Giải bài toán nhân lực ngành du lịch
- Bài thuốc hay
- 18:07 - 12/04/2022
Chấp nhận tuyển lao động chưa có kinh nghiệm, đào tạo tại chỗ miễn phí
Ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện chủ đầu tư khách sạn 5 sao De L’Opera Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi chỉ có 60% nhân lực, thiếu 40% so với trước đại dịch. Ông cho biết thời gian qua vắng khách, nhân sự thiếu việc làm, thu nhập giảm. Trước Covid-19 (tháng 2/2020), thu nhập bình quân của nhân lực tại khách sạn L'Opera Hanoi đạt 100% lương hợp đồng lao động cộng phí dịch vụ, còn hiện tại, mức thu nhập này chỉ đạt 35-45%... và rất khó tuyển dụng.
Cùng nỗi lo trên, ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết đang cần tuyển thêm 15% nhân sự để phục vụ hoạt động của công ty khi thị trường du lịch đang sôi động trở lại, nhưng gặp khó khăn. Ông nhận định việc tuyển lao động có kinh nghiệm không dễ, nên hiện công ty chấp nhận tuyển mới và đào tạo tại chỗ từ đầu.
Sang đầu tháng 4, lượng khách đặt tour kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 bắt đầu tăng mạnh nên nhu cầu nhân lực cũng tăng cao, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Giám đốc công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc cho biết: “Công ty chúng tôi đã đi vào hoạt động bình thường trở lại nhưng một số lao động đã chuyển đổi nghề khác nên công ty đang thiếu rất nhiều nhân sự ở các vị trí khác nhau. Kế hoạch đặt ra là tuyển đủ 100% nhân sự trước ngày 30/8/2022 tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ tuyển mới được 50% nhân sự.
Chúng tôi thay đổi chính sách tuyển dụng, không phải tuyển những nhân sự có kinh nghiệm, kỹ năng mà chúng tôi tuyển nhân sự chưa có kinh nghiệm và chấp nhận đào tạo. Chúng tôi có thể tuyển dụng các bạn sinh viên năm 3-4, và sẵn sàng đào tạo những chuyên đề chuyên sâu, kỹ năng cũng như các nghiệp vụ khác... những chương trình này kéo dài từ 10-30 buổi, trong vòng từ 2 - 3 tháng. Sau khi qua những lớp đào tạo này, nhân sự mới hoàn toàn có thể về công ty làm sale hay làm điều hành hoặc ở các vị trí khác ở trong công ty”.
Đưa ra phương án tạm thời tuyển dụng sinh viên, ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travel & Events TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện công ty đang thiếu khoảng 40% nguồn nhân lực, vì vậy phương án tạm thời của chúng tôi là tuyển dụng những bạn sinh viên mới ra trường. Nhưng cũng có nhiều bạn dù chưa tốt nghiệp nhưng không muốn theo ngành này. Chúng tôi đang cố gắng tạo mọi điều kiện để các bạn thêm yêu thích ngành bằng cách tổ chức các lớp học trực tuyến online, cho các bạn sinh viên được kiến tập, thực tập ngay tại công ty, mọi khoá đào tạo đều miễn phí.
Đồng quan điểm, bà Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel cho biết, trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành là tái cấu trúc toàn bộ hệ thống – sản phẩm – nhân sự nhằm mục tiêu thích ứng với thị trường khách đang có nhiều thay đổi và biến động. Vietravel xem đây là điều kiện tiên quyết khi tái khởi động trở lại sau thời kỳ “ngủ đông”.
“Hiện tại, Vietravel cũng thiếu một số lượng nguồn nhân lực ở các vị trí. Vì vậy, chúng tôi đang nhanh chóng kêu gọi, tuyển dụng lại nguồn nhân lực. Tôi cho rằng hiện nay vẫn còn rất nhiều nhân lực du lịch tâm huyết, yêu nghề và sẵn sàng quay trở lại làm việc. Theo đó, Vietravel đã nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo, huấn luyện nội bộ để hoàn thiện các kỹ năng cũng như nghiệp vụ cần thiết cho nhân viên cũng như triển khai các chương trình tập huấn theo quy mô toàn quốc để phục vụ cho hoạt động của công ty trong thời gian tới”, bà Vân Khanh chia sẻ.
Tăng cường kết nối mạng lưới cộng tác viên, ký đại lý với các công ty
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, để giữ chân người lao động, công ty có chính sách hỗ trợ nhân viên về lương cơ bản. Tuy nhiên, sau 2 năm dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, để đáp ứng đủ nhu cầu, công ty vẫn còn thiếu 40-50% nhân sự, đặc biệt là dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới, lượng khách du lịch có nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng tăng cao thì nhu cầu về nhân lực càng cao.
“Song song với việc tuyển dụng thêm người, chúng tôi chuẩn bị các phương án như kết nối với các cộng tác viên, công ty nhỏ, ít nhân sự để ký đại lý, cùng bán sản phẩm. Cách làm này vừa thúc đẩy, tạo môi trường làm việc thực tế cho ứng viên có tiềm năng cũng như các đơn vị muốn hợp tác lâu dài sau này trong bối cảnh phục hồi du lịch sắp tới. Ngoài ra, với tình hình như hiện nay, chúng tôi cũng chủ động liên kết với các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề trên địa bàn thành phố để tìm kiếm sinh viên, chủ động kết nối, ký kết biên bản thỏa thuận với các trường để nhận sinh viên thực tập, đào tạo, làm cơ sở bổ sung lượng nhân sự thiếu hụt”, ông Thiện chia sẻ.
Bà Châu Thị Hoàng Mai - Giám đốc khách sạn Alba Spa và khách sạn Alba tại trung tâm thành phố Huế cho biết đã mất đi lượng lớn nguồn nhân sự chất lượng cao. Những nhân sự còn trụ lại hoặc quay trở lại với nghề vẫn trong tâm trạng thấp thỏm mong ngóng chưa thực sự yên tâm và ổn định. “Từ khi du lịch được mở cửa hoàn toàn trở lại đến nay, vào những ngày cao điểm chúng tôi thiếu 20% nhân sự, chúng tôi đang đứng giữa những lựa chọn hết sức cân nhắc: Hoặc là mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và tuyển dụng người một lần, đầy đủ để đào tạo sẵn sàng chờ ngày khách quay lại và chấp nhận rủi ro; hoặc là tuyển dụng đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất dần tùy theo tốc độ dự báo của thị trường, chấp nhận vận hành linh hoạt”, bà Mai nói.
Theo đại diện doanh nghiệp du lịch này, hiện nay có 2 nguồn nhân lực có thể đáp ứng cho nhu cầu nhân lực chính là người lao động cũ tạm nghỉ việc hoặc đổi nghề do dịch bệnh và những lao động mới. Tuy nhiên, để đưa số lao động cũ quay trở lại ngành sau hơn 2 năm mưu sinh với ngành nghề khác, họ cũng cần được đào tạo lại để bắt kịp với yêu cầu của công việc trong tình hình mới. Ở đây, doanh nghiệp có thể tiến hành tự đào tạo theo hình thức đào tạo chéo hoặc tập trung tại chỗ, đồng thời cần thêm phương án kết hợp với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. “Hiện chúng tôi đã liên kết với Trường Du lịch, Trường Kinh tế - Đại học Huế và tổ chức Reach để tuyển dụng các em chuẩn bị ra trường năm nay”, bà Mai chia sẻ.
Từ tháng 7/2021, Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được ban hành, trong đó, có chính sách về hỗ trợ đào tạo với mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian tối đa là 6 tháng. Và mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 12 hướng dẫn mức chi từ ngân sách để xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, với nội dung dành cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, mức hỗ trợ với người tham gia khóa đào tạo nghề tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa. Về lâu dài, Bộ VH-TT&DL đã ban hành đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng vói tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo đó, giai đoạn 2022 – 2023 sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay, gồm kiến thức, kỹ năng liên quan đến xử lý tình huống phòng, chống dịch bệnh, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ cần thiết khác. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: "Chính phủ và các bộ ngành liên quan cũng đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động quay trở lại, tổ chức triển khai chương trình đào tạo, đào tạo lại với người lao động để đảm bảo nguồn nhân lực".
Ngoài sự giúp đỡ của các địa phương, hiện nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang liên kết với các trường đại học, vừa tuyển dụng nhân sự mới, vừa đào tạo lại, bổ sung các kỹ năng cho nhân sự cũ. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra các cam kết về thu nhập, nhằm thu hút trở lại các lao động có tay nghề cao trong ngành. Các chuyên gia du lịch cho rằng ngay lúc này chúng ta cần cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước...
Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, để có chất lượng nguồn nhân lực du lịch tốt, các cơ sở đào tạo cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi. Đặc biệt, cần tổ chức rà soát đánh giá các kịch bản phục hồi từ đó xác định cụ thể quy mô, cơ cấu và yêu cầu về năng lực của người lao động du lịch cần có để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bước đầu, đảm bảo phục vụ cho giai đoạn phục hồi, thích ứng với điều kiện dịch bệnh đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.