Giá vàng thế giới tăng giảm liên tục
- Huyệt vị
- 14:34 - 06/05/2020
Mở cửa phiên giao dịch ngày 6/5, giá vàng trong nước giảm theo xu hướng của thị trường vàng thế giới. Mức giảm sâu nhất 200.000 đồng/lượng chiều bán ra tại thương hiệu PNJ.
Cụ thể, giá vàng hôm nay được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC điều chỉnh giảm đồng thời 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra. Giá vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mức 47,85 triệu đồng/lượng mua vào - 48,47 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC có mức giảm tương tự, niêm yết ở mức 47,85 triệu đồng/lượng mua vào - 48,45 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại Phú Qúy SJC, giá vàng cũng giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều, niêm yết ở mức 47,85 triệu đồng/lượng mua vào - 48,30 triệu đồng/lượng bán ra.
Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận giữ nguyên giá tại chiều mua vào nhưng giảm 200.000 đồng/lượng tại chiều bán ra. Giá vàng PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM hôm nay giao ngay ở mức 47,80 triệu đồng/lượng mua vào - 48,40 triệu đồng/lượng bán ra,
Doanh nghiệp vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng tại chiều mua vào, niêm yết ở mức 47,85 triệu đồng/lượng, chiều bán ra giảm 130.000 đồng/lượng, giao dịch ở mức 48,22 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường thế giới, đêm 5/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.698 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.706 USD/ounce.
Giá vàng cao hơn 32,3% (415 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1,3 triệu đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tăng giảm liên tục, quay quanh ngưỡng 1.700 USD/ounce trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, nhưng căng thẳng Mỹ-Trung và mâu thuẫn tại châu Âu lên cao.
Vàng chịu áp lực giảm do chứng khoán Mỹ và châu Á tăng khá mạnh do giới đầu tư kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh những lời đe dọa đánh thuế trở lại lên hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không đẩy mạnh mua nông sản Mỹ, chính quyền ông Donald Trump còn được cho là đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ đang tìm cách thuyết phục các công ty nước này chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thông qua các ưu đãi thuế và chính sách.
Trong khi đó, tại châu Âu, Tòa án Đức vừa ra phán quyết về chương trình mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2015 với trị giá khoảng 2,9 ngàn tỷ USD. Phán quyết này không liên quan tới chương trình kích thích nền kinh tế đang được ECB áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.