THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:53

Gia nhập TPP: Nhân lực là yếu tố quyết định

 

Các chuyên gia khẳng định, để hạn chế dòng chảy này, cách tốt nhất là nâng cao chất lượng LĐ tại chỗ để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Đây không phải là vấn đề riêng của doanh nghiệp (DN) hay của người LĐ mà đòi hỏi chiến lược tầm quốc gia.

Nâng cao chất lượng LĐ là tăng sức cạnh tranh 

Khi hội nhập quốc tế sâu rộng, chỉ với lực lượng LĐ có trí tuệ và kỹ năng bậc cao mới có thể tạo ra giá trị gia tăng nhiều cho các sản phẩm, qua đó tăng năng suất LĐ và tăng sức cạnh tranh, tận dụng được những lợi thế của thời kỳ hội nhập mới và giảm được những tác động tiêu cực cho DN và cho cả nền kinh tế

Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi đây là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế trong điều kiện nước ta chủ động hội nhập quốc tế và cũng là giải pháp chiến lược nhằm tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Ngoài những tác động tích cực, thách thức của gia nhập TPP là không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh các DN và người LĐ còn chưa nắm đầy đủ các thông tin về TPP. “Bởi lẽ nếu tham gia TPP, ngoài việc phải áp dụng các tiêu chuẩn về LĐ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các quốc gia thuộc TPP sẽ phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn cao hơn. Về cơ bản, các nội dung cam kết trong TPP như: đảm bảo quyền tự do lập hội, đảm bảo quyền thương lượng tập thể, xóa bỏ LĐ trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử nam nữ… đều được quy định trong pháp luật về LĐ của Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói. 

Tuy nhiên, việc tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn lao động của TPP là thách thức không nhỏ. Do trình độ của người LĐ không đồng đều, năng suất và hiệu quả LĐ thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, các DN Việt Nam khó có thể thực hiện triệt để ngay tất cả các tiêu chuẩn LĐ của TPP.  Hơn nữa, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, đối với chủ sử dụng LĐ, việc đảm bảo các quyền LĐ cơ bản theo cam kết trong TPP sẽ làm tăng chi phí đầu vào của DN, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh và lợi thế của nguồn LĐ giá rẻ khiến chủ sử dụng LĐ thu hẹp quy mô sản xuất, giảm cầu về LĐ, dẫn tới tăng tỷ lệ thất nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng và sự ổn định, phát triển kinh tế.

Một ưu thế khác là nước ta có tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ của dân số lớn. Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Thống kê, lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/10/2016 ước tính là 54,44 triệu người, tăng 122,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2015. Xét theo khu vực, lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,54 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 36,90 triệu người, chiếm 67,8%. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng hội nhập 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đến thời điểm này, nếu chúng ta vẫn giới thiệu về nguồn LĐ Việt Nam với những đặc điểm của hàng chục năm trước như đông đảo, giá rẻ, siêng năng… điều này có lẽ không còn phù hợp. “Hay nói chính xác hơn, những đặc điểm này chỉ còn hữu dụng trong 5 - 10 năm nữa, đặc biệt với ngành dệt may. Khi các ngành nghề càng ngày càng tự động hóa cao, thay đổi liên tục về công nghệ, ưu điểm LĐ rẻ sẽ lỗi thời” - bà Lan nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng nhân sự, Cty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công cho biết, hiện thị trường Mỹ đứng đầu về nhập khẩu sản phẩm dệt may của VN. Người LĐ cũng sẽ được hưởng lợi như việc các DN phải thực hiện những yêu cầu khắt khe của TPP về môi trường làm việc, điều kiện ATVSLĐ và thực hiện nghiêm túc chế độ lương, thưởng hằng năm. Bên cạnh đó, khi VN tham gia sâu vào hội nhập sẽ có nhiều DN FDI “nhảy vào” lĩnh vực dệt may, sẽ có cuộc cạnh tranh về nhân lực nên các DN càng phải quan tâm hơn đến đời sống của người LĐ. 

Còn theo ông Nguyễn Khánh Sơn - Giám đốc điều hành phụ trách khối đào tạo Tập đoàn Dệt - May VN (Vinatex), dù mỗi năm ngành dệt may đào tạo gần 2.000 nhân lực công nghệ cao hướng vào các ngành thị trường đang có nhu cầu tuyển dụng lớn. Nhưng trên thực tế, việc bổ sung nhân sự cho lĩnh vực này rất hạn chế, thiếu hụt về kỹ năng của người LĐ ở những lĩnh vực như quản lý DN, thiết kế, dẫn đến việc dịch chuyển LĐ là bình thường. 

Với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tiệm cận khu vực và thế giới, Tổng cục Dạy nghề đang nỗ lực triển khai đồng bộ các chương trình theo Đề án 371 về chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế. Theo đó, sẽ triển khai đào tạo nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng, người học sẽ được cấp 2 bằng: Bằng của VN và bằng nước ngoài tương đương. Khi được công nhận chuẩn đào tạo, cơ hội LĐVN chiếm tỉ trọng lớn hơn, thậm chí các vị trí quan trọng như quản đốc, giám sát, sáng tạo trong các DN nước ngoài sẽ cao hơn.

Qua đó có thể thấy, áp lực về hội nhập kinh tế quốc tế đã đến với từng người dân, và năng suất LĐ, kỹ năng làm việc lại chính là cản trở lớn nhất của mỗi người LĐ Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) khẳng định, VN muốn chủ động trong cuộc chơi TPP, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định. “Các DN vào VN sẽ đưa công nghệ sản xuất hiện đại, LĐ chất lượng cao, trong bối cảnh này, năng suất LĐ chính là chìa khóa”.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh