Giá thịt lợn “lập đỉnh” cao, Bộ Công thương chỉ đạo ổn định nguồn cung
- Huyệt vị
- 00:05 - 26/09/2018
Giá lợn hơi cao kỷ lục
Theo thống kê sơ bộ, giá lợn hơi xuất chuồng tại miền Bắc ngày phổ biến từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Nhiều nơi giá lợn hơi tăng cao, trong đó, tăng cao nhất tại Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương,... mức giá từ 53.000 đồng/kg đến 56.000 đồng/kg.
Tại khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng chung tình trạng tăng giá. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa tăng 2.000 đồng/kg từ 53.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg, đây là mức giá tương đối cao so với toàn khu vực này. Các địa phương khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An... giá dao động từ 50.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg.
Hiện các hộ chăn nuôi không có nhiều lợn để bán.
Giá lợn tại miền Nam vẫn tiếp tục tăng khoảng 1.000 đồng/kg. Tại Bình Dương và Bình Phước giá lợn hơi đã tăng lên 51.000 đồng/kg, tại Đồng Nai giá dao động khoảng 52.000 đồng/kg…
Nhiều ý kiến cho rằng, giá thịt lợn luôn “nhảy múa” và tăng cao, nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho rằng, giá lợn hơi có thể còn tiếp tục tăng cao hơn nữa vào những tháng cuối năm. Hiện nay số lượng lợn hơi đủ trọng lượng xuất chuồng để giết mổ không nhiều. Một số doanh nghiệp lớn có quy mô chăn nuôi lớn cũng hạn chế xuất lợn bán ra ngoài vì chủ yếu để phục vụ nội bộ (chế biến xúc xích, thịt hun khói, đưa nguồn hàng vào siêu thị…). Vì vậy, để tăng sản lượng thịt lợn trên thị trường, cần để lợn có trọng lượng lớn. Mỗi con lợn bán ra tăng hơn 10kg, lượng thịt cung cấp ra thị trường sẽ tăng thêm 10% mà không cần tăng đầu lợn. Hiện nay nguồn cung đang khan hiếm, nếu các trang trại bán lợn càng nhỏ thì lượng thịt thiếu càng tăng đẩy giá lợn càng tăng cao.
Đảm bảo cung cầu thịt lợn
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-Ttg ngày 12 tháng 9 năm 2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc số 7567/BCT-TTTN đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn dịch.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn để chủ động có phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng bất ổn về thị trường trong nước, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019.
Cùng với đó, các Sở Công Thương cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thị lợn, đặc biệt là các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, thống nhất giải pháp kiểm soát nhập khẩu với các Bộ, ngành liên quan nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương và các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu.
Hơn nữa, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, phối hợp với lực lượng liên quan (hải quan, biên phòng, công an, kiểm dịch, thú y…). Cùng đó, tổ chức giám sát chặt chẽ việc hoạt động nhập khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn tại cửa khẩu,đường mòn lối mở khu vực biên giới đối với các tỉnh có chung đường biên giới.
Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các nội dung trên, nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay để Bộ Công Thương phối hợp xử lý.