Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
- Tây Y
- 00:44 - 01/10/2020
Đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn cùng các thành viên đoàn là đại diện các Bộ/ngành, cơ quan phụ trách các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành trong APEC đã tham dự Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.
Đại dịch covid -19 tạo ra những thách thức trong thực hiện bình đẳng giới
Diễn đàn là sự kiện cấp Bộ trưởng được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ hợp tác APEC về phụ nữ và kinh tế. Tham dự diễn đàn, các đại biểu cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu bị thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chủ đề này càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa đối với tất cả các nền kinh tế. Diễn đàn đã nghe Chủ tịch Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế và Chủ tịch Nhóm công tác về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC trình bày báo cáo kết quả hoạt động của các Nhóm. Các thành viên APEC cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội vốn đã tồn tại từ trước; gia tăng phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái ở các bối cảnh khác nhau phải đối mặt như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị đóng cửa trên diện rộng...
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Datuk Seri Rina Mohd Harun, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Ma-lai-xi-a nhấn mạnh: Việc trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế rất quan trọng. Đây cũng chính là một trong những nội dung để chúng ta có thể tăng cường, thúc đẩy việc hồi phục nền kinh tế trong bối cảnh mới một cách hiệu quả. Qua đó, có thể giải quyết một cách căn bản những yêu cầu, những nhu cầu cũng như có thể hỗ trợ một cách căn bản, hiệu quả cho những phụ nữ đang ở trong phòng chống dịch. "Vì vậy, nền tảng trong việc xây dựng chính sách này hôm nay thực sự là một hành động chung, tập thể của các nền kinh tế, để chúng ta có thể huy động, tiếp cận được các nguồn lực dành cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bình đẳng, thịnh vượng cho tất cả mọi người"- bà Datuk Seri Rina Mohd Harun nhấn mạnh.
Việt Nam triển khai các giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng do đại dịch
Thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà –Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cho biết, cũng như nhiều nền kinh tế khác, đại dịch covid -19 đã và đang đe dọa những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam. Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, đặc biệt việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa và kiểm soát và kiểm soát dịch bệnh dường như là chất xúc tác cho thấy rõ hơn sự khác biệt về phụ nữ và nam giới ở cả trong gia đình và ngoài xã hội. Rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng nặng. Tỷ lệ lớn phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức và những lĩnh vực không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao bị giảm thu nhập, mất việc làm. Phụ nữ và trẻ em gái càng trở lên yếu thế hơn và dễ bị tổn thương trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
"Trước tình hình đó, Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để trợ giúp khoảng 20 triệu người nhằm chia sẻ với người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch ở giai đoạn 1. Trong đó phụ nữ và các thành viên trong gia đình họ là những đối tượng được quan tâm hỗ trợ. Hiện tại một gói hỗ trợ thứ 2 đang tiếp tục được đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, đồng thời hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn về mặt xã hội tạo điều kiện đào tạo và đào tạo lại cho người lao động. Để ứng phó với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một loạt biện pháp cũng được tiến hành như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ các đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái tại các khu cách ly, cơ sở bảo trợ xã hội…" Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết..
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng kêu gọi tiếp tục thúc đẩy hợp tác công – tư trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đề xuất các dự án, ý tưởng về lồng ghép giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của APEC; xem xét sớm thành lập Mạng lưới nữ doanh nhân APEC.
Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các nỗ lực phục hồi kinh tế, bằng cách tạo ra các cơ hội, phát huy hơn nữa tiềm năng của họ, xóa bỏ các rào cản và hướng tới sự phục hồi nhanh chóng, bao trùm và bền vững. Các đại biểu dự diễn đàn cũng chia sẻ, đề xuất các chiến lược cần ưu tiên nhằm thúc đẩy việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ nhằm góp phần phục hồi kinh tế trước mắt cũng như hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Các ý kiến, quan điểm của Việt Nam cũng như của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC đã được phản ánh trong bản Tuyên bố chung được thông qua sau phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn. Tuyên bố chung thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của cả khu vực trong công cuộc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm hướng tới một tương lai kiên cường, thịnh vượng. Tuyên bố của Diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC vào cuối năm 2020.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện New Zealand đã trình bày kế hoạch tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cho biết sẽ tiếp tục gặp nhau tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021 do New Zealand chủ trì để chia sẻ về kết quả thực hiện các cam kết đã đề ra.