Giá USD ngân hàng đồng loạt giảm
- Huyệt vị
- 17:10 - 17/04/2020
Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (15/4) đứng ở mức 23.241 đồng, tăng 5 đồng so với hôm qua và là phiên tăng thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt giảm trong sáng nay, tuy nhiên mức điều chỉnh chỉ khoảng 10-20 đồng.
Cụ thể, tỷ giá VND/USD tại Vietcombank đang được niêm yết ở mức 23.320-23.530 đồng (mua - bán), giảm 20 đồng so với hôm qua. Giá USD tại Techcombank cũng giảm 13 đồng xuống còn 23.328-23.528 đồng (mua - bán).
Tương tự, BIDV giảm 15 đồng xuống 23.365-23.545 đồng, ACB giảm 15 đồng xuống 23.340-23.510 đồng.
Giá USD trên thị trường "chợ đen" cũng đi xuống, giảm 20 đồng so với hôm qua xuống mức 23.530-23.630 đồng.
Trên thế giới, chỉ số US Dollar Index đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt vẫn giữ ở mức cao, hiện ở mức 99,8 điểm, chủ yếu do đồng Yên Nhật và Euro suy yếu. Giới đầu tư vẫn xem đồng USD như một kênh trú ẩn trong khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19.
Đồng USD mạnh cũng đang là rào cản khiến giá vàng khó bật tăng dù có nhiều yếu tố hỗ trợ như nới lỏng tiền tệ và lạm phát. Giá vàng thế giới sau khi bật tăng vượt 1.700 USD/ounce thì chủ yếu đi ngang, hiện quanh mức 1.720 USD/ounce. Giá vàng trong nước theo đó cũng biến động nhẹ, hiện giá vàng SJC được niêm yết tại các doanh nghiệp lớn như Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở mức 47,2-48,4 triệu đồng/lượng, DOJI ở mức 47,5-48,3 triệu đồng/lượng.
Trong báo cáo mới đây, chứng khoán Bảo Việt cho rằng, những đợt tăng mạnh của tỷ giá VND/USD trong tuần cuối tháng 3 chủ yếu do yếu tố tâm lý khi đồng USD mạnh lên. Vào thời điểm cao điểm nhất (phiên ngày 20/03), chỉ số USD Index đã lên mức 102,8, tăng 6,7% so với cuối năm 2019 trước khi hạ nhiệt dần về cuối tháng.
Cán cân ngoại tệ của Việt Nam thực tế vẫn nghiêng về phía cung khi duy trì được trạng thái xuất siêu 2,8 tỷ USD trong quý I và vốn FDI thực hiện 3 tháng đầu năm đạt trên 3,9 tỷ USD. Trong khi đó, về phía cầu, hoạt động rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ước tính chỉ khoảng 500 triệu USD.
Trên cơ sở đó, trong những phiên tăng đột biến, NHNN có thể sẽ có động thái can thiệp bằng cách niêm yết mức giá bán ra ngoại tệ thấp hơn giá thị trường giáo dịch (như trong phiên ngày 24/03 vừa qua). Điều này cũng tạo thế can thiệp hai chiều, giúp Việt Nam có thêm giải trình với Mỹ trong các kỳ đánh giá danh sách các nước có thao túng tiền tệ tiếp theo.
Về cơ bản, không để VND mất giá quá mạnh vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong mục tiêu tổng thể là ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, BVSC duy trì dự báo mức mất giá của VND trong năm 2020 sẽ chỉ ở mức 2-3%.