Giấc mơ gần nửa thế kỉ của xóm chài nghèo giữa Sài Gòn: "Muốn lên bờ sống nốt những ngày tháng cuối đời"
- Dược liệu
- 16:51 - 11/03/2019
Trên khúc sông Sài Gòn thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, nhiều năm nay người ta vẫn thấy một làng chài nghèo nằm nép mình dưới chân cầu Bình Lợi, lọt thỏm giữa phố xá nhộn nhịp.
Xóm chài nghèo ẩn dật dưới chân cầu Bình Lợi gần nửa thế kỉ nay.
Cụ Ngô Thị Liêm (87 tuổi) đã bám víu trên con thuyền của mình gần hết một đời người.
Với 3 thế hệ, 7 con người ở đây nương tựa vào nhau trên những chiếc thuyền cũ nát.
Một xóm chài nhỏ chỉ vỏn vẹn 7 con người trú ngụ trên 3 chiếc thuyền nhỏ cũ nát. Họ chỉ bám víu với đất bằng những sợi dây cũng mong manh như chính những ước mơ truyền đời của những kẻ "lang bạt", suốt đời chỉ mơ một tấc đất để "cắm dùi" cho cuộc sống đỡ chông chênh, không còn trôi nổi như những "thân lục bình" nữa.
Xóm chài nhỏ như một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động của phố thị. Với những con người ấy, thế giới của họ, cuộc sống của họ bao đời nay chân không chạm đất, chỉ biết dập dềnh theo sóng nước trên sông Sài Gòn.
Người dân ở đây sống bằng nghề đánh cá, một số thì chở khách trên sông kiếm thêm thu nhập.
Xóm chài nhỏ ẩn dật gần nửa thế kỉ qua dưới chân cầu Bình Lợi.
Ông Nguyễn Văn Chúc (63 tuổi) không còn đánh bắt cá nữa mà chuyển sang chở khách trên sông để kiếm sống.
Trò chuyện cùng cụ Ngô Thị Liêm (87 tuổi), cư dân cao tuổi nhất của xóm chài cho biết, đã về khúc sông này trú ngụ từ hơn 40 năm nay. Trước đó, năm 1954 cụ và một số người từ Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) theo cha mẹ di cư vào miền Nam, ban đầu họ ở khu vực xóm Mới (nay thuộc sông Vàm Thuật, phường An Phú Đông, quận 12) hành nghề "đâm hà bá". Sau giải phóng năm 1975, họ bắt đầu chuyển về tại khu vực bên cầu Bình Lợi để neo đậu và làm nghề đánh cá cho tới nay.
"Ngày mới xuống ngụ cư ở đây, xóm cũng đông đúc, nhưng sau nhiều người có điều kiện, họ lên bờ thuê trọ để ở. Hiện giờ xóm chỉ còn lại 3 gia đình, với 7 con người nương tựa vào nhau", cụ Liêm tâm sự.
Ba gia đình, 3 thế hệ với 7 con người, họ đều là con cháu, những người họ hàng thân thiết cùng nhau theo cha mẹ rời quê hương vào miền Nam từ hơn nửa thế kỉ trước.
Cụ Liêm đã hơn 40 năm sống lênh đênh trên sông Sài Gòn.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình cụ Liêm chỉ là nồi canh rau, vài con cá sông bắt được hàng ngày.
Hơn nửa đời người, những người dân ở đây luôn mơ ước có thể lên bờ làm nhà như bao người khác.
Để mưu sinh, công việc hằng ngày của họ gắn liền với những tấm lưới chài. Không kể ngày hay đêm, theo con nước lên xuống, họ chèo thuyền dọc con sông, có khi xa hàng chục km để thả lưới bắt tôm, cá.
Theo cụ Liêm, ngày xưa tôm cá nhiều bắt không xuể, nhưng giờ nước ô nhiễm, cá cũng không còn mà bắt. Hôm nào may mắn thì kiếm được 100-200 ngàn, nhưng có những khi 2-3 ngày không kiếm được một đồng nào.
Gần nửa thế kỷ lênh đênh trên sông nước, xóm chài nhỏ vẫn vậy, vẫn là những con thuyền cũ kĩ được che chắn tạm bợ bằng mấy tấm bạt, cuộc sống sông nước như muốn bám lấy họ không thể dứt ra.
Ngoài con thuyền cũ được buộc vào bờ để làm nơi trú ngụ, ông Ái tích góp mua thêm 2 con thuyền nhỏ để đi đánh cá.
Ông Minh sống cô độc một mình trên truyền, chỉ nuôi một chú chó để làm bạn.
Con thuyền lụp xụp chưa đầy 2 mét vuông được làm nơi trú ngụ của vợ chồng ông Ái gần 40 năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Ái (51 tuổi), được cụ Liêm sinh ra trên chính con thuyền nhỏ mà giờ ông cùng vợ và con trai mình đang sống. "Cũng già rồi, không biết sẽ chết lúc nào, nhưng cả đời bố mẹ mình sống trên thuyền rồi, những ngày cuối đời chỉ mong có mảnh đất để con cháu nó có thể lên làm nhà, không phải lênh đênh mặt nước nữa", ông Ái nói.
Rời khỏi con thuyền cũ kĩ của gia đình cụ Liêm, cách đó vài mét là căn chòi một bên "bấu víu" vào bờ sông, bên còn lại lấp ló mặt nước của hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc (63 tuổi).
Ông Chúc bộc bạch, dòng sông đôi khi cũng hung dữ lắm. Trên mấy con thuyền nhỏ chắp vá này, chúng tôi sợ nhất là những lúc mưa lớn, giông gió giật mạnh, có nhiều lúc phải bỏ thuyền chạy lên bờ xin trú nhờ nhà dân gần đó.
Cơm ăn hàng ngày chưa đủ no, việc lên bờ làm nhà là một ước mơ xa vời đối với người dân ở xóm chài nghèo.
Ngoài những chiếc thuyền nhỏ để mưu sinh, họ còn làm thêm những căn chòi nhỏ sát bờ sông để trú ngụ.
"Vì không có nhà nên mọi sinh hoạt ngay trên con thuyền nhỏ này, tắm giặt bằng nước sông, chỉ có nước uống là xài ké của người dân trên bờ, điện cũng xin xài ké chứ làm gì có hộ khẩu ở đây mà xin kéo điện về", ông Chúc nói với vẻ mặt đượm buồn.
Sát với chòi của hai vợ chồng ông Chúc là con thuyền nhỏ được lợp thêm mái tôn, che chắn tạm bởi mấy tắm ván gỗ nứt toác của ông Nguyễn Văn Minh (59 tuổi), hiện đang sống một mình. Con thuyền dập dềnh được ông Minh cố định tạm bằng mấy tấm gỗ và sợi dây thừng buộc vào bờ sông.
"Làm không đủ ăn, cơm chưa no thì làm gì giám nghĩ đến việc lên bờ làm nhà. Đời cha tôi, đến đời tôi cũng luôn mơ ước có một mảnh đất nhỏ để lên bờ 'cắm dùi', nhưng có lẽ ước mơ đó khó thành lắm", ông Minh trầm tư nói.
Những ngày cuối đời, những con người ở đây luôn mơ ước sẽ có một mảnh đất để sau này con cháu họ có thể lên bờ làm nhà.
Hi vọng một ngày, ước mơ của những người dân chài nghèo được thành sự thật.
Nép vào một góc bờ sông Sài Gòn, xóm chài nhỏ cứ ẩn dật, khuất sau những tòa nhà cao ốc đang mọc lên. Có lẽ chả mấy ai biết rằng giữa thành phố hoa lệ này, vẫn còn một nơi như vậy.