THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:52

Mưa lũ tiếp tục hoành hoành các tỉnh Nam Trung Bộ

 

Tại Khánh Hòa, các tuyến đường từ Nha Trang đi Sân bay Cam Ranh, qua đại lộ Nguyễn Tất Thành nhiều đoạn ngập nặng gây ách tắc giao thông, các loại xe taxi gầm thấp không dám chạy sợ tắt máy. Đường 2-4, lượng nước trên đường đoạn trước Làng trẻ SOS Nha Trang bắt đầu dâng cao từ đầu giờ sáng 16-12, khiến tình hình giao thông tiếp tục gặp khó khăn, nhiều xe liên tục chết máy. Có thợ sửa xe đứng chờ 2 bên đường, chờ xe nào chết máy đi qua là sửa ngay tại chỗ. Còn tại đường Điện Biên Phủ, do nước ngập sâu, địa phương đã căng dây che chắn, không cho người dân qua lại để đảm bảo an toàn.

Tại khu tái định cư Hòn Xện, nước từ đoạn mương thoát lũ bị vỡ do trận mưa lớn tối 12/12, tiếp tục đổ xối xả xuống khu dân cư. 3 gia đình có nhà bị hư hỏng nặng do đá lớn đổ xuống đã phải bỏ nhà, đi ở nhà người thân. Nước liên tục đổ xuống với khối lượng lớn khiến đoạn đường Ngô Văn Sở và Triệu Quang Phục ngập nặng, đá nằm lởm chởm khiến xe cộ không thể lưu thông. 

Theo thống kê, tại TP. Nha Trang, đến chiều 16/12, lượng mưa đạt 259mm. Tại thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, mực nước dâng nhanh, ngập cục bộ do mưa lớn kéo dài, nước từ sông Cái tràn vào thôn Trung gây ngập đường, giao thông tạm thời bị gián đoạn; tại cầu Ké, thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp, nước đã ngập cầu từ 7 giờ sáng, dâng lên hơn 70cm, UBND xã đã tổ chức chốt chặn không cho người và phương tiện lưu thông. Tại đồi Lasan (Trường Đại học Nha Trang) tiếp tục sạt lở phía Phạm Văn Đồng, mở rộng thêm 4 đến 5 vị trí, đoạn từ nhà hàng Trùng Dương đến nhà hàng Thiên Nhiên, UBND phường Vĩnh Thọ đã phối hợp cùng Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang lập chốt chặn không cho xe lưu thông. Các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, một số điểm tiếp tục ngập từ 50-70cm, gồm: đường 23-10 đoạn qua UBND xã Vĩnh Trung, đến 17 giờ, xe cộ vẫn đang lưu thông được; đường Phong Châu, xã Vĩnh Thái; đoạn trước UBND xã Vĩnh Thái…

Đường 2-4 tiếp tục chìm trong “biển nước”

Phần sân trước của một số căn nhà tại đường Ngô Văn Sở (phường Vĩnh Hòa) bị sạt lở

Mực nước sông Cái lên nhanh từ 15 giờ chiều, các địa phương ven sông như Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, nước sông đã tràn vào sâu, các vũng trũng bị ngập. Đến thời điểm hiện tại, TP. Nha Trang chưa có thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản chưa được thống kê đầy đủ.

Tại Phú Yên, do mưa lớn đã xảy ra sạt lở đất, đá làm ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 1, 29 và đường sắt. Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết: khoảng 22 giờ ngày 15/12 tại Km1360+100 quốc lộ 1 thuộc địa phận đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa xảy ra vụ sạt lở đất, đá từ vách núi xuống đường (khoảng 50m3), làm tắc giao thông 2 chiều. Đến 1 giờ 45 ngày 16/12 vị trí sạt lở được Công ty Cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên khắc phục, các phương tiện lưu thông được 1 chiều, đến 7 giờ ngày 16/12 tại vị trí này đã thông xe 2 chiều đường. 

 Tiếp đó, khoảng 2 giờ ngày 16/12 tại Km1361+750 thuộc địa phận đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa lại xảy ra vụ sạt lở đất đá từ vách núi xuống đường vùi xe ô tô tải 66C-035.50 do Trần Hoàng Minh (sinh năm1968, trú khóm 3, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển đang lưu hành theo hướng Bắc - Nam. Sau đó ô tô tải va chạm vào xe ô tô đầu kéo 51C-087.78 (rơ moóc 51R-9985 do Nguyễn Dược (sinh năm 1957, trú thôn An Tường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển lưu hành ngược chiều. Hậu quả 2 xe hư hỏng nặng, gây ùn tắc giao thông hoàn toàn. Đến 9 giờ cùng ngày lực lượng chức năng đã khắc phục, giải phóng mặt đường, đảm bảo giao thông  thông suốt. 

Tại quốc lộ 29 khoảng 2 giờ 30 ngày 16/12 tại Km3+500 và Km4+500 thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa nước chảy qua cống thoát nước gây sạt lở đường dài 4m, rộng 4m, sâu 3m; tại Km9+800 xảy ra vụ sạt lở đá từ vách núi xuống đường (3 viên đá, mỗi viên khoảng 8m3) chiếm ½ đường. Sau khi xảy ra sạt lở 2 điểm trên Phòng PC67, Công an tỉnh và Công an huyện Đông Hòa đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông, không cho phương tiện lưu thông qua những vị trí sạt lở và  Công ty CP quản lý – sửa chữa đường bộ Phú Yên đã huy động trên 20 công nhân, 10 xe đào và ô tô khắc phục sự cố, đến 10 giờ 30 cơ bản khắc phục tạm thời. 

Đất đá sạt lở trên đèo Cả, các phương tiện lưu thông chỉ 1 chiều đường -Ảnh: NGỌC THẮNG

Công nhân khắc phục tà vẹt đường sắt tại phía nam ga Hảo Sơn - Ảnh: NGỌC THẮNG

Tại Bình Định, mưa lũ ngập nặng ở nhiều vùng trong tỉnh. Ngành chức năng đã điều tiết nước qua cửa tràn hồ Định Bình với lưu lượng 2.555m3/giây (lúc 10 giờ ngày 16.12). Đập dâng Văn Phong đã mở các cửa van để điều tiết nước đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ, lưu lượng đến 3.408m3/s, lưu lượng qua tuyến đập là 3.408m3/giây. Nước lũ từ đầu nguồn và các con sông lớn đổ dồn xuống vùng hạ du đã gây ngập lụt sâu 11/11 huyện, thị xã, với cô lập trên 90 xã, phường, thị trấn.

Trong đó, nhiều khu vực tại Hoài Ân, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn bị ngập sâu từ 1-1,5 m, nhiều xã bị cô lập nhiều ngày, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Riêng tại thị xã An Nhơn, mưa lũ đã làm ngập quốc lộ 19, đoạn ngang qua phường Nhơn Hòa, giao thông đi lại rất khó khăn, khoảng 2.000 hộ dân bị lũ uy hiếp.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Công an thị xã An Nhơn đã huy động 200 chiến sĩ di dời khẩn cấp các hộ dân bị ngập sâu, bị lũ uy hiếp đến nơi an toàn. Ông Đặng Vĩnh Sơn, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết: Đêm 15 và sáng 16/12, các lực lượng đã hỗ trợ di dời 1.300 hộ dân tại Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hòa, Nhơn Hòa, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh đến nơi an toàn, trong đó riêng phường Nhơn Hòa có 1.000 hộ dân đã được di dời.

Trong đó, nhiều khu vực tại Hoài Ân, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn bị ngập sâu từ 1-1,5 m, nhiều xã bị cô lập nhiều ngày, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Riêng tại thị xã An Nhơn, mưa lũ đã làm ngập quốc lộ 19, đoạn ngang qua phường Nhơn Hòa, giao thông đi lại rất khó khăn, khoảng 2.000 hộ dân bị lũ uy hiếp.

Chủ tịch UBND tinh Hồ Quốc Dũng trao lương thực cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng lũ bị cô lập khu vực Huỳnh Kim. Ảnh: Văn Lưu

Tại huyện Tuy Phước có 1 người chết do mưa lũ là bà Nguyễn Trịnh Liêm (sinh 1980) ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận đi qua tràn Mỹ Cang bị nước cuốn trôi lúc 16 giờ 40 ngày 15.12. Đến sáng ngày 16/12 vẫn chưa tìm thấy. Mưa lũ còn làm 8 căn nhà bị sập, 27.546 hộ bị ngập, 818 hộ dân di dời tại chỗ, 73 hộ di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ gây chia cắt 10/13 xã, thị trấn; đê sông Cây Me bị vỡ đứt 1 đoạn và có nguy cơ lở thêm 300m; 20m đê sông bờ Nam Đập Thông Chín bị vỡ, 15m và 50m3 đê sông Gò Chàm bị sạt lở. 

Tại huyện Hoài Nhơn: 7 nhà sập, 5 nhà tốc mái, 2.885 nhà ngập nước, di dời 556 hộ tại xã Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Hảo, Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Đức, thị trấn Bồng Sơn, Hoài Sơn,  Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Tân, Hoài Phú, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú. Đường giao thông tiếp tục sạt lở 16,5 km, hư hỏng 4 cầu, trôi 5 cầu tạm.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao quà cho các hộ dân di dời đến nơi ở mới để tránh lũ. Ảnh: Văn Lưu

Tại huyện Hoài Ân có 1 người bị nước cuốn trôi tại thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ vẫn chưa tìm thấy xác.  Mưa lũ cũng đã làm ngập 4.092 hộ bị dân, huyện đã phải di dời khẩn cấp 1.200 hộ dân do bị ngập lụt tại xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Đức, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Thạnh, Thị trấn Tăng Bạt Hổ, Ân Tường Đông đến nơi an toàn. Các cầu qua sông An Lão và nhiều đoạn trên tuyến đường ĐT 629 bị ngập, gián đoạn giao thông. Còn tại TP Quy Nhơn, bà Đỗ Cao Ly (65 tuổi), ở phường Nhơn Phú bị rắn cắn chết khi dọn nhà. Trên địa bàn thành phố còn có 7.600 hộ dân ở các phường: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Nhơn Bình, Thị Nại và xã Phước Mỹ bị ngập và chia bị ngập, trong đó có 682 hộ đã được di dời đến nơi an toàn. 

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ngày 16/12, toàn tỉnh có 64.696 hộ bị ngập, trong đó có 4.497 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Về tàu thuyền, huyện Hoài Nhơn có 1 tàu cá bị nạn trên biển. Đó là tàu cá mang biển hiệu BĐ 97955 TS, Công suất 740 CV, của ông Nguyễn Thể (sinh năm 1956), do ông Nguyễn Công (1984) đều ở xã Tam Quan Bắc làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 thuyền viên bị nạn tàu bị hỏng máy thả trôi lúc 14 giờ 30 phút ngày 15/12, tại vùng biển có tọa độ 14030’N - 111030’E (cách biển Tam Quan, Bình Định khoảng 140 hải lý). Đến 8 giờ 45 phút ngày 16/12 tàu HQ 628 đã chạy ra tìm kiếm cứu hộ tàu bị nạn.

Phó thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình lũ lụt. Ảnh: Văn Lưu

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, trưa ngày 16/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các Bộ, ngành Trung ương đã đi, kiểm tra, khảo sát tình mưa lũ trên địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn); thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các hộ dân có nhà bị ngập sâu phải di dời đến nơi an toàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra của tỉnh ta, đồng thời chỉ Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính… hỗ trợ tỉnh ta về phương tiện, lực lượng,lương thực, thực phẩm, giúp tỉnh ứng phó khắc phục hậu quả mưa lũ. Tỉnh Bình Định phải tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt hại do mưa lũ, hộ có nhà sập, hư hỏng, từng bước ổn định đời sống của nhân dân; hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc y tế… cho các hộ dân bị ngập lũ, nhất quyết không để người dân nào bị đói, rét. Những hộ bị ngập sâu, những vùng có thể xảy ra lũ quét uy hiếp cần phải di dời đến nơi ở an toàn. 


NGỌC MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh