THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:31

Gia Lai: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Cùng với đó, các ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo được thành lập nhằm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ từng thôn, làng, hộ nghèo; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, huy động cán bộ, đảng viên cùng vào cuộc.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có: 1 huyện nghèo, 61 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới và 664 thôn, làng đặc biệt khó khăn (số liệu trước khi sáp nhập); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44,75%. 

Từ năm 2016 đến nay, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,71% (tương đương 64.087 hộ); đến cuối năm 2019, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,04%; bình quân mỗi năm giảm trên 3,1%, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và tỉnh đề ra, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm bình quân 6,37%. 

Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa…; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia Lai: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở  - Ảnh 1.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Lai giảm trên 3,1%.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018 là hơn 782 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách Trung ương hơn 758,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 23,3 tỷ đồng, vốn giai đoạn trước chuyển sang gần 3,8 tỷ đồng. 

Đến cuối năm 2018, tỉnh đã giải ngân và thanh quyết toán nguồn kinh phí trên 713,1 tỷ đồng; kinh phí thu hồi, nộp trả hơn 64,8 tỷ đồng và chuyển kỳ sau 7,72 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp, ngành còn đóng góp, huy động được trên 65 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, xây dựng và sửa chữa nhà ở, làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Riêng năm 2019, kinh phí thực hiện Chương trình trên 219,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong 3 năm (2016 - 2018), 4 huyện nghèo của tỉnh được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a gồm: Kbang, Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa đã tích cực thực hiện công tác giảm nghèo, bình quân mỗi năm giảm trên 4%. 

Đến tháng 3/2018, tỉnh chỉ còn huyện Kông Chro được bổ sung vào danh sách huyện nghèo nhóm 2, tiếp tục thụ hưởng Chương trình này trong giai đoạn 2019 - 2020. Đối với 61 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 6%, vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh đề ra. 

Qua rà soát, toàn tỉnh có 1 xã và 90 thôn đã đáp ứng tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2018. Tỉnh cũng đã thực hiện vượt chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và sản xuất, đảm bảo phục vụ hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân.

Trong năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn 219,621 tỷ đồng để các địa phương có thêm nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo. 

Đồng thời, địa phương cũng tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo để phát triển kinh tế; lồng ghép các nguồn vốn giữa Trung ương với địa phương, giữa ngân sách với huy động trong dân để thực hiện chương trình; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững. 

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai 15 chương trình tín dụng hỗ trợ 178.512 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, doanh số cho vay đạt 5.160 tỷ đồng. Chính sách bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ nhà ở, giáo dục đối với học sinh - sinh viên, hỗ trợ làm nhà tiêu đạt chuẩn, nước sạch - vệ sinh môi trường, hỗ trợ mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng giúp hộ nghèo, cận nghèo phương thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo ở Gia Lai giảm còn 7,04% và có hướng phấn đấu hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo hiện hành đối với người nghèo nói chung và hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin, vay vốn tín dụng ưu đãi... 

Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan bố trí nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, trong đó tập trung hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Mặt khác, tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, mô hình liên kết doanh nghiệp với hộ nghèo, xã nghèo để phát triển kinh tế. Đặc biệt, lồng ghép các nguồn vốn giữa Trung ương với địa phương, giữa ngân sách với huy động trong dân để thực hiện chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, coi đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh và bền vững.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh