THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:23

“Giấc mơ” bỏ phố về vườn liệu có khả thi

Theo khảo sát của phóng viên, thị trường nhà đất ở các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Đăk Nông, Đăk Lăk… thu hút nhiều nhà đầu tư (NĐT) đổ về săn đất, kéo theo giá đất tăng không ngừng.

Thực tế, từ đại dịch Covid-19 đến nay, thị trường đất vùng ven và nhiều tỉnh thành đã lập mặt bằng giá mới so với thời điểm quý 2/2021. Đất vùng ven như quận 9 cũ, huyện Hóc Môn và Củ Chi tăng 10- 20%. Thị trường đất tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Đăk Nông… tăng trên 30%, so với cùng kỳ năm 2020 thì giá đất tỉnh đã tăng hơn gấp đôi. Đáng nói, không chỉ đất thổ cư mà đất vườn, đất nông nghiệp tại các khu vực này cũng tăng giá chóng mặt. Hoạt động đầu tư mua bán sôi động khiến mặt bằng giá liên tục thay đổi.  

Giá đất nông nghiệp tăng chóng mặt ở các địa phương.

Giá đất nông nghiệp tăng chóng mặt ở các địa phương.

Điển hình, tại tỉnh Đồng Nai, năm 2016, đất nông nghiệp trên địa bàn xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) giá khoảng 200-800 triệu đồng/ha, tùy theo vị trí. Còn thời điểm hiện tại, giá 1ha đất nông nghiệp đã tăng lên 4-8 tỷ đồng. Những thửa đất nông nghiệp gần mặt tiền đường lớn, giá có thể lên đến 1-2 tỷ đồng/sào (1.000m2). Tương tự, tại các huyện Tân Phú, Thống Nhất, Định Quán… giá đất trên nhiều tuyến đường liên xã, trong các ấp cũng tăng cao.

Cũng do đất tỉnh đột ngột lên giá, nên khoảng hai năm trở lại đây, nhiều người dân ở quê bỗng chốc “đổi đời”, bởi những mảnh đất vườn, đất ruộng vốn không có nhiều giá trị tự nhiên trở thành tiền tỷ. Từ người nông dân chân lấm tay bùn, họ đã bán các mảnh đất nông nghiệp vốn là “cần câu cơm” rồi lên đời. Ở nhiều địa phương, nhiều người đã bỏ ruộng vườn để làm cò đất, đầu tư đất. Từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, đâu đâu người dân cũng bàn tán về mảnh vườn này, bãi đất kia được bán với giá trên trời. Còn cò đất thì lùng sục vào tận thôn, xóm để tìm đất.

Thực tế, có không ít người gặp phải thất bại và bỏ cuộc khi thực hiện cuộc dịch chuyển “bỏ phố về quê”.

Thực tế, có không ít người gặp phải thất bại và bỏ cuộc khi thực hiện cuộc dịch chuyển “bỏ phố về quê”.

Anh Nguyễn Văn Tâm (Bình Phước) cho biết, cả mấy tháng nay tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của người thân, bạn bè ở xa hỏi vì sao quê mình - một vùng nông thôn miền núi mà giá đất bỗng tăng lên cao vút rồi nhảy múa liên tục. Hàng ngày, các cò đất, nhà đầu tư ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, … xe lớn, xe bé đổ về săn lùng đất, khiến tôi cũng như nhiều người dân chẳng biết điều gì đang xảy ra.

Việc đất đai ở các vùng quê tăng giá đã khiến nhiều người có ý định bỏ phố về quê tan vỡ giấc mơ. Chị Trần Ngà (35 tuổi, TP.HCM) chia sẻ, cuộc sống ở thành thị đắt đỏ và mệt mỏi nên vợ chồng tôi nhiều lần có ý định về quê mua mảnh đất nhỏ, làm nhà vườn, và nuôi gà. Cuối tuần cả gia đình cùng nhau về trải nghiệm và tận hưởng không khí trong lành thoáng mát vùng quê. Thế nhưng, ý định đó ngày càng khó thực hiện, vì ngoài khó tìm việc thì số tiền tích góp bao năm cũng không mua nổi lô đất ở quê. “Bao năm làm việc, vợ chồng tôi mới tiết kiệm được gần 700 triệu đồng. Giờ muốn về quê, ngoài tiền mua đất thì cũng cần có tiền làm nhà. Với số tiền có được, con đường bỏ phố về quê, nuôi cá trồng rau của vợ chồng tôi xa tít tắp”, chị Ngà nói.

Tuy nhiên, bỏ phố về rừng không phải là điều đơn giản và dễ dàng. Anh Phạm Văn Minh chia sẻ câu chuyện về quê chưa thành công của mình: Tôi mua đất 12 năm ở Tân Phú (Đồng Nai) mà vẫn chưa bỏ phố được. Đã xuống cây được vài năm và thuê một người chăm. “Mỗi năm công cán phân bón cả trăm triệu cho vườn cây, và thuê người chăm vườn, tôi thấy khá tốn kém nên cho họ hang, bạn bè làm vườn để giữ đất hộ. Nhiều khi ý tưởng thì hay nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa nên bỏ phố về rừng không hề đơn giản”, anh Minh nói.

Giấc mơ bỏ phố về quê cũng khó khả thi.

Giấc mơ bỏ phố về quê cũng khó khả thi.

Thực tế, có không ít người gặp phải thất bại và bỏ cuộc khi thực hiện cuộc dịch chuyển “bỏ phố về quê”. Đây là cơ hội nhưng cũng sẽ là thử thách cần sự kiên trì, bản lĩnh vượt qua khó khăn của những người lựa chọn dịch chuyển.

Theo các chuyên gia bất động sản, thời gian qua, nhiều NĐT từ TP.HCM tìm đến các tỉnh Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai hoặc ra Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên… để mua đất vườn đầu tư hoặc mua làm nơi nghỉ dưỡng, khiến loại hình này nhộn nhịp thời gian qua. Mặt bằng giá vì thế cũng tăng mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, xu hướng mua đất nông nghiệp, đất nghỉ dưỡng ở các tỉnh nở rộ trong vài năm gần đây, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn bùng mạnh hơn sau đợt giãn cách xã hội. Ban đầu nhiều người tìm mua đất từ bán kính 100-120 km, tuy nhiên hiện nay họ chấp nhận đi xa hơn từ 200 – 300km, thậm chí đến 600 – 700km để mua được giá rẻ.

“Các miếng đất có view đẹp, có suối, thác nhanh chóng trở thành hàng hiếm để rao bán cho những người đầu tư farmstay, homestay phục vụ du lịch. Những mảnh vườn có cây trái sẵn như bơ, hồng, sầu riêng cũng hấp dẫn người muốn làm nhà ở, trang trại, sống gần gũi với thiên nhiên. Ngay cả những miếng đất xa trung tâm, chưa có sổ cũng được người ít tiền tìm đến. Chính nhu cầu tăng đã khiến giá cả phân khúc này tăng trưởng”, ông Châu cho hay.

Nhìn nhận về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các cơn sốt đất diễn ra chủ yếu là "sốt qua miệng cò", tức do giới "cò đất" làm giá, sử dụng các chiêu trò để đẩy giá đất lên cao song giao dịch thực tế lại không đáng kể. Những cơn sốt đất dù thật hay ảo cũng đều dẫn đến việc giá đất thiết lập một mặt bằng mới, trong nhiều trường hợp, mức giá đó vượt xa thu nhập của người dân và không ít người có nhu cầu ở thực không thể mua nổi đất.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh