ trong gia đình và xã hội, kêu gọi nam giới chia sẻ với phụ nữ và tham gia vào các công việc trong gia đình, chăm sóc con...
Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ủy viên, đại biểu và cho rằng, đây là những ý kiến sát thực, tâm huyết để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới hiệu quả hơn, đạt được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế đề ra.