Gia Lai: Cuộc sống thay đổi nhờ cây mía tím
- Huyệt vị
- 13:10 - 31/03/2020
Những ngày nắng cháy da cháy thịt ở cái nhiệt độ hơn 350C của tháng 3 Tây Nguyên mà được ăn một miếng mía tím mát lạnh thì còn gì hơn. Vừa ngọt, vừa mát làm cho con người cảm thấy nhiệt độ ngoài trời có bao nhiêu cũng giảm xuống. Cũng chính vì hiểu được cảm giác của người dân đi trong nắng nóng nên nhiều hộ dân ở hai xã Ia Pal và H'Bông chọn cây mía tím để trồng. Cây mía tím ở đây được trồng trên những thửa ruộng đầy đá. Chỗ nào nhiều đá quá thì người dân lại khuân đá vào một chỗ tìm đất để trồng cây. Cứ như thế những sào mía tím ra đời, còn với nông dân ở đây họ được ví như "chiến binh của vùng đất sỏi đá".
Theo thống kê của xã H'Bông thì hiện nay trên địa bàn xã có 13 ha mía tím cho năng suất lên đến 50 triệu/1 sào. Chủ tịch UBND xã H'Bông, huyện Chư Sê – ông Nguyễn Hữu Tỵ cho biết "người nông dân ở đây loay hoay mãi với các loại cây, từ khi họ trồng cây mía tím thì thu nhập của người dân cũng được nâng lên đáng kể".
Theo nông dân Bùi Văn Cường ở thôn Ia Sa, xã H'Bông huyện Chư Sê thì cho biết "một sào trồng được khoảng 10 ngàn cây mía, sau 7 tháng sẽ cho thu nhập bình quân là 5 đến 6 ngàn/1 cây nếu bán tại vườn. Trồng mía tím đầu tư khoảng 15 triệu một sào, nó thì kì công hơn mía đường nhưng lại cho thu nhập cao hơn. Bình quân 1 sào được 50 triệu đến 60 triệu đồng".
Trong khi đó, tại xã Ia Pal của huyện Chư Sê, người nông dân lại trồng mía tím rồi bán lẻ cho người đi đường cho thu nhập khá ổn định. Tự trồng tự bán, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhàn cho biết "mình bán mỗi cây từ 10 ngàn đến 13 ngàn tuỳ cây, cuộc sống cũng có thu nhập từ cây mía này đấy".
Ông Lê Hữu Thiện – Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Ia Pal thì cho biết "người dân ở đây tự trồng tự bán mía tím nên cho thu nhập cũng tương đối khá. Nhờ vậy cuộc sống của họ có chiều hướng đi lên, ổn định hơn". Theo số liệu của UBND xã Ia Pal thì cây mía tím hiện nay trên toàn xã có 9,2ha mía tím. Với phương thức tự trồng tự bán thì người dân ở đây cũng có thu nhập bình quân 65 triệu đồng/ 1 sào mía. Đây là một số tiền tương đối lớn đối với những người dân làm nông nghiệp trên địa bàn hai xã này.
Điều đặc biệt mỗi mùa vụ của cây mía tím là 7 tháng và phát triển tốt trên vùng đất sỏi đá này. Càng nắng nóng khô cằn thì cây mía càng ngọt. Chính vì thế mà nó được người tiêu dùng đánh giá là ngon, ngọt và được đưa đi tiêu thụ khắp trong tỉnh. Đây là tín hiệu tốt cho cuộc sống của người dân trên vùng đá sỏi này.