Thị trường vàng trong nước vẫn khá trầm lắng. Mở cửa lúc 8h30 sáng 14/3, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 36,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,58 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 40 ngàn đồng chiều mua vào và bán ra so với giá cuối phiên qua.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,38 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,65 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20 ngàn đồng/lượng chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ chiều ngày 14/3.
Tới đầu giờ sáng 15/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.204 USD/ounce, tăng nhẹ so với phiên liền trước.
Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York tăng 3,3 USD lên 1.206,5 USD/ounce.
Hiện giá vàng cao hơn 4,6% (+53 USD/ounce) so với cuối năm 2016. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD
ngân hàng có giá gần 33,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước gần 3,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đêm qua tăng phiên thứ 2 liên tiếp bất chấp thị trường đang chờ đón cơn bão lớn thứ 3 trong vòng 10 năm qua. Một số dự báo nằm ngoài dự đoán của số đông trên thị trường.
Giá vàng tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Giới đầu tư trên khắp thế giới đang chờ đợi kết quả từ cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/3 tới. Hiện tại, thị trường đang đánh cược trên 90% Fed sẽ tăng lãi suất (khoảng 25 điểm phần trăm) trong cuộc họp. Và nếu đúng như vậy, đây là lần thứ 3 trong vòng 10 năm qua Mỹ tăng lãi suất.
Hầu hết các thị trường, từ chứng khoán, ngoại hối và vàng… đều khá trầm lắng trước thời điểm Fed đưa ra quyết định về lãi suất.
Một điều đáng ngạc nhiên là giá vàng có xu hướng tăng phiên thứ 2 liên tiếp cho dù lãi suất tăng theo lý thuyết sẽ kéo đồng USD lên giá và qua đó gây áp lực giảm lên vàng.
Trong một dự báo mới nhất trên Kitco, Citi Group còn cho rằng, đồng USD sẽ giảm khoảng 4% so với 10 đồng tiền chủ chốt trong vòng 3 tháng sau quyết định tăng giá lần thứ 3 của Fed.
Trên thực tế, trong phiên giao dịch đêm qua, đồng USD tăng khá mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt ngay sau khi quốc hội Anh thông qua quyết định nước Anh rút khỏi EU (Brexit). Tuy nhiên, trên thực tế các
sự kiện này đã phản ánh vào giá, đồng USD đã tăng mạnh trong thời gian qua và được dự báo sẽ quay đầu giảm.
Vàng còn tăng giá do giới đầu tư lo ngại cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan vào ngày 15/3 có thể dẫn tới nguy cơ “Nexit”, tương tự như Brexit (nước Anh rời EU) sẽ lặp lại.
Phân tích kỹ thuật cho thấy, xu hướng giảm giá trong ngắn hạn áp đảo. Ngưỡng kháng cự gần nhất là đỉnh cao hôm qua: 1.210,9 USD/ounce và sau đó là: 1.227,5 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất là: 1.200 USD/ounce và sau đó là: 1.194,5 USD/ounce.
Trên thị trường vàng trong nước, trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng trong nước tăng 40 ngàn đồng/lượng.
Chốt phiên 14/3, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 36,54 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,62 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 36,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,67 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo Doji, diễn biến giao dịch hai phiên đầu tuần song hành với sự tăng giảm nhẹ của giá vàng quốc tế. Xuyên suốt cả phiên, diễn biến thị trường vàng khá mờ nhạt khi không ghi nhận bất cứ động thái mạnh mẽ nào từ phía các nhà đầu tư.
Xét về ngắn hạn, giá vàng được cho là sẽ còn những điều chỉnh cho tới thời điểm Fed tuyên bố về chính sách tiền tệ. Bởi vậy, nhà đầu tư nên thận trọng, giao dịch an toàn, cân đối.