THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Giai điệu tự hào tái hiện 7 ca khúc Nga – Việt

Suốt 70 năm qua, hai dân tộc Việt - Nga vẫn là những người bạn chung thủy, ân tình. Trong tình tự ấy, âm nhạc đã trở thành cầu nối giữa nền văn hóa của hai nước. Lắng nghe ca khúc Nga – Xô Viết, công chúng có thể hình dung rõ nét về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tâm hồn Nga đa cảm, nhân hậu, bao dung, vị tha và cả số phận những con người. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những “Cây thùy dương” đã ngả đầu vào lũy tre Việt để cảm thông và chia sẻ.

Các NSND: Trần Hiếu, Trung Kiên, Quang Thọ với ca khúc “Chiều hải cảng”.

Lấy tiêu đề “Thời thanh niên sôi nổi”, tên ca khúc của nữ nhạc sĩ Aleksandra Pakhmutova, lời thơ L. Oshanin làm chủ đề cho số phát sóng tháng 9, Giai điệu Tự hào muốn khắc họa những mẫu số chung về vẻ đẹp tâm hồn, lý tưởng sống của các thế hệ thanh niên hai nước. Giám đốc ý tưởng Phan Huyền Thư chia sẻ: “Âm nhạc Nga gắn liền với rất nhiều giai đoạn lịch sử của Việt Nam, từ thời chiến, hậu chiến và cả khi nước ta mở cửa. Nói đến ca khúc Nga, từ những em bé cũng có thể hát vang “Nụ cười”, “Ở trường cô dạy em thế”, thanh niên chẳng ai không yêu “Triệu đóa hồng”...

Nhưng nếu để lựa chọn ca khúc được cho là tài sản quốc gia, thì chương trình chọn các ca khúc có độ lùi về thời gian nhất định. 7 tác phẩm được giới thiệu trong chương trình cũng chính là 7 điểm tựa tinh thần của rất nhiều người lính Việt Nam đi qua hai cuộc chiến. Họ phổ lời Việt cho những giai điệu ấy, chép chúng trong cuốn sổ tay, hát vang trên mỗi bước đường hành quân và ngã xuống vì lý tưởng sống cao đẹp.

Đó là lý do Giai điệu Tự hào tháng 9/2015 dành trọn thời lượng phát sóng để ôn lại những ký ức Nga một thời” như: “Chiều hải cảng”  (NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu , NSND Quang Thọ biểu diễn), “Đôi bờ” (Bảo Yến), “Chim họa mi đừng hót” (NSND Trung Kiên), “Cây thùy dương” (Hợp xướng Ngày mới), “Thời thanh niên sôi nổi” (nhóm Dòng thời gian – Hợp xướng), “Giờ này anh về đâu”, NSND Quang Thọ và ca sĩ Quang Tú; “Chiều ngoại ô Mát xcơ va” (Phúc Tiệp – Phương Uyên). Với các thế hệ người Việt Nam từng học tập và công tác tại Liên Xô (cũ) và với những ai đã trót yêu nền văn hóa Xô Viết, các ca khúc này chẳng hề xa lạ.

Không giống những số phát sóng trước, Giai điệu tự hào lần này không tập trung vào việc làm mới, phá cách các ca khúc. Màu sắc truyền thống, cốt cách, linh hồn của những giai điệu quen thuộc vẫn được giữ nguyên trong cách phối khí và thể hiện. Yếu tố kỷ niệm mới chính là điểm đặc sắc nhất ê kíp sáng tạo muốn hướng tới trong số phát sóng lần này.

“Các ca khúc Nga tuy ngắn, mỗi ca khúc dài nhất cũng chỉ vỏn vẹn 2-3 phút nhưng lại mô phạm và vô cùng minh triết, bởi các tác giả Nga đều là những tên tuổi lớn từ cái nôi âm nhạc chuyên nghiệp vào bậc nhất châu Âu. Việc làm mới các ca khúc này có vẻ như hơi dư thừa vì chỉ cần những giai điệu ấy cất lên thì cả một bầu trời kỷ niệm sẽ ùa về”, giám đốc âm nhạc Thanh Phương cho biết.

Hóa thân thành 3 người lính hải quân Nga, ngồi bên bến cảng, nhớ về một thời tuổi trẻ hào hùng, 3 cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên thể hiện rất thành công ca khúc “Chiều hải cảng” - một trong những bài hát trữ tình được người Việt Nam yêu thích nhất trong những năm chiến tranh Vệ quốc. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, những trải nghiệm sâu sắc về đất nước, con người Xô Viết, ba nghệ sĩ đã thành công trong việc truyền tải tình cảm tinh tế nhất của con người, tình yêu trong sáng của tuổi thanh xuân... trong ca khúc.

Hai cha con nghệ sĩ Quang Thọ - Quang Tú khiến rất nhiều khán giả tại trường quay rơi lệ khi thể hiện ca khúc “Giờ này anh về đâu”. Được sáng tác năm 1947, ca khúc nói về số phận những người lính sau chiến tranh, dù hòa bình đã được lập lại nhưng người lính biết đi đâu, sống thế nào khi quê hương anh đã bị tàn phá, Vợ con – gia đình anh đã hy sinh hết cả. 10 máy tạo tuyết trường quay cũng được mang tới sân khấu để tái hiện cả trời đông Matcơva. Ánh sáng xanh trên nền tuyết trắng, âm nhạc dồn dập vui tươi... tất cả đã khiến phần biểu diễn ca khúc chủ đề “Thời thanh niên sôi nổi” đẹp đến sửng sốt. Trên nền tuyết trắng, những người lính đầu đội mũ sắt, mặt mũi lấm lem vẫn hát vang khúc ca về tuổi trẻ. Đằng sau lời kêu gọi những người trẻ lên đường cống hiến và lao động ấy, người ta còn có thể nghe được cả nỗi buồn rất người, những nuối tiếc, hờn giận, thất vọng - những nỗi niềm mềm yếu không tránh khỏi, nhưng trong sáng và không bi lụy. Mẫu số chung về con người trong cuộc chiến của Liên Xô (cũ) và Việt Nam là một lý giải rõ ràng nhất về câu hỏi: Tại sao chúng ta lại yêu thích các ca khúc Nga đến như thế?

THIÊN HƯỚNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh