CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Giá xăng dầu ngày 9.6.2020:Tăng nhẹ trước nghi ngại về việc giảm sản lượng

Ghi nhận lúc 7 giờ 30 sáng nay, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 đã tăng thêm 58 cent, tương đương 1,5%, lên 38,76 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 8 thêm 48 cent, tương đương 1,18%, lên 41,28 USD/thùng. Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 8.6 (khoảng 4 giờ sáng 9.6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,4% xuống 38,2 USD/thùng; dầu Brent giảm 3,1% xuống còn 41 USD/thùng.
Cuối tuần qua, Tổ chức các nhà sản xuất dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã đồng ý tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng, ước tính khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, cho đến hết tháng 7, nhờ đó giá dầu WTI và Brent trong sáng đầu tuần đã đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, các hợp đồng dầu thô tương lai lại quay đầu giảm mạnh lúc kết thúc phiên ngày thứ Hai (8.6) do trong ngày, Ả Rập Xê Út cho biết việc gia hạn cắt giảm sản lượng của các quốc gia OPEC+ sẽ không bao gồm việc cắt giảm tự nguyện thêm của các nhà sản xuất vùng Vịnh. Reuters đưa tin, trong cuộc họp ngày hôm qua (8.6), Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã nói tại cuộc họp báo rằng vương quốc này cùng các đồng minh vùng Vịnh như Kuwait và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất sẽ không cắt giảm thêm 1,18 triệu thùng/ngày vào tháng 7 vì họ đã thực hiện việc đó trong tháng 6.
Theo MarketWatch, các chuyên gia đánh giá mức độ tuân thủ chung đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng là điều đáng lưu ý. Thứ nữa, tại khu vực Bắc Mỹ, Mexico từ chối tham gia vào việc cắt giảm sản lượng và một số báo cáo cho thấy Libya đang tái khởi động sản xuất tại mỏ dầu lớn nhất của quốc gia này. Wall Street Journal nhận định, tất cả các thông tin trên đã làm giảm sự lạc quan về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử. Thậm chí, sự “đứng ngoài cuộc” trong tiến trình cắt giảm của hai nước Mexico và Libya có thể góp phần tăng thêm 400.000 thùng dầu mỗi ngày. Cũng theo Wall Street Journal, Libya tuy thuộc thành viên OPEC song đã được miễn các hạn ngạch trước đó do nội chiến kéo dài.
Thực tế, việc cắt giảm nguồn cung và nhu cầu thị trường đang dần phục hồi đã giúp giá dầu tăng gấp đôi kể từ tháng 4. Đặc biệt, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng trước, vọt hơn 19%. Tuy nhiên, sự phục hồi bền vững về giá có thể bị cản trở bởi nhiều lý do như việc tuân thủ thỏa thuận giữa các thành viên OPEC, căng thẳng Mỹ - Trung, dịch bệnh còn kéo dài…
Ở trong nước, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex ngày 8.6, tùy vùng 1 hay vùng 2, giá xăng E5 RON92 dao động từ 12.400 - 12.640 đồng/lít, xăng RON95 từ 13.120 - 13.380 đồng/lít, dầu diesel từ 11.040 - 11.260 đồng/lít, dầu hỏa từ 8.750 - 8.920 đồng/lít.

Theo Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh