Giai điệu tự hào 2016: Hành trình mới, cảm xúc mới
- Văn hóa - Giải trí
- 20:04 - 26/05/2016
Theo ông Phạm Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, hai năm qua, chương trình Giai điệu tự hào đã góp phần mang đến nhận thức mới cho nhiều người yêu nhạc Việt Nam, thu hút sự quan tâm của rất nhiều khán giả và để lại dư âm mạnh mẽ. Sau một thời gian tạm ngừng để thay đổi format nhưng vẫn kế thừa những nét độc đáo, sáng tạo của 2 mùa trước, năm nay Giai điệu tự hào bước sang một chặng đường mới, do Ban Thanh, Thiếu niên (Đài Truyền hình Việt Nam) trực tiếp sản xuất. Chương trình sẽ tiếp tục giới thiệu những ca khúc nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam và những câu chuyện gắn bó với các thế hệ yêu nhạc.
E kíp thực hiện chương trình Giai điệu tự hào 2016
Đặc biệt, trong lần trở lại này, Giai điệu tự hào được dẫn dắt bởi nhà báo Lại Văn Sâm và nhà báo Diễm Quỳnh, hai gương mặt người dẫn chương trình được nhiều khán giả yêu mến. Nhiều năm sau khi đứng chung sân khấu trong vai trò làm MC, họ lại có dịp tái hợp ở chương trình này để cùng kết nối khán giả đến với những cung bậc cảm xúc rất riêng của Giai điệu tự hào. Nhà sản xuất Đặng Diễm Quỳnh cho biết, điều mà ê-kip hướng tới đó là bằng những thủ pháp báo chí, bằng kĩ năng tác nghiệp hình ảnh của truyền hình sẽ đưa được nhiều câu chuyện còn ẩn sau mỗi bài hát nổi tiếng. Song song với phần biểu diễn trên sân khấu là những cuộc “trò chuyện” chia sẻ kỷ niệm và cảm xúc. Còn nhà báo Lại Văn Sâm cho biết, hội đồng bình luận trẻ và lớn tuổi sẽ cùng ngồi chung, không còn khoảng cách thế hệ. Bởi theo anh, âm nhạc là không có tuổi. Khi chúng ta có tình yêu và niềm tự hào chung về những ca khúc Việt Nam, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói và sự đồng cảm. Thông qua những cuộc trò chuyện như vậy, khán giả sẽ hiểu được nhiều thông tin hơn phía sau bài hát, hiểu được “cuộc đời” của mỗi bài hát mình được nghe.
Giai điệu tự hào mang lại cho công chúng yêu nhạc nhiều cảm xúc
Lấy cảm hứng từ câu chuyện tình bạn của hai tác giả tân nhạc lớn của Việt Nam, những người thực hiện chương trình “Giai điệu tự hào” quyết định chọn “Khởi hành” làm chủ đề của số phát sóng đầu tiên – một góc nhỏ để ngợi ca những tuyệt phẩm của hai nhạc sĩ gạo cội, cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam. Đó sẽ là một câu chuyện âm nhạc đầy cảm xúc, câu chuyện cuộc đời của 2 nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê âm nhạc, nỗi lòng với quê hương, đất nước. Khi chọn làm chủ đề của số phát sóng đầu tiên, “Giai điệu tự hào” muốn tái dựng lại hai biểu tượng âm nhạc lớn của Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước kéo dài đến những năm 1950, từ những ca khúc như: “Buồn tàn thu”; “Đàn chim Việt”; “Bến xuân”; “Tiến Quân ca”, một bài hát gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 lịch sử đến một phần âm nhạc của Phạm Duy sau khi rời miền Bắc như: “Tình ca”; “Anh sẽ đưa em về”...
Giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Phương sẽ giới thiệu tới khán giả những bản phối mới. Anh chia sẻ rằng mình thấy đồng cảm với ê-kip ở cách kể chuyện nên khi bắt tay vào làm nhạc, những ca khúc tưởng như đã quá quen thuộc cũng mang đến cho anh thật nhiều cảm xúc. Trong số những bài hát của số đầu tiên, anh đặc biệt yêu thích bản phối “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy. Ở đây, anh muốn nhấn mạnh đến âm hưởng dân ca Nam Trung bộ. Nhạc sĩ Thanh Phương tâm sự: “Khi phối lại ca khúc này, tôi mường tượng ra hình ảnh nhạc sĩ Phạm Duy đang ở miền Nam, ông nhớ đến quê nhà, nhớ đến giọng nói của quê hương nên ngôn ngữ âm nhạc của ông lúc này mang nhiều âm hưởng Nam hơn thường lệ.”
“Trường ca sông Lô” – một tác phẩm kinh điển của nhạc sĩ Văn Cao cũng là một tác phẩm được nhạc sĩ Thanh Phương khá hài lòng khi phối lại. Theo anh, đây là một ca khúc mà chỉ có giao hưởng mới có thể chuyển tải được hết cái hùng tráng, cái tầm của bài hát. “Bởi nó như một cuốn tiểu thuyết lớn bằng âm nhạc” – nhạc sĩ Thanh Phương chia sẻ. Qua sự thể hiện vừa đầy chất kỹ thuật lại vừa cảm xúc của ca sĩ Trọng Tấn, bài hát hứa hẹn sẽ làm hài lòng cả những khán giả khó tính nhất.
“Giai điệu tự hào” được định hình là chương trình không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả để mỗi người có quyền nói lên quan điểm của mình về những vấn đề mang tính xã hội cũng như thời đại. Họ thích hay không thích, nghe ca khúc họ nghĩ gì về cuộc sống ngày nay. Ca khúc được khán giả truyền hình yêu thích nhất sẽ được công bố vào số phát sóng tiếp theo và sẽ xuất hiện trong chương trình Gala “Giai điệu tự hào”.
Giai điệu tự hào được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format chương trình truyền hình Báu vật quốc gia - chương trình nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm (từ năm 2009 - 2013) của lịch sử truyền hình Nga. Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét qua các tiết mục trong chương trình. Ý tưởng mang chương trình về Việt Nam bắt nguồn từ chuyến công tác tại Nga của ông Trần Bình Minh – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Vào tháng 9/2013, đại diện lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đến trực tiếp trường quay Red Square tại Moscow để khảo sát. Đến tháng 10/2013, quá trình mua format được hoàn tất, dự án được chính thức khởi động. Sau 2 năm phát sóng, Giai điệu tự hào đã trở thành một dấu ấn đáng nhớ không chỉ đối với công chúng mà còn đối với đời sống nghệ thuật của Việt Nam. Hơn 200 ca khúc kinh điển đã được chọn lọc kỹ lưỡng theo từng chủ đề, được phối lại một cách mới mẻ và mang hơi thở của thời đại để vừa gợi lại những ký ức của các thế hệ đi trước, vừa chạm tới trái tim của những người trẻ tuổi.
|