THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:41

Già hóa dân số: Thách thức của thị trường lao động

 

Từ nay tới năm 2040: Giảm 15% lực lượng lao động! 

Báo cáo “Sống lâu và giàu có: Hiện tượng già hóa dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương” cho thấy, 36% dân số độ tuổi trên 65 của thế giới, khoảng 211 triệu người, đang sống trong khu vực Đông Á, đây là con số lớn nhất so với tất cả các khu vực khác trên thế giới. Đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc và trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

“Tốc độ già hóa nhanh trên quy mô lớn tại Đông Á đã tạo ra thách thức chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như các rủi ro xã hội khác. Nếu không cải cách, chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070. Đồng thời, hệ thống y tế các nước chưa được chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh, vì các bệnh như: Ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám chữa bệnh vào năm 2030. Ngoài ra, lớp người cao tuổi hôm nay sẽ ít nhận được sự chăm sóc từ gia đình hơn trước đây”, báo cáo nhận định.

Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB, khu vực Đông Á- Thái Bình Dương cho hay, quản lý hiện tượng già hóa nhanh chóng không chỉ là vấn đề người cao tuổi, mà nó đòi hỏi một cách tiếp cận chính sách toàn diện, đề cập mọi giai đoạn trong cuộc đời, nhắm đến tăng cường khả năng tham gia của lực lượng lao động, khuyến khích cách sống lành mạnh dựa trên đổi mới dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, hưu trí, chăm sóc dài hạn và các vấn đề khác.

Nhiều quốc gia đang kiến nghị nâng tuổi nghỉ hưu.       Ảnh: QĐ

Theo báo cáo, hiện tượng già hóa một phần bắt nguồn từ kết quả phát triển kinh tế nhanh trong vài thập kỉ gần đây trong khu vực. Thu nhập tăng lên, trình độ giáo dục cao hơn đã liên tục làm tăng tuổi thọ và đồng thời kéo theo nó sự giảm sút mạnh mẽ tỉ lệ sinh. Do vậy đến năm 2060, cứ 5 nước có dân số già nhất trên thế giới thì có một nước thuộc khu vực Đông Á, trong khi đó tỉ lệ này năm 2010 chỉ là 1/25.

Xem xét tăng dần tuổi nghỉ hưu

Tốc độ già hóa tại mỗi nước khác nhau. WB cho rằng, các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đã bắt đầu già hóa nhanh, sẽ phải đối mặt với một số thách thức khó khăn nhất. Ông Sudhir Shetty, kinh tế gia trưởng khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, WB nhận định: “Quá trình chuyển đổi dân số và dịch tễ học trong khu vực đòi hỏi phải có các phản ứng chính sách chủ động trên các lĩnh vực hưu trí, y tế và thị trường lao động. Đông Á- Thái Bình Dương có một số lợi thế để giải quyết vấn đề già hóa dân số, như: Người dân trong khu vực có thời gian làm việc dài hơn các nơi khác trên thế giới... Thông qua các lựa chọn chính sách của mình, chính phủ các nước có thể giúp người dân thích ứng với hiện tượng già hóa nhanh chóng và khuyến khích các biện pháp tăng cường sức khỏe và khả năng lao động cho người cao tuổi.”

Báo cáo của WB đề xuất một số biện pháp cải cách cấp bách, nhất là về thị trường lao động, như Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, báo cáo đề xuất: “Có thể xem xét loại bỏ các ưu đãi trong hệ thống hưu trí hiện đang khuyến khích một số nhóm, ví dụ phụ nữ tại khu vực đô thị nghỉ hưu quá sớm”. Với các nước có trình độ phát triển cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, WB đề xuất “có thể mở cửa thị trường lao động nhằm thu hút lao động trẻ từ các nước khác. Tất cả các nước thuộc mọi nhóm thu nhập, đều cần cải thiện chất lượng lực lượng lao động thông qua giáo dục và học tập suốt đời”, WB cho biết.

Tựu trung, báo cáo của WB khuyến nghị các nước trong khu vực tiến hành cải cách hệ thống hưu trí hiện tại, trong đó bao gồm biện pháp tăng dần tuổi nghỉ hưu. Những thay đổi này sẽ cho phép mở rộng tỉ lệ hưu trí còn nhỏ hiện nay, bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức. Đối với các nước có dân số tương đối trẻ, báo cáo khuyến nghị nên tính đến việc dân số sẽ già hóa nhanh chóng trong tương lai và thiết lập hệ thống hưu trí bền vững.

THANH NHUNG-CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh