Gia Lai: Lượng mưa và xả lủ giảm nhưng thiệt hại lớn
- Tây Y
- 21:04 - 18/12/2016
Theo ông Võ Lũy, Giám đốc nhà máy Thủ điện An Khê – Kanak, thuỷ điện có thể xả lũ lên đến 4.800m3/s và thời gian xả trong khoảng 1 giờ đồng hồ. “Mức xả lũ này gấp đôi đỉnh lũ năm 2013. Đây là lần đầu tiên thuỷ điện này dự kiến xả lũ ở mức kỷ lục như vậy”.
Thủy điện An Khê – Ka Nak xả lủ
Tuy nhiên tại thời điểm 17 giờ chiều 17/12/2106, mưa đã tạnh dần, lũ rút nhanh giúp các con đường đi vào vùng bị cô lập đã được lưu thông. vì lượng nước mưa chiều 16/12/2016, có dấu hiệu giảm dần nên Thủy điện An Khê-Ka Nak chỉ xả lũ với mức 3.000 m3/s thay vì dự kiến 4.800 m3/s như ban đầu. Sau đó lượng nước xả tiếp tục được điều tiết giảm dần. Ở thời điểm nước lũ dâng cao, mực nước sông Ba tại khu vực cầu Bến Mộng, thị xã Ayun Pa đã vượt mức báo động III khoảng 0,7 mét. Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 17/12/2016 mực nước chỉ còn xấp xỉ với báo động 3. Tại các khu vực rốn lũ, bị nước lũ cô lập như buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, buôn Mơ Năng 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa, hơn 500 người dân hầu hết là thanh niên khỏe mạnh ở lại để giữ nhà, của cải bắt đầu thấy yên tâm sau một đêm thức trắng, thấp thỏm lo âu theo dõi dòng nước. Ông Ksor Kam trú tại buôn Jứ Ma Uôk phấn khởi nói: “Đêm qua cả làng 500 người có mấy ai ngủ được đâu vì nước lũ tràn cả vào làng. May là nước chỉ đến chân nhà sàn thì chững lại rồi rút chứ chưa vào được nhà. Giờ dân làng bắt đầu kéo về làng, chờ nước rút hẳn rồi mới ra rẫy xem thuốc lá mới trồng có bị hư nhiều không”.
Người dân dắt bò tránh lũ
Tuy nước lũ đã rút nhưng trên các cánh đồng vẫn mênh mông nước chưa nhìn thấy bờ, các hộ nông dân dọc sông Ba cũng đang trong tình cảnh khó khăn vì nước lũ. Tại thị xã Ayun Pa, qua thống kê sơ bộ trên địa bàn có hơn 450 ha cây trồng như thuốc lá, dưa hấu… bị chìm trong nước. Đặc biệt nhiều hộ dân từ nơi khác đến thuê đất trồng dưa hấu là những hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt này. “Năm nào tôi cũng lên xã Ia R’tô để thuê đất trồng dưa hấu nhưng chưa năm nào gặp nước lũ dâng cao thế này. Gần 2 ha dưa đang ra hoa, kết trái gặp nước lũ thì hư hết, chưa kể mấy tạ phân bón không chạy kịp cũng bị nước cuốn trôi rồi. Đợt này chắc lỗ vốn hàng chục triệu đồng với vườn dưa” - Anh Hoàng Xuân Linh trú tại tỉnh Bình Định chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ của phòng Nông nghiệp huyện Ia Pa: Các xã Chư Drăng, Ia Kdăm, Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trôk, Kim Tân có nhiều diện tích gần như mất trắng hay bị thiệt hại từ 30-70%, gồm có khoảng 1.550 ha cây trồng chủ yếu là: thuốc lá, mì, dưa hấu, mía, lúa mới gieo sạ bị nước lũ nhấn chìm. Ước tính thiệt hại của đợt mưa lũ này lên đến 18 tỷ đồng. “Hơn 1 ha thuốc lá mình mới trồng được mấy ngày mà giờ bị nước lũ dâng lên ngập úng mấy ngày nên chết hết đành phải trồng lứa mới thôi. Vườn cây thuốc lá giống của nhà mình chuẩn bị mang ra trồng cũng bị dính bùn đất không giữ được bao nhiêu cây nữa”- Ông Nay Hoét trú tại xã Ia Tul buồn bã nói.
Người dân vui mừng nhìn mưa tạnh và nước rút dần.
Huyện Krông Pa cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ này với 1.120 ha cây trồng bị ngập chủ yếu là lúa, mì, bắp, thuốc lá… tập trung tại các xã ven sông như Ia Rsươm, Chư Gu, Chư Rcăm, Phú Cần… Bên cạnh đó có 12 con bò và 15 con dê đã bị chết do lũ cuốn. Ước tính thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng. Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trong đợt lũ vừa qua huyện đã phải sơ tán 212 khẩu của 57 hộ dân tại buôn Nu B, xã Ia Rsươm và thôn Bình Minh, xã Phú Cần.
Cần tuyên truyền người dân ứng phó nhanh tin báo lũ.
Mặc dù UBND tỉnh Gia Lai liên tục phát đi 2 công điện khẩn về việc các ngành chủ động triển khai công tác ứng phó với mưa lớn, lũ lụt và xả lũ hồ chứa thủy điện An Khê - Ka Nak. Tại các đập tràn, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên tại các xã, làng túc trực liên tục để nắm tình hình lũ, huy động phương tiện, máy móc, ca nô sẵn sàng ứng cứu khi lũ lụt dâng lên. Đồng thời ngăn cản người dân không nên qua lại để tránh nguy hiểm. Vậy mà tại vùng “rốn lũ” buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, người dân khá chủ quan trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Mặc dù nước lũ trên sông Ba lên rất nhanh nhưng trong sáng 16/12/2016 chỉ có một số hộ dân tiến hành sơ tán rải rác trâu bò cùng một số tài sản khác lên các khu vực cao hơn. Đến 16h chiều 16/12/2016, nước lũ đã chính thức cô lập con đường duy nhất để vào buôn này.
Các cơ quan chức năng túc trực ứng cứu
Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Nguyễn Thế Hùng cho biết, huyện đã triển khai các biện pháp di dời 360 hộ dân tại hai buôn Jứ Ma Uôk và Jứ Ma Hoét đến các điểm trường học an toàn, đồng thời cung cấp lương thực cho người dân. Thống kê ban đầu của huyện về diện tích hoa màu của người dân thiệt hại trên 1.000ha.
Mặc dù lực lượng chức năng đã vận động, kêu gọi người dân di dời tài sản và con người đến các vùng cao an toàn nhưng người dân vẫn có tâm lý khá chủ quan. Để đảm bảo sự an toàn cho người dân, lực lượng chức năng huyện Ia Pa đã sử dụng ca nô, thuyền máy túc trực sẵn sàng cứu những người dân bị cô lập tại các khu vực rẫy ở xã Ia Broăi, Ia Tul, Ia Trôk.