15.000 trẻ em được nhận làm con nuôi
- Y học 360
- 18:58 - 17/03/2016
Số trẻ được nhận làm con nuôi ở nước ngoài giảm
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trên toàn quốc hiện có đến 21.000 trẻ em đang sống tại gần 400 cơ sở trợ giúp xã hội công và ngoài công lập, trong số đó nhiều trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, tàn tật bẩm sinh… cần được nhận làm con nuôi để các em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình. Số lượng trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng được cho làm con nuôi trong nước và nước ngoài còn quá ít so với số lượng trẻ em cần có gia đình thay thế. Con số 13.000 trẻ được nhận làm con nuôi trong nước chủ yếu thuộc diện có quan hệ họ hàng.
Cục trưởng Cục Con nuôi, bà Nguyễn Thị Hảo cho biết, thống kê chưa đầy đủ, số lượng trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội được nhận làm con nuôi trong nước còn hạn chế. Đặc biệt, khi pháp luật quy định chỉ có cơ sở trợ giúp xã hội được UBND cấp tỉnh chỉ định, thì mới được cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Quy định này dẫn đến có sự phân biệt đối tượng trẻ em ở các cơ sở nuôi dưỡng; vô hình chung làm mất cơ hội trẻ em tìm được gia đình thay thế trong nước và nước ngoài. “Sau khi nhu cầu nhận nuôi con nuôi ở nước ta có chiều hướng gia tăng, việc nhận nuôi con nuôi nước ngoài cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều người không thể thực hiện được mong ước rất chính đáng đó của mình”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, và cho biết thêm, nhờ sự khơi thông của các Bộ: LĐ-TB&XH, Tư pháp, và sự vào cuộc của các địa phương, các cơ sở trợ giúp xã hội… cùng tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo luật, theo quy định của Chính phủ, nên gần đây có chuyển biến, gia tăng.
Trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đến nay mới chỉ có 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 71/400 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc con nuôi quốc tế. Trong số 2.000 trẻ được giải quyết làm con nuôi nước ngoài trong 5 năm qua, có gần 65% trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng được cho làm con nuôi. Đáng lưu ý, số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi nước ngoài so với những năm trước đó giảm rõ rệt.
Hướng tới giảm trẻ em ở các trung tâm bảo trợ
Theo đánh giá tác động sơ bộ 3 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi, tính trung bình chỉ có 5 trẻ em/tỉnh/thành phố được thông báo tìm gia đình thay thế trong nước. Điều này không phù hợp với thực tế, vì hiện nay còn nhiều trẻ em bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt sống tại cộng đồng, cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập chưa tìm được gia đình thay thế. Đơn cử như ở Vĩnh Phúc, giai đoạn 2011- 2015, tỉnh triển khai đến 137 xã, phường, thị trấn, công tác đăng ký nuôi con nuôi thực tế được chia làm 5 giai đoạn. Đến hết 2014, trên toàn địa bàn đã thực hiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế cho 62 trường hợp. Đây là con số quá khiêm tốn so với nhu cầu của số trẻ em cần gia đình thay thế.
Theo Bộ Tư pháp, với công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, những địa phương tham gia tích cực là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Bình Dương, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp... Một số địa phương không lập danh sách trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng cần tìm gia đình thay thế, không chỉ định cơ sở trợ giúp xã hội đủ điều kiện cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, gây thiệt thòi cho các em. Vì vậy hai Bộ: LĐ-TB&XH và Tư pháp đã phối hợp xây dựng, ký kết quy chế “Phối hợp trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội”. Đây là động thái cần thiết và ý nghĩa, nhằm thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương tích cực hơn nữa trong việc giải quyết kịp thời, tối đa việc cho con nuôi theo đúng quy định của pháp luật và điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam là thành viên.
Có nhiều giải pháp được hai Bộ LĐ-TB&XH và Tư pháp thực hiện bằng những nội dung cụ thể ghi trong quy chế. Trong đó, chú trọng việc đôn đốc các địa phương, các cơ sở lập danh sách trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế, hướng tới giảm số trẻ ở các trung tâm bảo trợ. “Điều này xuất phát từ thực tế, vẫn còn một số địa phương, cơ sở chưa thực sự lập danh sách trẻ được giới thiệu làm con nuôi. Bộ Tư pháp chỉ có thể giải quyết việc nuôi con nuôi trên cơ sở danh sách trẻ em có nhu cầu cần gia đình thay thế do cơ sở trợ giúp xã hội cấp, gửi lên Bộ Tư pháp sau khi có ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH”, bà Hảo cho biết.
Trong công tác giải quyết nuôi con nuôi quốc tế, chủ yếu các tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam cùng tham gia. Cho đến nay, có 37 tổ chức con nuôi nước ngoài của Pháp, Ý, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Luxembourg, Bỉ, Na Uy, Hoa Kỳ được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Các tổ chức này cũng góp phần đáng kể trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở các cơ sở trợ giúp xã hội. |